Lực lượng Israel đang cố gắng truy quét những tay súng Hamas vào hôm thứ Hai (ngày 9/10), sau hơn 2 ngày chọc thủng hàng rào Gaza trong một cuộc thảm sát đẫm máu. Quân đội nước này tuyên bố sẽ sớm tiến hành cuộc tấn công sau đợt huy động quy mô lớn nhất trong lịch sử Israel.
Các nhà đầu tư vẫn phải cảnh giác vì lo ngại xung đột có thể lan rộng sang các nước khác, trong đó có Iran, và giá dầu cũng sẽ tiếp tục tăng cao. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm 0,6% trong phiên giao dịch vào sáng thứ Hai (ngày 9/10), trong khi giá dầu Brent tăng khoảng 3,4%, ở mức 87,47 USD/thùng. Giá vàng, điểm đến phổ biến của các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn, đã tăng 0,8%, chạm mức 1.847 USD/ounce.
Nhà kinh tế trưởng Mohit Kumar khu vực châu Âu tại Jefferies ở London cho biết: "Những ngày sắp tới có thể sẽ bị chi phối bởi những rủi ro địa chính trị, chứ không phải do những yếu tố cơ bản. Đối với thị trường, rủi ro địa chính trị sẽ làm tăng thêm bất ổn cho các nhà đầu tư khi niềm tin vốn đã suy yếu".
Xung đột leo thang xảy ra vào thời điểm thị trường đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, các nhà đầu tư đang phải vật lộn với đợt bán tháo lịch sử trái phiếu Mỹ và biến động cổ phiếu, một phần do lo ngại về ngân sách và nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại lâu hơn dự kiến.
Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt đã đè nặng lên cổ phiếu, với chỉ số S&P 500 giảm khoảng 6% so với mức đỉnh cuối tháng 7, mặc dù chỉ số này đã tăng 12% trong năm nay. Mặc khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức cao nhất trong hơn 15 năm qua.
Theo các nhà phân tích tại Fordham Global Insights, kịch bản tồi tệ nhất xét từ góc độ rủi ro địa chính trị sẽ là một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Israel và Iran. Nguy cơ căng thẳng quân sự trực tiếp quay trở lại - đặc biệt là nguy cơ Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran - có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu.
Xung đột leo thang có thể duy trì giá dầu ở mức cao, gây khó khăn cho Fed và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu khác, những người đang tìm cách giảm lạm phát sau khi giá tiêu dùng tăng vọt vào năm ngoái.
Theo các nhà phân tích của Fordhams, bản chất xung đột là lạm phát và xung đột ở Trung Đông càng làm tình trạng này trầm trọng thêm.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh của Mỹ vào thứ Sáu (ngày 13/10) sẽ làm tăng thêm tình hình bất ổn. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị đón nhận số liệu lạm phát dự kiến vào thứ Năm (ngày 12/10).
Emmanuel Cau, người đứng đầu chiến lược vốn cổ phần châu Âu tại Barclays, cho biết: "Tôi nghĩ đây chỉ là một mối lo ngại bổ sung và thời điểm này không lý tưởng, bởi vì thị trường hàng hóa cũng như thị trường trái phiếu vốn đã rất căng thẳng".
Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, nơi trú ẩn an toàn, những lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã làm giảm bớt đợt bán tháo tàn bạo khiến chi phí vay 10 năm từ Mỹ cho tới Đức đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Lợi suất trái phiếu Bund của Đức kỳ hạn 10 năm giảm 3 điểm cơ bản xuống 2,87%, sau khi tăng trên 3% vào tuần trước khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo trái phiếu do lo ngại về nguồn cung trái phiếu tăng và duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài.
Trong khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai (ngày 9/10), lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giao dịch quanh mức 4,8%, không vượt mốc 5% tâm lý.
Nhà chiến lược về thu nhập cố định Althea Spinozzi tại Saxo Bank cho biết nếu căng thẳng leo thang ở Israel có thể làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu kho bạc Mỹ đối với các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn, thì nguy cơ tăng giá hàng hóa và các phiên đấu giá sắp tới có thể hạn chế bất kỳ đợt suy giảm nào trong lãi suất.
Nhà chiến lược còn nói thêm rằng "trong bối cảnh này, chúng tôi vẫn ở thế phòng thủ và cảnh giác".