Thứ bảy, 12/05/2018, 12:34 PM
  • Click để copy

Bài ca giải cứu dưa hấu đến bao giờ mới dứt?

Lại một vụ mùa khóc ròng của người dân Quảng Ngãi và Quảng Nam với những cánh đồng dưa hấu chín nẫu mà chẳng có nơi tiêu thụ, điệp khúc giải cứu dưa hấu cho nông dân và bài học “rút kinh nghiệm” tiếp tục tái diễn lặp đi lặp lại mà chẳng nhìn thấy ánh sáng tương lai.

bai-ca-giai-cuu-dua-hau-den-bao-gio-moi-dut
Điệp khúc giải cứu dưa hấu năm nào cũng tái diễn - (Ảnh: CTV).

Nước mắt mùa dưa

Chẳng phải lần đầu tiên, chiến dịch giải cứu dưa hấu “đến hẹn lại lên” như thể thói quen không thể bỏ từ nhiều năm nay đối với mặt hàng nông sản của bà con miền Trung Nam bộ.

Thời điểm này, dưa hấu ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam lại rơi vào cảnh ế ẩm vì thương lái không thu mua hoặc có mua cũng rất chậm. Ngay lập tức, Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã có thư ngỏ gửi đến cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tìm đối tác để tiêu thụ giúp nông dân Bình Sơn trên dưới 1.000 tấn dưa.

Tại Quảng Nam, chiến dịch giải cứu dưa cũng đã được phát động. Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam vừa viết thư gửi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kêu gọi mua dưa hấu ủng hộ nông dân. "Để giải quyết đầu ra nhằm ổn định đời sống cho bà con nông dân, Sở Nông nghiệp Quảng Nam kêu gọi các đơn vi, tổ chưc, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay", thư viết.

Thế nhưng, sau rất nhiều năm giải cứu dưa hấu, nhiều người đã ngán ngẩm và cho rằng, việc mua hỗ trợ nông dân dưa hấu hay bất kỳ loại nông sản nào đang ế chỉ là... “lòng tốt nửa chừng”.Tại sao điệp khúc lặp lại đến 4 - 5 năm liên tục mà nông dân vẫn cứ trồng? Thị trường tiêu thụ dưa hấu của Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam nói riêng chủ yếu là Trung Quốc. Nếu thị trường này dừng thu mua, ắt hẳn giá sẽ rớt nhưng điều đáng lo ngại hơn cả, dưa hấu là mặt hàng rất dễ hư hỏng, vận chuyển và bảo quản không tốt có thể hỏng hết cả một lô hàng.

Khi cả nghìn tấn dưa hấu đang ế sưng thì nhiều nông dân ở Quảng Ngãi vẫn có tâm lý rằng: “Thua một vụ nhưng chỉ cần lãi 2 – 3 vụ là thoải mái”. Với tâm lý ấy, chắc chắn những cuộc giải cứu sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Để xảy ra tình trạng dưa hấu rớt giá, ứ đọng như nhiều năm qua, một phần do người trồng dưa không phù hợp, bởi cách thức sản xuất tự do, bộc phát thấy lợi ban đầu là ồ ạt trồng. Phần trách nhiệm hơn cả vẫn là những nhà chuyên môn không tìm ra được thị trường đảm bảo cho vấn đề tiêu thụ.

Một nông dân huyện Sơn Tịnh đã khóc bên ruộng dưa của mình, ông chỉ tay ra khắp vùng trồng dưa rộng lớn này rồi chốt lại một câu: “Ở đây ruộng cát, không trồng dưa hay trồng ớt thì biết trồng gì? Cũng muốn làm thứ khác lắm, nhưng còn cả trăm thứ phải lo mới chuyển đổi được cây trồng, chuyển đổi được công việc mà người nông dân chúng tôi đang làm”.

Cái lý của ông không phải là không có. Người nông dân ở vùng đất này vốn nghèo khó, trồng dưa là việc họ quen làm nhiều năm nay. Những năm trước giá dưa cao họ trồng có lãi, rồi người người, nhà nhà, thôn này nối thôn kia trồng dưa. Được ăn cả, ngã về không, thế là hết xóm này đến xóm khác thay nhau khóc dưa.

