Mở đầu buổi Tọa đàm, bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp hoan nghênh các trọng tài viên, luật sư và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia buổi tọa đàm. Bà…. cho rằng, Tọa đàm không chỉ là thông tin từ phía các diễn giả, luật sư, trọng tài viên đưa ra, chia sẻ mà cần có sự tương tác, thông tin, thảo luận đa chiều từ phía các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Luật sư Đỗ Quốc Quyền, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Việt – Trung đã trình bày với các đại biểu tham dự chuyên đề “Doanh nghiệp với pháp luật về tài chính – Quản trị”. Chuyên đề đi sâu về thực trạng vận dụng pháp luật của các doanh nghiệp hiện nay và chỉ ra những vướng mắc, sai lầm điển hình trong quản trị - tài chính. Luật sư Đỗ Quốc Quyền cho rằng, vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp, quản trị tài chính – kế toán – thuế… đều là những nội dung rất quan trọng để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật sư Quyền thì nhiều doanh nghiệp thường vướng vào sai sót như: công tác kế toán thường rất chậm, việc tuyển dụng và bổ nhiệm các chức danh không đúng quy định, nhiều doanh nghiệp duy trì 2 hệ thống sổ sách kế toán, nhiều doanh nghiệp không xây dựng hoặc xây dựng không đúng định mức chi phí sản xuất không đảm bảo, không cân đối được sự phù hợp giữa doanh thu – chi phí, đã hoạch toán nhiều chi phí không tương ứng với doanh thu…
Tiếp sau đó, TS. Hoàng Ngọc Giao, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Việt – Trung trình bày về chuyên đề “Ứng phó với tranh chấp phát sinh trong đầu tư kinh doanh và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”. Trong đó, chuyên đề đã đề cập về nội dung hợp đồng – thương mại; vai trò của luật khi áp dụng soạn thảo, ký kết hợp đồng. Trong đó, khi tranh tụng trước Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại, nguyên đơn và bị đơn với sự hỗ trợ của luật sư thường đối chiếu các quy định của hợp đồng với các văn bản luật liên quan nhằm tìm ra những điều khoản trái luật, vi phạm điều cấm của luật để bảo vệ cho lợi ích của mình, không ít trường hợp hướng tới đề nghị Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại tuyên hủy hợp đồng do hợp đồng bị coi là vô hiệu. Tòa án hay Trọng tài Thương mại cũng soi xét như vậy đối với các điều khoản của hợp đồng, chiếu theo các quy định pháp luật liên quan. Thông thường, hợp đồng giao kết trong lĩnh vực nào (thương mại hàng hóa, xây dựng hay logistics, v.v.) thì cần tham chiếu các văn bản liên quan trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, luật chuyên ngành không phải khi nào cũng dự lượng được tất cả mọi tình huống, hoặc có trường hợp đối tượng hợp đồng lại thuộc phạm vi giao thoa của một vài luật liên quan (thương mại với bảo hiểm, xây dựng với bảo lãnh, hàng hải với thương mại, v.v.). Trong những trường hợp này, Tòa án hoặc Trọng tài thường hướng tới xem xét đạo luật gốc trong giao dịch kinh tế, thương mại – đó là Bộ Luật Dân sự.
