VFF cần bằng chứng thuyết phục trong sự việc này. Cần phải xem xét một cách công tâm xử lý đúng người, đúng vi phạm để không tạo tiền lệ xấu cho cả cầu thủ lẫn trọng tài.
Xử phạt phải có chứng cứ
Một tuần trôi qua kể từ khi Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam ra quyết định cấm thi đấu 8 trận đối với tiền đạo Nguyễn Văn Quyết của CLB Hà Nội về hành vi “Xâm phạm thân thể” trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 7 VLeague 2023 nhưng dư luận vẫn chưa thôi tranh luận về quyết định xử phạt có phần hy hữu trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nổi bật trong số đó là ý kiến tranh luận về quyết định cấm tiền đạo Nguyễn Văn Quyết thi đấu 8 trận đến từ nhà báo lão thành Nguyễn Lưu: "Câu chuyện của Văn Quyết đã ồn ào mấy hôm nay. Nguyên tắc cơ bản của luật lệ là phải dựa trên bằng chứng. Cho tới nay, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Văn Quyết đánh trợ lý trọng tài. Vậy mà xử phạt nặng Văn Quyết chỉ dựa theo lời nói một chiều của trợ lý trọng tài thì không ổn. Nếu có bằng chứng cho thấy Văn Quyết đã xâm phạm thân thể trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành, tôi cũng đồng ý là phạt thẻ đỏ ngay lúc đó. Phải gương mẫu nhưng ở đây vẫn chưa có bằng chứng gì cả. Nếu chúng ta xử lý không tốt, sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu. Không chỉ riêng cho Văn Quyết hay cho CLB Hà Nội. Chẳng lẽ sau này, chỉ nghe từ một trợ lý trọng tài, thậm chí từ một CĐV thôi cũng đem cầu thủ ra xử phạt? Xử phạt theo ý kiến trên mạng thì là không ổn rồi”.
Hà Nội FC chấp nhận việc Văn Quyết chịu án phạt, vì lỗi phản ứng với trọng tài. Tuy nhiên, đội bóng thủ đô cũng cho rằng mức phạt kịch khung lên đến 8 trận là chưa hợp lý đối với trường hợp của Văn Quyết. Bởi va chạm giữa Văn Quyết với trợ lý Nguyên Thành trong tình huống phản ứng sau trận đấu giữa Bình Định và Hà Nội FC chỉ là vô tình trong lúc cầu thủ này can ngăn các đồng đội phản ứng với tổ trọng tài.
Đứng ở góc độ khán giả, CĐV Minh Sơn đặt dấu hỏi về tính khách quan của Ban Kỷ luật VFF khi đưa ra án phạt: “Để quyết định xử phạt một ai vi phạm điều luật nào đều cần phải có chứng cứ. Chứng cứ là những gì CÓ THẬT, được thu thập khách quan trong quá trình tìm kiếm tài liệu. Tuy nhiên, đến hôm nay, Ban Kỷ luật chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào về việc Văn Quyết đã chủ động xâm phạm cơ thể của trợ lý trọng tài Nguyên Thành”.
Việc xem băng kỹ thuật giúp Ban kỷ luật VFF có cái nhìn chính xác hơn để đưa ra án phạt cho dù hai bên có thừa nhận hành vi hay không. Vì không có băng kỹ thuật hay không công bố băng kỹ thuật nên CLB Hà Nội có thể cho rằng án phạt cấm thi đấu Văn Quyết 8 trận là không hợp lý.
Quả thật, gần một tuần vụ việc “nóng ran” trên các mặt báo và phương tiện truyền thông, ngoài một văn bản ra án phạt, VFF không cung cấp thêm thông tin gì và chọn cách im lặng. Điều này khiến người hâm mộ càng thêm nghi vấn.
Người hâm mộ bóng đá cho rằng, VFF cần thu thập đủ chứng cứ nhất là các băng hình video ghi lại khoảnh khắc giữa Văn Quyết và trợ lý trọng tài từ đó mới đủ chứng lý thuyết phục người hâm mộ và các bên khi đưa ra hình thức kỉ luật.
Phân tích tình huống này, Luật gia Anh Phan cho rằng: Suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nội dung cốt lõi của nguyên tắc cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Tất nhiên, áp dụng nguyên tắc cáo buộc của phiên tòa hình sự vào một án phạt trong bóng đá thì có phần khập khiễng. Nhưng nói như vậy để thấy trong một xã hội hiện đại, với một nền tảng luật được quy định minh bạch, không thể “đè” một người ra xử phạt với ý chí buộc tội mà không có nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Hệ lụy đằng sau những quyết định cảm tính ấy sẽ để lại hệ quả vô cùng nguy hiểm.