Vốn không có, kiến thức về nông nghiệp còn hạn chế, kiến thức về thị trường thì chắc chắn rất khó, người trồng dưa biết bấu víu vào đâu nếu không dựa vào sự may rủi của thị trường, của thời tiết. Họ thiệt thòi không chỉ về kinh tế, họ thiệt thòi trăm thứ khác nữa. Và rồi, sau mỗi vụ dưa thất bại, trăm nỗi lo lại đổ lên đầu họ. Nỗi lo về nợ tiền cây giống, phân bón, nhân công, nỗi lo về vụ sau sẽ trồng cây gì, nuôi con gì... Và có cả nỗi thấp thỏm về dáng dáp của vụ mùa thất bát thả hại năm trước.

Cả đồng đất các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi với gần 1000 hecta dưa hấu đang chín đỏ đồng, còn người nông dân thì đỏ mắt. Họ đỏ mắt vì khóc dưa. Họ đỏ mắt vì chờ trông vào thương lái và lúc này, họ đỏ mắt để trông chờ những “hiệp sỹ cứu dưa” xuất hiện đúng lúc.

Nhưng thị trường thì bấp bênh như thế, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Bên ấy họ không thu mua thì bên này khóc ròng. Thương lái cũng là dân kinh doanh, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm tiền, không thể trong chờ vào lòng tốt của thương lái khi nâng giá thu mua cao hơn giá sàn, bởi họ mua rồi thì bán cho ai rồi họ cũng sẽ thua lỗ.

bai-ca-giai-cuu-dua-hau-den-bao-gio-moi-dut
Dưa hấu của bà con nông dân chất đống chờ "giải cứu".

Cũng chẳng thể nào trong chờ quá nhiều vào những “hiệp sỹ cứu dưa”, bởi cả ngàn ruộng dưa hấu kia làm sao có đủ các hiệp sỹ xuất hiện mà giúp đỡ kịp thời. Họ chỉ là vài người, vài nhóm người, vài tổ chức cá nhân, không thể cứu cả một mùa dưa của một tình đang vào giai đoạn cần kíp nhất khi dưa chín nẫu ngoài đồng.

Đắng và đau! Nhưng cũng phải nhận ra một sự thật là tình nghĩa cũng chỉ có giới hạn.  Không thể cứ chờ trông vào lòng tốt của xã hội mãi được khi người nông dân không tự cứu mình, không tự bơi giữa dòng nước đang vào độ xoáy mạnh nhất của thị trường dưa hấu hiện nay. Phó chủ tịch một xã của huyện Sơn Tịnh khi nói với chúng tôi đã đây đẩy lắc đầu chua chát: “Năm trước giá dưa cao nên năm sau người dân đua nhau trồng. Đến lúc thu hoạch thì thị trường tiêu thụ đóng cửa khiến người nông dân không biết bán đi đâu. Chính quyền cũng đã khuyến cáo người dân nhiều lần nhưng mạnh ai nấy làm nên cũng đành chịu!”.Nghe cái từ “đành chịu” của ông mà xót quá.Lẽ nào xã nào, huyện nào cũng đành chịu như thế.

Cứ thế, một vòng luẩn quẩn không lúc nào dứt. Chính quyền không thể cấm người dân trồng cây gì. Người dân thì không thể ngồi chờ được chính quyền nghiên cứu trồng cây gì cho bền vững, đành đâm lao theo thị trường với điệp khúc: Trồng – chờ - khóc – rồi lại trồng.

Cần câu và con cá

Thế là vì “không nghe”, người trồng dưa đành tự chịu. Nhưng nếu ngành nông nghiệp địa phương làm tốt hơn nữa công tác của mình về quy hoạch vùng trồng tránh tràn lan tự phát, ngành kinh tế địa phương chuẩn bị kỹ hơn về thị trường, về đầu ra sản phẩm, người nông dân chú trọng hơn về sản phẩm mình trồng được để đạt chất lượng tốt nhất thì nước mắt dưa đâu cứ hết năm này đến năm khác lại chảy.

