Sau nhiều ngày mong đợi, đúng 8h sáng hôm nay, ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức đi vào vận hành thương mại.
Lộ trình của tuyến: điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, dọc tuyến Nhổn – Ga Hà Nội sẽ có 36 tuyến buýt hoạt động kết nối để phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: Tuyến số 70A, 70B, 70C.
Dọc tuyến cũng có hai điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn: 16 điểm dừng; chiều Nhổn - Cầu Giấy: 16 điểm dừng).
Trong 15 ngày đầu tiên, tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chở khách miễn phí. Sau 2 tuần chạy miễn phí, Hanoi Metro sẽ chính thức bán vé. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng/tháng, ngang bằng tuyến Cát Linh - Hà Đông. Hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp sẽ được giảm 50% giá vé. Ngoài ra, nếu mua vé theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên thì giá vé là 140.000 đồng.
Giá vé ngày là 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày và vé qua các ga dọc đường là từ 8.000 - 12.000 đồng/lượt. Giá vé có thể sẽ thay đổi sau khi dự án thông nốt 4km đi ngầm.
Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khách mua vé lượt sẽ được cấp vé dạng hình tròn, giống như đồng xu. Khi qua cửa soát vé, dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
Công nghệ của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiện đại hơn, khả năng thu hút khách sẽ ngang bằng, thậm chí hơn tuyến Cát Linh - Hà Đông vì tuyến đi qua rất nhiều trường đại học. Với nhiều bạn học sinh, sinh viên chia sẻ, lợi ích lớn nhất từ khi sử dụng tàu điện đó là giảm thời gian đi lại hơn so với di chuyển bằng phương tiện cá nhân, có thêm thời gian để ôn bài hay nghỉ ngơi trên tàu.