Sự kiện năm 1963
Có 5 con sông chảy vào lưu vực sông Hải - hệ thống thoát nước tự nhiên lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc. Lưu vực này bao gồm cả Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và thành phố cảng Thiên Tân.
Vào tháng 8/1963, khu vực này đã bị nhấn chìm trong một trận mưa bão lịch sử. Lũ lụt gây ảnh hưởng đến 22 triệu người, làm 5.030 người thiệt mạng và hàng triệu người phải mất cửa nhà tan. Hơn 53,6 triệu mẫu đất nông nghiệp, tương đương 76% diện tích gieo trồng, bị ngập úng.
Chủ tịch Mao Trạch Đông - người sáng lập nước CHND Trung Hoa, đã ra lệnh cho hàng triệu người cùng làm việc để “vĩnh viễn áp chế” lưu vực sông Hải, nâng cao hàng nghìn km bờ kè, xây dựng những hồ chứa mới và củng cố những hồ chứa cũ.
Đô thị hóa
Kể từ đó, dân số đô thị của Trung Quốc đã tăng vọt, đi từ mức vỏn vẹn 16% lên thành mức 64% trong năm 2022. Lưu vực sông Hải hiện có 25 thành phố lớn và vừa.
Đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với việc lan rộng những bề mặt bê tông không thấm nước, làm giảm phần đất ngập nước và đầm lầy tự nhiên - hai yếu tố giúp hấp thụ mưa trước kia.
Di dân đô thị đã làm hoạt động xây dựng bùng nổ ở các vùng trũng thấp, bao gồm cả các khu vực chứa lũ và gần sông hồ.
Hệ thống thoát nước đô thị thời Liên Xô của Trung Quốc được tạo nên từ những đường ống ngầm không được chôn sâu, khiến các thành phố dễ bị ngập úng khi mưa lớn, trái ngược với hệ thống "hành lang" mê cung dưới lòng đất ở các thành phố như Tokyo.
Kể từ năm 2015, khoảng 30 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh và Thiên Tân, đã thử nghiệm nhiều hệ thống giảm thiểu lũ lụt khác nhau, bao gồm nhựa đường và vỉa hè thấm nước để làm chậm dòng nước chảy. Thế nhưng, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của chúng.
Bị bất ngờ?
Trác Châu (tỉnh Hà Bắc) là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận đại hồng thủy gần đây. Họ đã không được chuẩn bị để đối phó.
Vào ngày 29/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra mức cảnh báo đỏ đầu tiên về mưa lớn trong 12 năm. Đây là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo theo màu. Tuy nhiên, nhiều cư dân Trác Châu cho bên truyền thông nhà nước biết: Họ không được thông báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình hoặc được yêu cầu sơ tán, bất chấp lời cảnh báo hiếm hoi.
Vào ngày 31/7, các quan chức tỉnh Hà Bắc đã mở cửa xả lũ ở 7 khu vực chứa lũ vùng trũng, trong đó có 2 khu vực ở Trác Châu. Các quan chức cho biết, điều này là một quyết định "không thể tránh khỏi", cốt để ngăn chặn các con sông bị vỡ bờ, và để bảo vệ các thành phố ở hạ lưu.
Hà Bắc đã di tản gần 1 triệu người sống trong các khu vực chứa lũ. Một số phương tiện truyền thông nói rằng họ được đưa đi chỉ vài giờ trước khi lũ tràn vào làng của họ.
Theo ông Ma Yang - Phó chủ tịch bộ phận dân sự và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại công ty tư vấn cơ sở hạ tầng AECOM, người dân ít quan tâm đến mối nguy hiểm vì họ có những cơ sở kiểm soát lũ lụt (được xây dựng vào những năm 1960), nhu cầu nước gia tăng và thời tiết khô hạn kéo dài.
Ông Ma nói với Reuters, các nhà chức trách cần thực hiện những kế hoạch thoát nước tổng thể cho các thành phố, quản lý vùng ngập lũ dựa theo bản đồ khu vực có rủi ro lũ lụt từ các con sông.
Những thành phố dễ bị tổn thương là Bắc Kinh, Thiên Tân và Hùng An - khu vực được đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh phát triển thành một trung tâm kinh tế nhằm phục vụ Hà Bắc.
Hùng An nằm cạnh hồ Baiyangdian, một khu vực chứa lũ tự nhiên.