Rác thải nhựa - Nỗi ám ảnh của các điểm du lịch
Hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho những điểm du lịch đang trở thành thông điệp được du khách hưởng ứng trong mỗi chuyến hành trình du lịch. Bởi hình ảnh những bờ biển ngập rác, đặc biệt là chai nhựa, túi nylon đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều du khách.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh và đang trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành du lịch cũng đặt ra vấn đề phát triển du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ở các điểm đến du lịch trên toàn quốc.
Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo, nếu ngành du lịch không kịp thời có những hành động phù hợp, du khách đến với chúng ta sẽ phải chịu “du lịch chung với rác thải nhựa”.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra và là 1 trong 5 quốc gia thải ra biển rác thải nhựa nhiều nhất thế giới (khoảng nửa triệu tấn). Một phần trong số này đến từ hoạt động du lịch.
Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm. Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam cho biết lượng nhựa rò rỉ ra sông và biển có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải như hiện nay không được cải thiện.
Ngoài ra, rác thải nhựa cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến ngành du lịch của Việt Nam. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, bên cạnh những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội, du lịch cũng đem lại những tác động nhất định đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến.
Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các khu du lịch biển đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), sau 3 chiến dịch thu gom rác kể từ năm 2016, tại 4 km của vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là nhựa và túi nylon. Trong năm 2017, lượng rác được nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long thu gom lên đến hơn 2.000 tấn.
Tại đảo Phú Quốc, mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn rác sinh hoạt, nhưng chỉ thu gom tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn (50%). Như vậy có thể thấy, lượng rác thải nhựa hiện nay tại các khu du lịch biển là rất lớn, trong khi đó, lượng khách du lịch không ngừng tăng lên.
Áp dụng trên nhiều quốc gia
Lệnh cấm đồ nhựa dùng 1 lần đã và đang có hiệu lực tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Lệnh cấm nhựa đa số đều tập trung vào các mặt hàng thường thấy trong môi trường như túi nylon, ống hút nhựa, dao nhựa, muỗng nhựa, hộp nhựa... các sản phẩm khó tái chế. Bởi hiện trạng rác thải nhựa không còn là vấn đề riêng của bất kỳ quốc gia nào nữa cả, mà nó đã mang tính toàn cầu. Vì thế mà cần có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người trong khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới để đào thải các sản phẩm nhựa ra khỏi môi trường và cuộc sống.
Eilat là thành phố đầu tiên của Israel cấm đồ nhựa dùng một lần tại bãi biển. Theo đó, Chính quyền thành phố này đã quyết định cấm sử dụng túi và cốc dùng một lần trên các bãi biển của thành phố này nhằm bảo vệ Biển Đỏ khỏi mối đe dọa rác thải nhựa.
Người dân sẽ bị cấm mang các đồ dùng một lần ra bãi biển, bất kể chúng bằng nhựa, nhôm, bìa cứng hay giấy. Những món đồ này cũng sẽ không được bán tại các quầy hàng hay nhà hàng trên bãi biển.
Quy định mới nêu rõ tất cả những món đồ dùng một lần đều có thể bị phân hủy thành những mảnh nhỏ với nhiều kích cỡ, gây ảnh hưởng tới các loài động vật trên cạn và dưới nước, cũng như làm mất mỹ quan.
Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất mức phạt cho hành vi vi phạm lên tới 730 shekel (210 USD).
Mới đây, Thái Lan đã cấm đồ xốp, đồ nhựa dùng một lần trong các vườn quốc gia để chống lại thảm họa rác thải đe dọa động vật hoang dã. Theo Cục Bảo tồn Động thực vật và Công viên Quốc gia Thái Lan, lệnh cấm này là cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái. Người vi phạm có thể bị phạt tới 100.000 baht (3.000 đô la Mỹ) nếu bị bắt khi đi vào công viên với đồ nhựa dùng một lần hoặc các hộp xốp. Lệnh cấm bao gồm: “Cấm mang theo túi nhựa có độ dày nhỏ hơn 36 micron, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa, cốc, ống hút và dao kéo”.
Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan cho biết, rác thải nhựa là mối đe dọa đối với động vật hoang dã của nước này, bao gồm cả quần thể voi. Việc tiêu hoá nhựa có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa thậm chí là tắc ruột.
Những con voi ở Vườn Quốc gia Khao Yai (cách thủ đô Bangkok 3 giờ lái xe về phía đông bắc) được cho là đã ăn bao bì và túi ni lông khi chúng được tìm thấy trong phân của những con voi này. Bên cạnh đó, ô nhiễm nhựa trên đất liền cũng có thể cuốn vào các đường nước và đe dọa hệ sinh thái và sinh vật biển.
Còn tại Canada, hiện các sản phẩm nhựa sử dụng một lần là thành phần lớn nhất trong rác thải nhựa được tìm thấy trên các bờ biển quốc gia này. Theo số liệu của chính phủ nước này, có tới 15 tỷ túi mua sắm bằng nhựa được sử dụng mỗi năm, và khoảng 16 triệu ống hút được sử dụng mỗi ngày.
Trước thực trạng đó, chính phủ Canada cho biết nước này sẽ cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào cuối năm nay. Trong đó, các sản phẩm thuộc phạm vi của lệnh cấm bao gồm túi mua sắm, dao kéo, ống hút và dụng cụ ăn uống được làm từ nhựa hoặc có chứa nhựa khó tái chế. Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp ngoại lệ vì lý do y tế.
Được biết, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2022, và việc kinh doanh những sản phẩm nói trên sẽ bị cấm từ tháng 12/2023, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở Canada có đủ thời gian chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế, cũng như tiêu thụ hết lượng sản phẩm nhựa dùng một lần hiện hữu.