Bị Chủ tịch Hà Nội 'vạch mặt' gian dối vụ ô nhiễm dầu: Nước sạch sông Đà có bị truy hình sự?

Thứ ba, 05/11/2019, 06:40 AM

Với phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc có dấu hiệu gian dối trong vụ ô nhiễm dầu thải, Luật sư cho rằng: Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco cần phải bị xử lý trách nhiệm hình sự, có biểu hiện phạm tội "Lừa dối khách hàng".

Ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) và ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Viwasupco (từ trái qua phải). (Ảnh: IT).
Ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) và ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Viwasupco (từ trái qua phải). (Ảnh: IT).

Dư luận đang hết sức quan tâm đến phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên họp Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra sáng qua (4/11), xung quanh vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải gây ảnh hưởng hàng vạn hộ dân Thủ đô gần 1 tháng trước.

Đáng chú ý, trong phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được báo chí đưa tin cho biết: Đề cập đến trách nhiệm của đơn vị cấp nước, Chủ tịch Hà Nội cho rằng đơn vị cấp nước biết ngay từ đầu nhưng giấu giếm, lấy clo để át mùi dầu thải và nghĩ rằng clo có thể xử lý được tạp chất này. Thậm chí, khi có kết quả quan trắc chất lượng nước không đạt yêu cầu, công ty này vẫn có biểu hiện gian dối.

“Đến sáng 15/10, khi TP nhận kết quả từ Bộ Y tế và công khai ngay chiều 15/10, thì công ty vẫn chưa chịu thừa nhận. Trực tiếp tôi và đồng chí Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng phải gọi điện cho lãnh đạo cao nhất của công ty, những cổ đông chính của họ, thì lúc đó họ mới thừa nhận việc phát hiện nhiễm dầu”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.

Phát biểu của người đứng đầu UBND TP Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của người dân bởi trong sự cố vừa qua không ít người dân chịu ảnh hưởng do sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu cảm thấy giận dữ trước thái độ của lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco.

Nhất là khi cả ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) và ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Viwasupco đều từ chối xin lỗi người dân tại các buổi họp báo tại Thành ủy Hà Nội và cuộc họp tại Hòa Bình.

Lời xin lỗi chỉ đưa ra sau hơn 15 ngày xảy ra sự cố, được nhiều người đánh giá là "lời xin lỗi đãi bôi".

Nhiều người thắc mắc rằng, với việc bị Chủ tịch Hà Nội "vạch mặt sự gian dối" nói trên thì Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) phải chịu trách nhiệm pháp lý gì? 

Trao đổi cùng PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nếu quả thật Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) có hành vi gian dối, giấu diếm sự việc như lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói ở trên, thì doanh nghiệp này cần phải bị xử lý hình sự.

Luật sư Hoàng Tùng.
Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Tùng cho rằng: Từ lời Chủ tịch TP Hà Nội nói thì Viwasupco có dấu hiệu đồng phạm với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

“Bởi bản thân lãnh đạo và một số cá nhân tại công ty này biết nước bị ô nhiễm vẫn cố tình xử lý, xả cấp cho một khu vực rộng lớn với khối lượng lớn phát tán nước bẩn ra môi trường trực tiếp thì có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự tội "Gây ô nhiễm môi trường" hoặc khoản 2 điều 198 Bộ luật hình sự về tội "Lừa dối khách hàng”...", luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Theo luật sư Hoàng Tùng, khách hàng của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà là các đơn vị bán nước sạch cấp dưới rồi các đơn vị này lại bán lại cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Theo điều 198 Bộ luật hình sự quy định: "Người nào trong việc bán hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác" mà có tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lời bất chính trên 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 5 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 5 năm.

Theo luật sư Hoàng Tùng phân tích, hành vi của ông Tốn với lỗi cố ý và điều hành hoạt động của cả một đơn vị, tổ chức là công ty Viwasupco. Do vậy, chắc chắn hành vi này còn có nhiều người cùng tham gia bàn bạc điều hành, thực hiện chi tiết cụ thể... tức có đồng phạm. Trong đó, vai trò của lãnh đạo Viwasupco là quan trọng nhất.

“Nếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hành vi "Lừa đối khách hàng" theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự nêu trên thì sẽ xác định được đồng bị hại là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hợp đồng mua nước với Viwasupco trực tiếp hoặc đơn vị cấp 2 mua của Viwasupco để gián tiếp bồi thường cho các đồng bị hại theo thiệt hại thực tế tổng hợp số liệu chứng minh được theo quy định pháp luật.

Việc lãnh đạo Viwasupco biết trong nước chứa dầu nhưng vẫn bán cho người dân là hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xác định có vi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’’ theo Điều 360 Bộ luật Hình sự thì phải căn cứ vào việc xác định thiệt hại cụ thể mới có thể khởi tố được.

Có thể sau này khi xác định được số tiền thiệt hại cụ thể thì cơ quan tố tụng có thể thay đổi khởi tố, truy tố, xét xử tội "Thiếu trách nhiệm". Bởi trong hình sự phải lượng chi tiết con số chứ không phải khoảng bao nhiêu.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/bi-chu-tich-ha-noi-vach-mat-gian-doi-vu-o-nhiem-dau-nuoc-sach-song-da-co-bi-truy-hinh-su-140768.html