Bắc Ninh: 2 huyện thành thị xã, người dân không phải đổi căn cước công dân

Thứ ba, 14/02/2023, 16:31 PM

Tỉnh Bắc Ninh sẽ lập thêm 2 thị xã là Thuận Thành và Quế Võ trên cơ sở nguyên trạng của huyện. Tuy nhiên, người dân sẽ không phải làm lại căn cước công dân.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2 Huyện đổi thành Thị xã từ ngày 10/4/203

Tại phiên họp thứ 20 diễn ra vào chiều 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành việc thành lập 2 thị xã thuộc tỉnh Bắc Ninh, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023, cụ thể gồm:

Thị xã Thuận Thành trên cơ sở nguyên trạng 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người của huyện Thuận Thành. Trong đó, thành lập 10 phường (Hồ, An Bình, Song Hồ, Gia Đông, Thanh Khương, Hà Mãn, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm, Ninh Xá) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Hồ và 9 xã kể trên.

Chùa Dâu ở Thuận Thành là di tích Quốc gia đặc biệt.

Chùa Dâu ở Thuận Thành là di tích Quốc gia đặc biệt.

Thị xã Quế Võ trên cơ sở nguyên trạng 155,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 219.929 người của huyện Quế Võ. Trong đó, thành lập 11 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Phố Mới và 10 xã (Bằng An, Cách Bi, Phượng Mao, Phương Liễu, Đại Xuân, Việt Hùng, Bồng Lai, Phù Lương, Quế Tân, Nhân Hòa) của huyện Quế Võ hiện nay.

Đền thờ Nguyễn Cao ở Quế Võ mới được đầu tư xây dựng khang trang.

Đền thờ Nguyễn Cao ở Quế Võ mới được đầu tư xây dựng khang trang.

Với việc điều chỉnh này, tỉnh Bắc Ninh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính.

Người dân không phải thay đổi căn cước công dân

Việc 2 huyện Quế Võ và Thuận Thành sẽ đổi thành Thị xã tới đây khiến nhiều người dân đặt câu hỏi về việc căn cước công dân liêu có phải thay đổi?

Giải trình vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc thành lập các đơn vị hành chính nêu trên là cần thiết, bảo đảm các quy định, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc này cũng nhằm tạo thêm nguồn lực thuận lợi để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về hành chính, cư trú. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, khi thành lập các đơn vị hành chính cũng phát sinh một số yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng công an cơ sở đang thực hiện theo tinh thần đúng, đủ, sạch, sống. Dữ liệu được thu thập, dữ liệu được làm sạch và được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dữ liệu này sẽ được lực lượng công an cơ sở cập nhật, bổ sung.

Người dân không bắt buộc phải làm lại thẻ căn cước công dân khi huyện lên thị xã.

Người dân không bắt buộc phải làm lại thẻ căn cước công dân khi huyện lên thị xã.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, nếu như chưa kịp thay đổi căn căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính - nội dung này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chíp nên sẽ không ảnh hưởng, được đồng bộ ngay lập tức.

Đề cập rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri, nếu người dân hỏi thì giải thích rõ. Theo đó, trên căn cước công dân đã gắn chip, mặc dù chữ in là xã nhưng trên con chip đã chuyển thành phường. Do đó, người dân có mang căn cước đi đâu thì cũng là phường. Nếu trường hợp người dân thích đổi thành phường trên căn cước thì làm thủ tục, không bắt buộc đổi lại hết.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh là Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Trà Vinh.