TS. Hoàng Ngọc Giao cũng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp, khi đàm phán ký kết phần nội dung thương mại của hợp đồng như: cách tính giá cả phải rõ ràng, phương thức, thời gian, địa điểm giao hàng…phải cụ thể. Thêm vào đó, khi đàm phán ký kết phần nội dung pháp lý của hợp đồng thì đối tác phải đáp ứng đủ yêu cầu: Tư cách pháp nhân phải rõ ràng, đủ năng lực hành vi dân sự khi thực hiện hợp đồng…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thận trọng thêm về các điều khoản bất khả kháng, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng, điều khoản về chấm dứt hợp đồng…
Cũng theo TS. Hoàng Ngọc Giao, việc hợp tác thương mại thì không tránh khỏi xảy ra sai sót, sơ xuất của bên này hoặc bên kia do những lỗi chủ quan…dẫn tới thiệt hại. Nếu các bên không tìm được tiếng nói chung thì phải đưa vụ việc ra giải quyết tại các cơ quan tài phán là Tòa án hoặc Trung tâm Trọng tài thương mại. Mặc dù, phương thức xét xử của Tòa án và Trung tâm Trọng tài thương mai có những điểm khác nhau nhưng khi ra phán quyết thì các bên đều phải thực hiện theo đúng Quyết định của Tòa án và của Hội đồng Trọng tài thương mại. Đồng thời có sự hỗ trợ của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc buộc phải sử dụng biện pháp thi hành án.
Chuyên đề 3 “Doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư” được Luật sư Trần Thị Hoàng Oanh Trưởng, Văn phòng Luật sư Vĩnh An – Jeff Leong, Poon&Wong trình bày. Chuyên đề tập trung nêu ra những nội dung cơ bản về các hình thức đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế, Góp vốn, mua phần vốn góp/ cổ phần, hợp đồng, hợp đồng BCC, Vấn đề pháp lý trong chuyển nhượng vốn góp/ cổ phần; hợp đồng mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu… ngoài ra Luật sư còn chia sẻ thêm về Hợp đồng xuất nhập khẩu bao gồm các điều khoản chủ yếu và các rủi ro phát sinh từ các điều khoản Hợp đồng trong thực tế, chủ yếu là các điều khoản về giao hàng, chuyển giao quyền sở hữu và rủi ro đối với hàng hóa, điều khoản về bất khả kháng và điều khoản về hoàn cảnh cơ bản thay đổi.
Chuyên đề 4 “Doanh nghiệp và đất đai” do Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa trình bày. Trong chuyên đề này được giải quyết trong 4 nội dung gồm: Thực trạng; khó khăn bất cập; nguyên nhân; giải pháp đặt ra trong vấn đề tiếp cận đất đai.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, hiện nay việc tiếp cận đất đai và duy trì sự ổn định trong quá trình sử dụng đất để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh luôn là điều mà doanh nghiệp mong muốn. Thế nhưng, doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn bởi thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều phiền hà, công tác quản lý đất đai cũng như quy hoạch đất đai còn xôi đỗ, thiếu quỹ đất sạch cho sản xuất, kinh doanh, giải phóng mặt bằng chậm, giá đền bù ngày càng tăng cao…Thêm vào đó, tình trạng chi trả các chi phí “không chính thức” trong giải quyết thủ tục đất đai còn khá phổ biến.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay xuất phát từ hệ thống pháp luật. Trước hết là sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định giữa luật đất đai và các ngành luật khác, giữa văn bản, chỉ thị của cấp trên và cấp dưới. Ví dụ như: Khoản 1, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước sẽ giải quyết dự án treo dựa trên nguyên tắc thu hồi cả đất và tài sản gắn liền đã đầu tư sau khi gia hạn 24 tháng trong khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 có quy định rằng, Nhà nước cam kết bảo hộ tài sản của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư. Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng tài sản trên đất là do đầu tư thì không thể tịch thu bởi lẽ Hiến pháp đã ghi nhận sẽ bảo hộ tài sản của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư dự án…
Giải pháp và kiến nghị được Luật sư đưa ra cho vấn đề này, cần sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 sao cho phù hợp với thực tiễn, các quy định phải đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành tránh chồng chéo. Các địa phương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai một các dễ dàng hơn như: Từ xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng khu quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp, giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê đất, mua đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh…
Cũng tại buổi tọa đàm này, rất nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp cũng đã được các Luật sư, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế - Việt Trung giải đáp. Ngoài ra, những thắc mắc mang tính bảo mật của doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia, Luật sư trả lời và gửi lại cho các doanh nghiệp sau.