PV: Sau khi Ấn Độ và Nga, UAE, Thái Lan, Myanmar... cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo vì lo ngại mất an ninh lương thực do biến đổi khí hậu đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng nhanh. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của ngành lúa gạo Việt Nam bối cảnh đó?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Nhiều nước khu vực châu Á không có hệ thống sản xuất lúa gạo như Việt Nam, nhất là so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên không thích ứng được với biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài như ở Ấn Độ vừa qua sẽ lập tức dẫn đến mất mùa, gây thiếu hụt lúa gạo. Khả năng mùa xuân năm 2024, hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng nặng hơn nữa ở châu Á. Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo là tất yếu.
Ở nước ta, từ khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành lúa gạo đã có sự ổn định. Ví dụ, mùa khô ở vùng mặn phía biển, trước kia chúng ta lo đắp đập ngăn mặn rồi đưa nguồn nước ngọt ít ỏi về để trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Hiện nay, chúng ta chuyển hẳn làm một vụ lúa trong mùa mưa và khi thu hoạch lúa xong, nông dân cho nước mặn vào để nuôi tôm, cá, dành phần nước ngọt cho vùng an ninh lương thực. Đây là phương pháp sản xuất bền vững, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân mà vẫn giữ được ổn định sản lượng lúa.
Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã quy hoạch lại vùng trồng lúa ở phía Bắc của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An với diện tích khoảng 1,5 triệu ha thành vùng lúa cao sản. Đây là vùng nước ngọt dồi dào quanh năm bởi nguồn nước sông Cửu Long đổ vào, sông Tiền, sông Hậu tưới mát hai bên, là khu vực nước mặn không bao giờ lên đến, nên có thể gọi là vùng an ninh lương thực quốc gia.
Tính đến hết tháng 8-2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,85 triệu tấn gạo, trị giá 3,17 tỉ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỉ USD.Còn ở vùng giữa thuộc Đồng Tháp, Tiền Giang... trước đây vốn là vùng lúa cao sản, trồng 3 vụ lúa, nhưng bây giờ một số nơi chuyển bớt diện tích sang trồng cây ăn trái như xoài, sầu riêng, mít... Nhưng nhìn chung, nông dân vẫn trồng 3 vụ lúa hoặc khi cần trồng lúa vụ 3 thì vẫn có thêm đất để trồng. Còn vùng nào phèn nhiều thì người ta trồng khoai mì, khóm rất trúng mùa.
Có thể thấy, chúng ta đã thích nghi với biến đổi khí hậu một cách rất tài tình. Nhờ quy hoạch trồng lúa như vậy nên chúng ta không bao giờ lo thiếu lúa gạo. Đây là điều mà Ấn Độ, Thái Lan không làm được.
Có thể khẳng định, đây là thời cơ vàng cho chúng ta. Với lượng gạo hiện đang có, cộng với lượng lúa đang gặt, đồng thời tăng cường thêm lúa vụ 3, chúng ta phải mạnh dạn tăng lượng gạo xuất khẩu với giá cao để nông dân, doanh nghiệp phát triển.
Với xu thế biến đổi khí hậu, cộng với tình hình địa chính trị bất ổn ở châu Phi, khủng hoảng lương thực càng tăng, giá gạo sẽ tiếp tục tăng lên nữa, dự đoán ít nhất cũng đến 800 USD/tấn, nếu lượng gạo cung ứng cho thế giới thiếu hụt thì giá gạo có thể lên tới 1.000 USD/tấn. Đây là xu hướng tăng giá không cưỡng lại được bởi theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường.
PV: Nhiều người đang lo ngại nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ khiến giá lúa gạo trong nước tăng cao, góp phần đẩy giá tiêu dùng trong nước lên cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ý kiến của ông như thế nào?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Nhìn ở góc độ tích cực, khi nông dân khá lên, doanh nghiệp khá lên nhờ giá lúa gạo tăng thì lợi nhuận của ngành công nghiệp cũng tăng lên. Khi lợi nhuận của doanh nghiệp, nông dân tăng lên thì tiền thuế chảy vào ngân sách Nhà nước cũng tăng lên. Đồng thời, Nhà nước cần kiện toàn lại bộ máy ngành thuế, đừng để thất thoát thuế.
Nhà nước cũng cần có những giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Đó có thể là việc xác lập mặt bằng mới không những về giá lúa gạo mà cả mặt bằng lương. Lương ở ta đang thuộc hàng thấp nhất thế giới, lương không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Đó là một bất cập mà Nhà nước cần tiếp tục xem xét điều chỉnh. Đối với người lao động nghèo, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp phù hợp.