Chuyện ấy là cả một quá trình, nhưng nếu thực sự vì nông nghiệp, thực sự vì nông dân, thực sự vì kinh tế, thì những đề án thiết thực giúp người dân sẽ được phê duyệt ngay, chứ không còn nằm trên bàn giấy để họp bàn, hay đóng bụi trong những tủ hồ sơ rất ít khi được mở ra.

bai-ca-giai-cuu-dua-hau-den-bao-gio-moi-dut
Thư ngỏ của tỉnh đoàn Quảng Ngãi mong "giải cứu" dưa hấu cho bà con nông dân.

Cái gốc của vấn đề hiện nay không phải là cứ đến mỗi vụ dưa hấu, người trồng dưa lại kêu gào thảm thiết để người dân cả nước lại ra tay trợ giúp. Mà làm sao thay đổi phương thức sản xuất để gắn với thị trường và có những bước đi dài rộng hơn là điều cần thiết.

Để giải bài toán về mỗi mùa dưa không còn ế, không thể dùng giải pháp ngắn hạn như hiện nay điều cần nhất bây giờ là cơ quan quản lý cần tổ chức một cách hài hòa; chiến lược; nguồn nhân, vật lực...để cùng xắn tay áo với người trồng dưa thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và khoa học.

Chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc chắc chắn không phải là bài toán bền lâu, cần lắm sự chung tay không phải chỉ người dân cả nước mà còn của các nhà quản lý, các nhà chiến lược. Nếu không có căn cơ chúng ta đã có không biết bao nhiêu cuộc giải cứu nông sản được tổ chức hết dưa hấu đến chuối, củ cải, khoai tây, sắp tới biết đâu có thêm cam, quýt, vải, chanh dây,… 

Nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất lớn, cơ hội tiếp cận thị trường lớn khi Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hàng nông sản Việt có thể tiếp cận được thị trường vì các vấn đề như rào cản kỹ thuật dựng lên. Khi đó công nghệ đóng vai trò then chốt trong giải quyết vướng mắc. Tổ chức tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập. Ngành nông nghiệp cần tổ chức tái cơ cấu lại trên cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu chứ không thể đơn lẻ.

Sự phối hợp giữa ba Bộ: Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT và Công Thương phải bắt đầu trong cả xây dựng mô hình chuỗi, đi từ mô hình tổ chức sản xuất đến thị trường, mở cửa thị trường, làm sao để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu vượt qua hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật an toàn thực phẩm… Trong câu chuyện này, DN đóng vai trò then chốt.

Ba bộ phải đưa ra khung chính sách làm sao để DN sử dụng được công nghệ và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp người nông dân tham gia được vào các chuỗi giá trị từ đó sẽ tránh được điệp khúc giải cứu mỗi năm vài lần như đang diễn ra hiện nay.

Nhưng để chờ đến được lúc ấy, người trồng dưa vẫn khóc bên ruộng, thương lái vẫn lắc đầu khi đi qua những ánh mắt khẩn cầu bên đống dưa chín nẫu và những hiệp sỹ cứu dưa vẫn ngày ngày vận động người dân khắp cả nước mua dưa ủng hộ nông dân.

 

Dưa hấu Quảng Ngãi rớt giá thê thảm, sinh viên TP HCM trắng đêm 'giải cứu'

Hàng chục sinh viên thuộc CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP HCM đã thức trắng đêm để giải cứu dưa hấu, ủng hộ bà con nông dân Quảng Ngãi.

 

Sinh viên dầm mưa, dãi nắng ‘giải cứu’ hàng chục tấn dưa chuột

Tại Diễn Châu, Nghệ An người nông dân đang lâm vào tình cảnh dưa chuột vụ xuân được mùa nhưng mất giá, một nhóm sinh viên đã thực hiện hoạt động “giải cứu” được gần chục tấn dưa chuột cho bà con với giá bán 9.000 đồng/kg.

 

Status hay ngày 19/3: Thế là lại phải giải cứu

Status hay ngày 19/3 xin gửi đến một quan điểm về câu chuyện giải cứu củ cải đang nóng trên mạng xã hội ngày qua của một facebooker nổi tiếng: Bùi Chọn Lọc