Hành vi trốn thuế trong giao dịch bất động sản
Theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành quy định về hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó, đáng chú ý là yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS.
Cụ thể, trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, lạm dụng chức vụ quyền hạn, tái phạm nguy hiểm, số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm;
Trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5-4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong thời gian qua, “vấn nạn” trốn thuế trong các giao dịch BĐS vẫn xảy ra với tần suất lớn, rất nhiều đối tượng đã bị cơ quan công an điều tra khởi tố, bắt giam.
Vào đầu năm 2022 tại TP.HCM, Chi cục Thuế quận 10 phát hiện nhiều vụ mua bán căn hộ có giá trị chuyển nhượng lên tới 4-5 tỷ đồng nhưng lại kê khai nộp thuế chỉ bằng 1/5 (khoảng 1 tỷ đồng), đơn vị này đã chuyển hồ sơ kiến nghị Công an điều tra làm rõ.
Hồi tháng 3/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi tố, bắt giam đối tượng Lê Anh Đức - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ BĐS Vincomreal, ký hợp đồng chuyển nhượng 70 lô đất nền tại huyện Long Điền với giá 700 triệu đồng/lô, nhưng hợp đồng công chứng chuyển nhượng lại chỉ ghi 50 triệu đồng/lô và không xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Tháng 9/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Định) cũng quyết định khởi tố bị can Ngô Thị Điều - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh cũng vì hành vi tương tự... Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp “bề nổi” còn “tảng băng chìm” vẫn chưa thể cân đo, đong đếm hết.
Vấn nạn trốn thuế trong các giao dịch bất động sản
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (phiên giải trình ngày 2/6 vừa qua), đã nêu rõ vấn nạn trốn thuế trong các giao dịch BĐS, tình trạng người dân và DN mua bán, chuyển nhượng BĐS có sự thỏa thuận “ngầm” với nhau nhằm trốn thuế, trục lợi cá nhân đang là vấn đề hết sức nan giải, với những chiêu trò khác nhau.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho biết thêm, “Có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, nhưng sau đó được giải thích và kê khai lại là 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần” - với việc cơ quan thuế siết chặt vấn đề thu thuế trong giao dịch BĐS, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã thu được 16.200 tỷ đồng, vượt thu so với cùng kỳ năm 2021 là 6.600 tỷ đồng.
Nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng trên, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã yêu cầu tăng cường đẩy mạnh “thương mại hóa quyền sử dụng đất” giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình sử dụng đất.
Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS, tạo cơ chế bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính: "Chúng tôi ủng hộ quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với các giao dịch nhà đất, sẽ giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền, đồng thời tạo minh bạch cho thị trường, từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn cho thị trường như thời gian qua. Nhưng để làm được việc này cần phải tuyên truyền cho người dân về lợi ích khi mua bán không dùng tiền mặt và cơ quan quản lý cũng phải áp dụng đồng bộ với các quy định liên quan. Từ đó, minh bạch thị trường, giúp cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu để quản lý".
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Lý Thị Hoài Hương: "Việc quy định các giao dịch BĐS phải qua ngân hàng nhằm kiểm soát dòng tiền trong giao dịch, làm cơ sở căn cứ tính thuế, thực hiện công tác chống gian lận. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả biện pháp này Tổng cục Thuế cũng đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế; sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Đất đai, để giá đất của UBND các tỉnh, TP sẽ dần tiệm cận với giá thị trường".
Tổng Giám đốc Công ty DRH Holdings Ngô Đức Sơn đánh giá về nội dung này cũng cho rằng, quy định giao dịch BĐS phải qua ngân hàng là hoàn toàn hợp lý, những giao dịch tiền mặt dẫn đến các cơ sở về giá không được minh bạch, không chứng minh được nguồn gốc dòng tiền.
Theo ông Sơn chia sẻ: "Quy định này sẽ làm cơ sở tiến tới minh bạch trong hoạt động mua bán, minh bạch hóa tài sản, nghĩa vụ thuế và tín chấp cá nhân. Ở các nước trên thế giới, phần lớn đều giao dịch, mua bán tài sản đều qua ngân hàng, căn cứ vào lịch sử giao dịch mà ngân hàng có thể cho cá nhân đó vay tiền và Nhà nước cũng quản lý kiểm soát được vấn đề thất thu thuế. Với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, mua bán BĐS theo xu thế này được xem là tất yếu”.
Cùng chung quản điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bổ sung quy định chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà đất 2 giá, từng bước chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị: “Bên cạnh việc yêu cầu chuyển nhượng BĐS phải chuyển tiền qua ngân hàng, cơ quan chức năng phải làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng, công chứng giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá trị thực. Từ đó, từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS”.