BIDV có kế hoạch giảm sở hữu Nhà nước xuống 65%

Thứ hai, 06/01/2020, 13:38 PM

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang có kế hoạch chào bán 10% vốn điều lệ nhằm giảm sở hữu của Nhà nước xuống 65% vốn.

bidv-co-ke-hoach-giam-so-huu-nha-nuoc-xuong-65
BIDV có kế hoạch giảm sở hữu Nhà nước xuống 65%. Ảnh minh họa

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có báo cáo cập nhật về BIDV (HoSE: BID). Theo VDSC, BIDV sẽ tiếp tục có kế hoạch phát hành thêm 10% vốn điều lệ nhằm đưa tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 65% (hiện là 81% vốn) từ năm 2020.

Theo ước tính của VDSC, hệ số CAR theo Basel I của BIDV đạt 10,5% và CAR theo Basel 2 đạt trên 9% sau khi tăng vốn thành công qua việc phát hành 15% vốn cho KEB Hana Bank.

VDSC nhận định thương vụ phát hành chiến lược giúp cải thiện nền tảng cơ bản và triển vọng của BIDV. Một mặt, NIM nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 nhờ vào tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 13%/năm và áp lực huy động giảm bớt, do ngân hàng sẽ ít phải phụ thuộc hơn vào việc huy động thông qua tiền gửi và trái phiếu kỳ hạn dài.

Mặt khác, năng lực cạnh tranh của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, SME, FDI, ngân hàng số và quản lý chất lượng tài sản cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ vào sự tham gia quản lý của KEB Hana Bank, ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc về quy mô và các dịch vụ ngân hàng mới, đang quyết tâm triển khai chiến lược số hóa và toàn cầu hóa.

Theo VDSC, ưu tiên hiện tại của BIDV là cải thiện chất lượng tài sản và làm sạch bảng cân đối kế toán, do đó tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức thấp. Lũy kế 9 tháng 2019, tỷ lệ nợ xấu tăng 19 điểm cơ bản và ngân hàng trích dự phòng đến 70% lợi nhuận trước dự phòng, nâng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ 66% lên 78,2%.

Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng (NH) Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%.

Tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập (M&A) 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động M&A. Nguyên nhân do Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… nên M&A là vấn đề rất quan trọng.

Hiện quá trình tái cơ cấu tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển, và ở chiều ngược lại các thương vụ M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu thành công. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực như tài chính NH, DNNN, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công…

Riêng với lĩnh vực tài chính NH, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những NH yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như CB, GPBank, Oceanbank… Sắp tới, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho NH 100% vốn ngoại, nhưng cho phép NH nước ngoài mua NH yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các NH có vốn nhà nước.

Tuy vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, áp lực tăng vốn rất lớn và kéo dài vì hệ số an toàn vốn (CAR) của các NH này đã tiệm cận mức 9%. Nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Ước lượng nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2018-2020 của VietinBank, BIDV và Vietcombank gấp 1,8-2 lần hiện tại, đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 14-18%/năm, đáp ứng tỷ lệ CAR 8% và tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản khi áp dụng Basel II 65-95%.

Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về mức 65% là điều nhiều nước áp dụng đối với các DNNN lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ 35% còn lại là thanh khoản trên thị trường cũng giúp định giá một DN đúng nghĩa.

Theo đánh giá do lượng vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều khiến các doanh nghiệp đã niêm yết sau cổ phần hóa không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, làm giảm mục tiêu huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại doanh nghiệp.

Sở dĩ có sự e ngại này là bởi, để sở hữu cổ phần tại các DNNN, các nhà đầu tư phải tuân thủ nhiều thủ tục phức tạp, vừa cần nhiều thời gian để quyết định do Nhà nước vẫn muốn nắm tỷ lệ cổ phần chi phối sau CPH.

Bất cập còn đến từ việc định dạng loại hình DNNN, cũng như xác định vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ tại các công ty con dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư thứ cấp của các công ty con, công ty cháu chắt vào DN, khiến các đối tác nước ngoài ngao ngán.

Một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư e ngại là việc cổ phiếu tự do chuyển nhượng ít, do cơ cấu cổ đông cô đặc sẽ khiến thị giá cổ phiếu dễ bị dao động bởi các giao dịch lớn.

 

Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu ‘chui’ Miss Global Her Beauty có thể bị phạt đến 50 triệu đồng

Theo nhận định từ phía luật sư, việc tổ chức cuộc thi Miss Globalher Beauty nhưng không làm thủ tục để được cấp phép, không được cấp phép là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng.

 

Lo thiếu điện, EVN ký loạt hợp đồng mua điện từ Lào

Theo tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký 5 hợp đồng mua bán điện với hai doanh nghiệp của Lào từ năm 2021 - 2022.