“Tôi đã theo dõi rất kỹ các thông tin về vụ việc của Văn Quyết và trợ lý trọng tài Nguyên Thành. Đến nay, chưa từng thấy một bằng chứng nào được VFF đưa ra khi xử phạt kịch khung cầu thủ này về hành vi “Xâm phạm thân thể”. Vì không có băng kỹ thuật nên Ban kỷ luật VFF dựa vào báo cáo của tổ trọng tài, các giám sát, tường trình của trợ lý và cả Văn Quyết. Thế nhưng, Ban kỷ luật VFF lại áp dụng Điều 39 khoản 2 Quy định kỷ luật VFF sửa đổi 2023 để “treo giò” chân sút này tới 8 trận, tức là kịch khung. Không có bằng chứng để chứng minh Văn Quyết có tác động với trợ lý trọng tài, “nạn nhân” của vụ việc lại từng có “vết” tố cáo không căn cứ một cầu thủ khác (thủ thành Thanh Thắng của CLB TP Hồ Chí Minh – PV) thì tôi nghĩ Ban Kỷ luật VFF có phần vội vàng, không khách quan”, vị Luật gia này phân tích.
Quả thực, vụ việc của Văn Quyết là trường hợp khá hy hữu của bóng đá Việt Nam. Trong các trận đấu chuyên nghiệp, ban tổ chức thường ghi lại toàn bộ diễn biến trước, trong và sau trận đấu bằng nhiều camera khác nhau. Tuy nhiên, các camera trên sân Quy Nhơn ngày hôm đó đều không quay lại được cảnh đội trưởng CLB Hà Nội có hành vi không đúng mực với trợ lý trọng tài. Ngoài ra, một nguồn tham khảo quan trọng khác là bản ghi hình của đơn vị sở hữu bản quyền V.League cũng không cung cấp được tình huống này.
“Không có băng hình, không có nhân chứng độc lập, không có kết quả giám định thương tích, nói chung là không có gì cả. Thậm chí, trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải xác nhận không nhìn thấy sự việc mà chỉ quyết định dựa trên báo cáo của trợ lý nhưng lại phạt kịch khung Văn Quyết đó là điều chúng ta cần suy nghĩ”. – Luật gia Anh Phan băn khoăn.
Trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành là ai?
Còn nhớ tại mùa giải 2021, trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành thông qua báo chí đã tố việc ông bị thủ môn Thanh Thắng húc, khiến răng lung lay và được bác sĩ yêu cầu nhổ để trồng răng giả. Điều này khiến thủ môn Thanh Thắng bức xúc và đăng trên mạng xã hội với nội dung phủ nhận hành động của mình.
Dù sau đó Thanh Thắng bị cấm 3 trận vì hành vi phản ứng thái quá, nhưng trưởng Ban kỷ luật VFF ông Vũ Xuân Thành khẳng định ở thời điểm đó trên truyền thông rằng: "Thủ môn Thanh Thắng không húc đầu vào mặt trọng tài như bị tố cáo. Chúng tôi đã xem kỹ băng hình và thấy Thanh Thắng chủ động thu hết tay chân lại, chỉ dí đầu về phía trợ lý trọng tài Nguyên Thành. Trường hợp của Thanh Thắng chỉ nên coi là phản ứng thái quá mà thôi".
Ở thời điểm đó, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TPHCM nói với báo giới rằng: "VFF phải tìm nhân chứng trong vụ việc này, hoặc chính thủ môn Thanh Thắng thừa nhận mình là người thực hiện hành vi. Chứ không thể căn cứ vào lời nói của một bên để quy kết”.
Hai vụ việc, hai cầu thủ khác nhau nhưng tình tiết giống nhau đến lạ, mẫu số chung cho 2 vụ việc đó chính là trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành.
Trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành còn nằm trong số rất ít những trọng tài bị trượt kiểm tra thể lực trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2022 khiến cho trợ lý người Gia Lai không được phân công làm nhiệm vụ.
Vừa trở lại ở mùa giải này, ông Nguyễn Lê Nguyên Thành lại một lần nữa khiến dư luận nhắc tới mình với vụ va chạm không chứng cứ với Quả bóng vàng 2022 Nguyễn Văn Quyết.
“Cả Quyết và ông Thành đều có vấn đề trong câu chuyện này song thái độ của Quyết thì rất tích cực. Cần phải xem xét kỹ hơn các chứng cứ liên quan đến vụ việc để làm rõ động cơ mục đích của sự việc này. ”, một người hâm mộ bày tỏ quan điểm.
Dư luận và người hâm mộ đang chờ đợi một quyết định rõ ràng từ VFF để có niềm tin vào đội ngũ trọng tài hiện nay và một tổ chức giải đấu thực sự chuyên nghiệp!