Thứ tư, 12/09/2018, 19:21 PM
  • Click để copy

Bỏ ăn thịt chó vì phản cảm: 'Đừng mang văn hóa phương Tây áp đặt vào Việt Nam'

Một số chuyên gia văn hóa nhìn nhận, chó hay bất kỳ con vật nuôi nào đều cần được đối xử nhân văn như nhau và việc nói ăn thịt chó không văn minh là sai bởi mỗi đất nước có một văn hóa riêng. Ở ta có địa phương còn coi việc ăn thịt chó là một tục lệ, ăn thịt chó đúng ngày đầu năm.

gs-tran-lam-bien-noi-an-thit-cho-phan-cam-la-sai-lam
Hà Nội muốn người dân bỏ thói quen giết mổ, ăn thịt chó - (Ảnh minh họa).

Tin tức về việc UBND TP Hà Nội mong muốn tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Một trong số lý do được TP Hà Nội nhắc đến là việc sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Đồng thời mong muốn người dân thấy được ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật. Lý do này khi đưa ra đã gây nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận.

Trao đổi với PV, giáo sư Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, tuyên truyền để hạn chế giết thịt chó để phòng bệnh dại thì đúng nhưng nói ăn thịt chó không văn minh, ăn thịt chó gây phản cảm là sai. 

Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, không thể áp đặt văn hóa của người nước ngoài vào văn hóa của người Việt bởi mỗi nơi mỗi khác, chó hay lợn hay con vật nuôi khác thì đều là ẩm thực. 

"Nếu bỏ ăn thịt chó sao không bảo bỏ luôn ăn thịt lợn? Làm sao cứ phải đi theo văn hóa nước này, nước kia? Chúng ta không phải là cái nôi văn hóa của nước ngoài, chúng ta có nền văn hóa riêng.

Ở trong vũ trụ thì chó hay lợn đều bình đẳng, vậy làm sao ăn thịt được con lợn mà không thể ăn thịt con chó...? Tại sao lại bảo ăn thịt con này là nhân đạo, con kia là không nhân đạo?", Ông Biền nói.

gs-tran-lam-bien-noi-an-thit-cho-phan-cam-la-sai-lam
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, việc đối xử với động vật thì con nào cũng cần được đối xử nhân văn như nhau trước khi "chuyển kiếp". 

Cũng theo giáo sư Trần Lâm Biền, việc ăn thịt chó tuy không được nhắc đến là món văn hóa ẩm thực truyền thống nhưng có nhiều nơi coi việc ăn thịt chó như là tục lệ. "Tôi nhớ có nơi người ta còn ăn thịt chó như tục lệ, ăn thịt chó ngày đầu năm, đúng vào ngày mùng 1 Tết", ông Biền chia sẻ.

Cùng nêu ý kiến, Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng, việc kêu gọi người dân bỏ thói quen ăn thịt chó là không khả thi bởi với nhiều người Việt Nam, thịt chó đã thành văn hoá ẩm thực. 

Theo ông Bình, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây vì họ khác biệt với chúng ta về văn hóa. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó, mèo.

“Chỉ nên khuyến cáo người dân, cơ sở kinh doanh không giết thịt chó, mèo một cách dã man, tàn bạo, có nhiều người chứng kiến..., chứ không nên khuyến cáo bỏ thói quen ăn thịt chó. Khi được chế biến hợp vệ sinh thì nó vẫn nên được coi là món ăn”, ông Trịnh Hoà Bình chia sẻ trên tờ Vnexpress. 

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hoá dân gian Việt Nam nói: “Mỗi nơi có một phong tục khác nhau. Thịt chó là phong tục của Việt Nam. Cần phân biệt tình cảm giữa chó, mèo nuôi ở nhà với chó, mèo nuôi để lấy thịt”. 

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, PGS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, thịt chó thì giàu chất đạm nhưng giết mổ chó thì có thể làm xây xước tay khiến dẫn đến nguy cơ lây bệnh dại. 

Theo bà Lâm, nếu không sử dụng thịt chó thì nhiều loại thực phẩm khác cũng có thể thay thế bổ sung chất đạm rất tốt như cá, trứng...