Thứ ba, 21/08/2018, 11:59 AM
  • Click để copy

Cháu nội ‘Vua Mèo’ bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự: Luật xử thế nào?

Sự việc cháu nội “Vua Mèo” kêu cứu vì bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’mông ở Hà Giang được luật sư đưa ra nhận định dưới góc độ pháp lý.

chau-noi-vua-meo-bi-tuoc-quyen-su-dung-toa-dinh-thu-luat-xu-the-nao
Dinh thự Vua Mèo - (Ảnh: Hachi8).

Sự việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” (Vua H'Mông) Vương Chí Sình gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành đề nghị xem xét trả lại quyền sử dụng đất gắn với dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang), được dư luận quan tâm.

Để nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Dinh thự họ Vương là một dinh thự nổi tiếng với diện tích gần 3000 m2, có tuổi đời gần 100 năm do “Vua Mèo” thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây từ năm 1919 và hoàn thành năm 1928 - sau 9 năm, tương truyền xây dựng đã tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng).

Dinh thự với ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và tồn tại qua các giai đoạn 1945, 1975 vẫn thuộc sở hữu của gia tộc họ Vương tiến hành quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của ông Bảo, năm 1993, dinh thự họ Vương được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết quyết định này khi cán bộ địa phương đưa những người họ hàng của ông ra khỏi dinh thự, với lý do dựa trên văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch). Những người này đã chuyển ra ngoài để cơ quan chức năng tiến hành trùng tu dinh thự.

chau-noi-vua-meo-bi-tuoc-quyen-su-dung-toa-dinh-thu-luat-xu-the-nao
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Sình - (Ảnh: Xuân Hải).

Theo luật sư Tú, nếu đúng như phản ánh thì sau khi thực hiện xong việc trùng tu dinh thự, những người trước đây sống trong dinh thự họ Vương được quyền quay lại sống tiếp ở địa điểm này.

“Bởi lẽ, Điều 23 Hiến pháp năm 1992 (áp dụng cho thời kỳ) này quy định: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”.

Tuy nhiên, theo thông tin ông Bảo cung cấp, sau khi trùng tu dinh thự, năm 2012 UBND tỉnh Hà Giang đã cấp GCNQSDĐ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn sử dụng dinh thự này là không phù hợp. Bởi lẽ, UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang chưa hề tiến hành các thủ tục xác lập sở hữu nhà nước đối với khối tài sản này”, luật sư Trương Anh Tú bày tỏ.

Cũng theo luật sư Tú, thông thường Nhà nước chỉ xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với một số trường hợp sau: Cải tạo công thương; Cải cách ruộng đất; Xác lập sở hữu nhà nước đối với đất vắng chủ.

ve-dep-cua-dinh-thu-vua-meo-hon-100-tuoi-tai-ha-giang-dang-roi-vao-lum-xum-quyen-su-dung-dat
Dinh thự vua Mèo ở Hà Giang.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với những bất động sản được tiến hành chủ yếu trong giai đoạn sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, Dinh thự của gia tộc họ Vương không thuộc các trường hợp nêu trên vì vẫn có người tiến hành quản lý và sinh sống ổn định đến năm 2002, trước khi cơ quan chức năng buộc họ tạm chuyển ra ngoài để trùng tu di tích. 

Mặt khác, Khoản 1 Điều 14 Luật Di sản văn hóa thừa nhận: “Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa”. Luật Di sản văn hóa không đề cập đến vấn đề quốc hữu hóa tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích. Điều 158 Luật Đất đai 2013 (Cũng như những luật đất đai được ban hành trước đây) cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nếu trên đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

“Bởi vậy, dinh thự họ Vương là tài sản hợp pháp của dòng họ Vương nên được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu. Nếu dinh thự bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp” – Luật sư Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, luật sư Tú cho rằng: Ông Vương Chí Sình còn là người có công với cách mạng, là Đại biểu Quốc hội khóa I và II và được Nhà nước trao tặng huân chương “Đại đoàn kết dân tộc”. Việc gìn giữ dinh thự, tài sản làm nơi thờ cúng, gặp mặt họ hàng là nhu cầu tất yếu đối với các thế hệ sau của dòng họ Vương.

“Tôi thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành nên cân nhắc những yếu tố nói trên để xem xét một cách hợp lý, hợp tình, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dòng họ Vương”, luật sư Tú chia sẻ.

Trước đó, ông Vương Duy Bảo cho biết: Từ trước đến nay, ông chưa bao giờ ký bất cứ văn bản nào mua bán, trao đổi hay hiến tòa dinh thự này cho Nhà nước.

ve-dep-cua-dinh-thu-vua-meo-hon-100-tuoi-tai-ha-giang-dang-roi-vao-lum-xum-quyen-su-dung-dat
Những họa tiết độc đáo trong dinh thự Vua Mèo.

“Nếu tôi hiến cho Nhà nước thì phải có bảng vàng vinh danh ghi lại hoặc giấy đồng ý hiến được đóng khung treo trong khu dinh thự, nhưng thực tế nếu ai vào thăm sẽ thấy không có những thứ này mà chỉ có bảng công nhận di tích", ông Bảo nói.

Theo ông Vương Duy Bảo, tòa dinh thự có 3 chủ sở hữu nhưng người đại diện cho cả tòa nhà này là chính là ông.

Cũng theo ông Bảo, năm 2002 được sự đồng ý của Đảng và Nhà nước đã cấp cho Bộ Văn hóa Thông tin hơn 10 tỷ đồng để phục vụ việc trùng tu và bảo dưỡng khu dinh thự. “Trước khi tiến hành việc trùng tu, họ đã trích 500 triệu đồng từ số tiền hơn 10 tỷ để hỗ trợ những người sinh sống trong tòa dinh thự, mỗi người được hỗ trợ 30 triệu đồng và 100m đất ở phía trước khu dinh thự để làm nơi sinh sống”, - ông Bảo cho biết thêm.

Tháng 6/2018, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thứ trưởng Văn hóa Đặng Thị Bích Liên đề nghị làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với khu di tích dinh thự họ Vương được thực hiện ra sao.

Bộ Văn hóa chuyển đơn này đến tỉnh Hà Giang và Sở Tài nguyên Môi trường có văn bản trả lời. Sở xác nhận khu dinh thự họ Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.

Trước những ý kiến trên, ông Vương Duy Bảo khẳng định việc tỉnh Hà Giang tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật. “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay”, ông Bảo nói.

 

Cháu nội vua Mèo: Nhà tôi bị công nhận di tích, từ đó mất nhà, mất đất :: Một thế giới

Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình tại Hà Giang kêu cứu Thủ tướng vì địa phương cấp sổ đỏ khu dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Bảo để rõ thêm vấn đề.

 

Lịch sử dinh thự 150 tỷ của vua Mèo đang vướng ‘lùm xùm’ tranh chấp sổ đỏ

Dinh thự vua Mèo có kiến trúc vô cùng tinh xảo, độc đáo. Khu nhà được xây dựng trong vòng 9 năm, quá trình xây dựng tốn 15 vạn bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

 

Cháu nội Vua Mèo kêu cứu vì bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự

Ông Vương Duy Bảo đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’mông ở Hà Giang.

 

Vua Mèo Vương Chí Sình là ai

Vua Mèo Vương Chí Sình là ai là câu hỏi khiến nhiều người không khỏi tò mò bởi mới đây dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” khắc trên bia bộ của ông được người ta nhắc...