Cuối năm 2006, chúng tôi tham gia một lớp học về công nghệ thông tin tại Học viện hành chính Bắc Kinh, Trung Quốc. Lần đầu tiên được nghe giới thiệu về Facebook. Đó chính là thời điểm Facebook ra đời, đánh dấu bước ngoặt của hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình “Facebook Platform”, cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình, cũng như các thành viên khác dùng.
Từ đó đến nay, đã gần 20 năm, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ với những công cụ mới như Zalo, YouTube, TikTok, Instagram, twitter. Tính đến tháng 6-2023, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có lượng người dùng facebook nhiều nhất thế giới, với gần 66,2 triệu người dùng và xếp ở vị trí thứ bảy.
Mạng xã hội từng được ví như “quán bar khổng lồ”, lan tỏa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, tác động không nhỏ tới tư tưởng, nhận thức của người sử dụng. Triệt để khai thác sự kết nối rộng rãi, nhanh chóng, chia sẻ dễ dàng, cùng sự đa dạng của các loại hình dịch vụ “truyền thông xã hội”, các thế lực thù địch đã lợi dụng không gian mạng tiến hành nhiều hoạt động chống phá, đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Trong thời gian qua, có một loại lừa đảo khá tinh vi, phức tạp trên môi trường số, đó lừa đảo trực tuyến. Cục An toàn thông (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến ở nước ta tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Một sự so sánh cung cấp những thông tin rất đáng lo ngại, bởi đi kèm tệ nạn này là biết bao người dân lành bị lừa đảo, gây ra nhiều hệ lụy về tinh thần, lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí khánh kiệt tài sản.
Có ba nhóm chính tham gia lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam. Đó là: giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản; các hình hức kết hợp khác. Trong ba nhóm này lại lại “đẻ” ra hàng chục hình thức lừa đảo, như đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deevoice; lừa đảo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công,v.v..
Không chỉ có lừa đảo trực tuyến, các đối tượng, tổ chức phản động, thù địch đã thiết lập hàng chục nghìn tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tung tin, cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả, thậm chí bịa đặt, vu khống những điều liên quan đến đời tư, quan hệ gia đình, sức khoẻ của các đồng chí lãnh đạo cấp cao,nhằm gây mất đoàn kết, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Trong những ngày cuối tháng 7, khi chúng ta tiến hành xét xử các vụ án “Chuyến bay giải cứu”, vụ án Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, và 35 bị cáo khác trong vụ án sản xuất 27.000 quyển sách giáo khoa giả, cũng đã xuất hiện một làn sóng thông tin giả, chứng cứ giả và những bình luận ác ý. Thậm chí có những bài viết, bình luận còn mang tính kích động, nhằm gây mất ổn định chính trị, an ninh xã hội.
Thật sự nguy hiểm khi có một số người đã cố tình xuyên tạc, bôi nhọ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như hoạt động tư pháp của nước ta. Họ vu cáo rằng: Trong vụ xử “Chuyến bay giải cứu”, tòa đã “không đếm xỉa” quyền lợi của người dân, lại tỏ ra “yếu kém” về mặt chứng lý”; hoặc tòa xử như “mua bán”, thua kém “nghiêm minh” so với thời phong kiến”; rồi trong xét xử sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, hàng trăm ngàn nạn nhân thật sự bị “bỏ qua” (!)... Những luận điệu này trái với tinh thần của Hội đồng xét xử phiên tòa đã tuyên bố ngay từ khi khai mạc phiên tòa và thực tiễn đã diễn ra đúng như vậy. Đó là, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Có những người khi nói tới “thế lực thù địch” thường cho rằng, do ai đó cường điệu hóa mà thôi. Không, đó không phải là “báo động giả”, mà thật sự các hoạt động chống phá đã và đang diễn ra vừa trắng trợn, vừa tinh vi. Chẳng hạn, mới đây, tổ chức khủng bố Việt Tân đã thực hiện một buổi livestream trên fanpage để nói về quyền tự do thông tin. Họ đổ lỗi cho Việt Nam cố tình sử dụng Luật An ninh mạng để bóp nghẹt dân chủ, không chịu lắng tiếng nói phản biện. Tổ chức này còn lập ra các hội, nhóm và kêu gọi người dân cần có “thái độ dứt khoát” chống lại sự kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội.
Rõ ràng các hoạt động trên mạng xã hội trong thời gian qua ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý, hướng dẫn người sử dụng. Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, theo dõi thông tin trên mạng xã hội, sớm phát hiện những thông tin tiêu cực, bịa đặt để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, định hướng dư luận kịp thời, xử lý nghiêm minh các “anh hùng bàn phím” cố tình đưa tin xuyên tạc, giật gân, lập lờ đen-trắng.
Đặc biệt, mỗi người sử dụng hãy là các “nhà thông thái” trong không gian ảo này, bình tĩnh, thận trọng và tỉnh táo để không sa “bẫy”, không mắc mưu các luận điệu tuyên truyền kích động, hoặc tiếp tay, vô tình lan tỏa các thông tin xấu độc và các bẫy lừa đảo trực tuyến.