Bộ Xây dựng nghiên cứu xử phạt nặng công trình tự ý đưa vào sử dụng

Chủ nhật, 18/10/2020, 07:02 AM

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, nâng cao chế tài xử lý vi phạm các hành vi không chấp hành quy định, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Chủ đầu tư Lâm Viên Complex bị phạt vì chưa nghiệm thu PCCC vẫn cho dân vào ở.

Chủ đầu tư Lâm Viên Complex bị phạt vì chưa nghiệm thu PCCC vẫn cho dân vào ở.

Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe

Trên thực tế tại nhiều địa phương đang xảy ra câu chuyện nhiều công trình chưa nghiệm thu, chưa đảm bảo an toàn PCCC đã đưa dân về ở gây nguy cơ tiềm tàng.

Trả lời kiến nghị cử tri về việc giám sát, đảm bảo chất lượng công trình, Bộ Xây dựng cho biết: Trong những năm gần đây, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng đã được các cấp, các ngành, chủ thể trong hoạt động xây dựng tích cực triển khai thực hiện.

Trong đó, việc kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu của chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Bộ Xây dựng thống kê, hàng năm, có từ 40.000-50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước. Số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình.

Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Bộ Xây dựng đánh giá, về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình.

Chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh. Nhận định về nguyên nhân, theo Bộ Xây dựng có trách nhiệm của cả chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và cả vấn đề về chế tài xử phạt.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020.

Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.

Nhan nhản công trình chưa đủ an toàn đã đi vào sử dụng

Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật số tiền 103 triệu đồng.

Nguyên nhân do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

UBND quận Hai Bà Trưng cũng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.

Tương tự, Dự án Viễn Đông Star (tên cũ là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị (quận Hoàng Mai) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 nay đã được chuyển nhượng sang chủ mới là Tập đoàn Viễn Đông làm chủ đầu tư. Dù chưa được nghiệm thu PCCC và chất lượng công trình xây dựng nhưng nhiều ngày qua chủ đầu tư đã "vượt rào" pháp luật, bất chấp các nguy cơ về cháy nổ ngang nhiên đưa dân vào ở.

Năm 2019, Dự án Viên Complex do Công ty CP bất động sản AZ (AZ Land) làm chủ đầu tư. Sau gần 10 năm xây dựng, đến tháng 9/2019, dư luận xôn xao trước thông tin tòa nhà này chưa đủ điều kiện nghiệm thu PCCC đã đưa người dân vào ở. UBND Quận Cầu Giấy sau đó ra quyết định xử phạt chủ đầu tư số tiền 75 triệu đồng .

Hay vừa qua là vụ việc Nhà máy nước mặt sông Đuống của "Shark Liên" chưa nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng cấp nước cho dân đã khiến dư luận xôn xao.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019 nhưng đến thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu, trong khi nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.

Thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định cho biết, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra Chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống,… Vì vậy Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Bài liên quan