PV: Năm 2022 chúng ta xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 7 triệu tấn, nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo của Ấn Độ, Campuchia. Như vậy, nếu chúng ta tập trung xuất khẩu gạo thì lượng gạo nhập khẩu có thể bị thiếu hụt do Ấn Độ đang cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Chúng ta phải giải quyết bài toán cân đối xuất - nhập gạo như thế nào, thưa ông?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Tôi nhất trí với chủ trương của Bộ NN&PTNT về việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, bởi đây là một cơ hội rất tốt cho hạt gạo Việt Nam. Còn việc giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, thật ra đó là tốt vì sẽ giúp hạn chế gian thương mua gạo xấu, rẻ tiền rồi trộn vào gạo tốt của chúng ta để bán với giá gạo tốt. Đó là kiểu lừa gạt khách hàng khá phổ biến trên thị trường gạo hiện nay.
Còn về an ninh lương thực trong nước, như đã nói, chúng ta không sợ thiếu lúa gạo do đã có quy hoạch khá bài bản và hiệu quả. Chúng ta cũng đã chứng minh sự thích ứng tốt với biến đổi khí hậu trong trồng lúa nên sản lượng sẽ ổn định.
Hơn nữa, vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có dự định tăng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông 2023 thêm 50.000 ha tại Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, khả năng sản lượng lúa sẽ còn tăng lên nữa trong vụ tới.
PV: Theo ông, để lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo nước ta phát triển mạnh và bền vững, để doanh nghiệp và nhất là nông dân được giàu lên từ lúa gạo, chúng ta cần làm gì?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Hiện nay, hệ thống sản xuất lúa gạo của chúng ta tương đối ổn định nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể tự tin khai thác thế “thượng phong”, tiến tới thương thảo ký hợp đồng dài hạn, bán gạo trước với giá tương lai như thị trường cà phê.
Khi ký được hợp đồng bán gạo dài hạn, doanh nghiệp trở về đề nghị hợp tác cùng với chính quyền địa phương để thiết lập vùng nguyên liệu sản xuất; ký kết hợp đồng với các hợp tác xã nông nghiệp; hợp tác với các nhà khoa học hướng dẫn nông dân trồng vùng nguyên liệu lúa một cách ổn định với quy trình, chất lượng cao nhất.
Doanh nghiệp thiết lập vùng nguyên liệu, lo đầu ra; nông dân kết hợp với nhau làm chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho doanh nghiệp, từ đó giúp xóa bỏ khâu trung gian là thương lái, giúp lúa gạo của nông dân làm ra được giá cao hơn. Được như vậy, cả nông dân và doanh nghiệp đều an tâm.
Còn thương lái có thể gia nhập hợp tác xã tại vùng của họ. Thay vì chờ lúa chín rồi đi mua, bây giờ họ hỗ trợ nông dân trong hợp tác xã trong canh tác, thu hoạch. Họ có việc làm, doanh nghiệp không phải thuê mướn thêm người...
Chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm dự án cải tiến thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng lúa gạo chế biến. Hiện nay phần lớn các nhà máy xay xát chỉ đạt 50-55% hạt nguyên, còn lại là tấm, nếu nâng lên 65% thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn. Hoặc nếu doanh nghiệp Việt đầu tư máy móc thiết bị như máy sấy lúa, máy bóc vỏ, máy đánh bóng, máy tách màu... hiện đại thì sẽ cạnh tranh được với doanh nghiệp Thái Lan.
Qua đây cũng là dịp chúng ta làm “cách mạng” về quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất (nông dân) phải phát triển phù hợp với phương thức sản xuất mới. Không còn kiểu nông dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ rồi bán lúa gạo cho thương lái với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường do bị ép giá, mà họ buộc phải hợp tác lại với nhau, hình thành các hợp tác xã, các chuỗi cung ứng lúa gạo tốt nhất cho doanh nghiệp.
Có được như vậy, ngành lúa gạo mới “cất cánh” và nông dân mới có thể giàu lên được. Nông dân giàu thì chúng ta mới có thể thực hiện lời dạy của Bác Hồ từ năm 1947 là: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Còn hiện nay, phần lớn nông dân trồng lúa vẫn khó khăn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Chú trọng liên kết tiêu thụ lúa gạo
Hiện nay, khi giá lúa tăng cao, có một vấn đề phát sinh, đó là đẩy giá, tồn trữ, đặt cọc..., gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lúa gạo. Thực tế, tại các địa phương trọng điểm sản xuất lúa, thời điểm hiện nay vừa mang đến cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong chuỗi liên kết sản xuất.
Tại Cà Mau, gần đây, tình hình thu gom lúa tại các vùng trong tỉnh có sự cạnh tranh, đặc biệt là tại những nơi nông dân chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, phân tích: Khi giá lúa tăng, doanh nghiệp (đã ký hợp đồng bán gạo trước đó) phải chịu lỗ khi mua với giá cao nhưng xuất khẩu với giá thấp. Một số doanh nghiệp rất khó mua lúa, do thương lái đã đặt cọc trước. Nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có nguy cơ bị phá vỡ do giá lúa tăng đột biến...
Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để có phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho nông dân với giá có lợi.