Báo Anh: Trump có thể không phải là 'fan' của Việt Nam, nhưng đây là điểm đến cực ‘hot’ của các quỹ thị trường mới nổi

Thứ ba, 17/09/2019, 10:35 AM

Tờ The Times của Anh ngày 15/9 bình luận Việt Nam đang là một trong những điểm đến rất hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới hay các quỹ thị trường mới nổi, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

bao-anh-viet-nam-thanh-diem-den-cuc-hot-cua-cac-quy-thi-truong-moi-noi
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của các quỹ thị trường mới nổi.

Theo The Times, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ. Các “gã khổng lồ” thế giới như Google, Nintendo, Apple gần đây đã công bố kế hoạch chuyển một số sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, dường như họ đã bị chậm so với các nhà đầu tư khác. Các nhà quản lý của các quỹ thị trường mới nổi trên toàn cầu đã liên tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Copley Fund Research, một phần năm quỹ thị trường mới nổi có đầu tư vào các công ty Việt Nam dù Việt Nam mới chỉ được xếp hạng là thị trường cận biên (Frontier Market).

Công ty Copley Fund Research đã phân tích 193 quỹ thị trường mới mở từ khắp nơi trên thế giới, với tổng số hơn 1,2 nghìn tỷ USD. Kết quả cho thấy, năm 2014, chỉ có 8% quỹ nắm giữ cổ phiếu Việt Nam nhưng hiện giờ con số đó đã là 19,7%.

Trong 193 quỹ, các quỹ đầu tư thị trường mới nổi có tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam lớn nhất bao gồm quỹ Emerging Markets Growth portfolio của Alliance Bernstein, quỹ Odin Emerging Markets và quỹ Polar Capital Emerging Market Stars.

Phân bổ danh mục của các quỹ thị trường mới nổi vào Việt Nam nhiều gấp 2,5 lần so với Arab Saudi và cao hơn cả Cộng hòa Séc và Pakistan, vốn là những nước nằm trong chỉ số MSCI.

Steven Holden, Tổng Giám đốc của Copley Fund Research, cho biết xu hướng đầu tư vào các công ty Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

“Việt Nam đã chứng kiến ​​một loạt các công ty sử dụng đất nước này làm cơ sở cho xuất khẩu. Có khả năng nó sẽ được nâng cấp lên trạng thái thị trường mới nổi vào một lúc nào đó”, Holden cho biết. Theo ông, nếu vậy, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam sẽ lại tăng.

Các triển vọng của Việt Nam đã được thúc đẩy bởi nhu cầu về hàng hóa và thiết bị tiêu dùng trong cộng đồng dân cư trẻ, thành thị, ngày càng giàu có.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,9% trong năm ngoái, vượt xa Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

“Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam đã được củng cố bởi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khi họ tiếp nhận các doanh nghiệp từ nước láng giềng phía Bắc của mình”, ông Nikolmitry Lipski, một nhà phân tích của Interactive Investor cho hay.

Theo ông Lipski, tranh chấp thương mại có vẻ sẽ tăng tốc, vì vậy ngay cả khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận, cả các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đều có thể sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách bảo vệ doanh nghiệp của họ.

Goertek, nhà sản xuất Airpods của Apple có trụ sở tại Trung Quốc, đã tuyên bố vào tháng 7/2019 rằng họ có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam để thoát khỏi cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

"Từ góc độ nhà đầu tư, Việt Nam là nước hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung", ông cho hay.

 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Trung Quốc bất ngờ miễn thuế hàng hóa Mỹ

Trung Quốc công bố danh sách 16 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ được miễn trừ trong vòng tăng thuế quan bổ sung lần đầu tiên. Động thái này khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bớt căng thẳng.

 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải là điều tồi tệ?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể không phải là điều tồi tệ như mọi người đang nghĩ nếu nó dẫn đến việc tiếp cận thị trường công bằng hơn trên toàn thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar cho hay.

 

Chiến tranh thương mại là nước cờ địa chính trị của ông Trump

Tạp chí National Review của Mỹ cho rằng những động thái của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc lúc này không còn là đòn tạm thời, mà được biến thành một bước chiến lược trong bàn cờ lớn.