Mua dầu cấm vận, Trung Quốc tiết kiệm hàng tỷ USDDựa trên số liệu theo dõi tàu biển và từ các hãng buôn dầu, Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 10 tỷ USD năm nay nhờ tăng mua dầu thô từ các nước bị trừng phạt như Nga, Iran và Venezuela. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã giúp giảm chi phí nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc.
Số liệu do các hãng theo dõi tàu biển Vortexa và Kpler cung cấp cho thấy trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc nhận kỷ lục 2,76 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển từ 3 nước trên.
Các nước này đóng góp gần 25% nhập khẩu của Trung Quốc từ đầu năm đến nay, tăng 21% so với năm 2022 và gấp đôi năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Đông, Tây Phi và Nam Mỹ chậm lại.
Riêng Nga cung cấp 1,3 triệu tấn dầu thô mỗi ngày cho Trung Quốc qua đường biển. Năm nay, Trung Quốc đã tiết kiệm 4,3 tỷ USD nhờ nhập dầu từ Nga. Sau chiến sự, Nga chuyển hướng bán dầu từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc cũng tiết kiệm được 15 USD/thùng khi mua dầu Iran thay vì Oman. Trong 9 tháng đầu năm, họ mua kỷ lục 1 triệu thùng dầu từ Iran mỗi ngày.
Nhu cầu năng lượng "khủng" của Trung QuốcTheo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bất chấp những sóng gió trên thị trường bất động sản, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn ổn định và quốc gia châu Á này vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.
Theo một báo cáo mới đây của IEA, tăng trưởng của Trung Quốc đã định hình thị trường năng lượng thế giới trong những thập kỷ gần đây.
Chỉ riêng trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng góp hơn 1/3 tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Quốc gia châu Á này cũng chiếm hơn 50% tăng trưởng nhu cầu năng lượng và 85% mức tăng phát thải CO2 của ngành năng lượng thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang thay đổi. Theo báo cáo của IEA, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, việc tái cân bằng nền kinh tế nước này vẫn còn là một chặng đường dài.
Mức tiết kiệm và đầu tư vẫn rất cao, tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục tăng và ngành xây dựng vẫn giữ vai trò to lớn trong GDP. Mặc dù, cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay của Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý nhưng nó vẫn chưa tác động mạnh đến ngành năng lượng.
Sức hút khó cưỡng của dầu giá rẻNga sẽ bán khí đốt tự nhiên qua đường ống cho Trung Quốc với mức giá trung bình là 271,6 USD/1.000m3 vào năm 2024.
Trong khi đó, người mua ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức giá trung bình là 481,7 USD. Theo Bloomberg, mức giá đó sẽ được duy trì cho đến năm 2026 và giảm dần theo thời gian.
Nhiều năm qua, quan hệ về năng lượng giữa Nga và Trung Quốc đã ngày càng khăng khít. Quá trình này càng tăng tốc sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra đầu năm ngoái. Trung Quốc trở thành khách hàng quan trọng đối với "gã khổng lồ" năng lượng Gazprom khi tập đoàn này hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu, các quốc gia từng là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp này.
Nga từ lâu đã cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng cho các ngành sản xuất của Trung Quốc, đồng thời nhập khẩu vật liệu bán dẫn, chip và các sản phẩm công nghệ từ nước này. Tổng giá trị thương mại giữa 2 nước đã tăng gần 30% trong năm ngoái lên 185 tỷ USD.
Năm nay, Nga dự kiến bán khí đốt cho Trung Quốc với mức trung bình 297 USD/1.000 m3, trong khi các khách hàng còn lại ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ phải trả khoảng hơn 500 USD.
Lợi nhuận từ việc bán nhiên liệu cho Trung Quốc giúp bù đắp đáng kể cho nền kinh tế Nga, khi doanh số xuất khẩu năng lượng sang châu Âu của nước này sụt giảm mạnh.
Nhiều công ty lãi đậmViệc nhập dầu giá thấp hơn đã giúp các hãng lọc dầu tại Trung Quốc gia tăng sản lượng và biên lợi nhuận. Điều này giúp các hãng tăng xuất khẩu dầu diesel và xăng trong bối cảnh kinh tế trong nước chậm lại.
Các nhà máy lọc dầu tư nhân nhỏ cũng đặc biệt hưởng lợi từ việc này. Theo công ty tư vấn JLC, các hãng lọc dầu tư nhân nhỏ ở Sơn Đông, thủ phủ lọc dầu của Trung Quốc, đã hoạt động 65,7% công suất trong 3 quý đầu năm, tăng 4,2% so với năm ngoái.
Kang Wu, Giám đốc Nghiên cứu nhu cầu toàn cầu tại công ty dữ liệu S&P Global Commodity Insights, nhận định rằng dù số tiền tiết kiệm được chỉ là một phần nhỏ so với chi phí nhập khẩu dầu của Trung Quốc, nó đã giúp các hãng lọc dầu tư nhân nhỏ ở nước này dễ dàng mua hàng và gia tăng lợi nhuận.
Việc Trung Quốc mua dầu cũng được coi là "phao cứu sinh" cho Nga, Iran và Venezuela, trong bối cảnh các nền kinh tế này bị lệnh trừng phạt siết chặt và ít nhận được đầu tư nước ngoài.
Cùng kỳ năm 2017, trước khi dầu Iran chưa bị cấm vận, cao nhất Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 623.000 thùng/ngày. Hiện tại, Iran đã nâng sản lượng lên gần mức tối đa và chiết khấu đến 17 USD/thùng so với dầu Brent.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầuTrong các kịch bản của IEA, Trung Quốc vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, chiếm gần 1/3 tăng trưởng GDP toàn cầu đến năm 2030.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm hơn có thể sẽ khiến tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đạt đỉnh vào khoảng giữa thập kỷ này, với nhu cầu ổn định và sau đó giảm dần.
Sản xuất điện đã chiếm hơn 70% mức tăng nhu cầu năng lượng ở nước này kể từ năm 2015. Các lĩnh vực "kinh tế mới" đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực năng lượng sạch như xe điện.
Trong khi mức tăng trưởng trung bình hằng năm của đầu tư tài sản cố định vào bất động sản đã giảm khoảng 5% kể từ đầu năm ngoái, thì mức tăng trưởng đầu tư tài sản cố định hằng năm lại tăng khoảng 15% đối với sản xuất ô tô.
Trung Quốc cũng đang "ồ ạt" tăng cường sản xuất hóa dầu trong nước. Đến năm 2024, nước này dự kiến sẽ bổ sung công suất hóa dầu bằng tổng công suất của tất cả các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở châu Âu và châu Á.
Nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hóa dầu đã tăng 50% kể từ năm 2019 và chiếm khoảng 80% tăng trưởng nhu cầu sản phẩm dầu ở Trung Quốc.
Báo cáo của IEA cũng đề cập các kịch bản tăng trưởng cao và tăng trưởng thấp của nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo cho rằng trong cả hai trường hợp, sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường năng lượng thế giới đều mang những hàm ý quan trọng ở phạm vi toàn cầu.
Trường hợp kinh tế Trung Quốc dựa trên mức tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn, sẽ có tác động đáng kể và có thể gây giảm phát trên thị trường công nghệ và hàng hóa năng lượng toàn cầu.
Việc tăng cường chú trọng vào các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu, bao gồm cả công nghệ năng lượng sạch nhằm bù đắp một phần sự suy giảm của các lĩnh vực khác như bất động sản, có thể có tác động đến các quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng.