Chủ tịch tỉnh lên tiếng vụ tu bổ bờ kè của Kinh thành Huế

Thứ bảy, 20/04/2019, 07:24 AM

Liên quan đến vụ việc bờ kè hộ thành hào mặt Nam Kinh thành Huế đang tu bổ trông như mới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có ý kiến chỉ đạo.

chu-tich-tinh-len-tieng-vu-tu-bo-bo-ke-cua-kinh-thanh-hue
Kè hộ thành hào vốn được xây dựng bằng đá gan gà.

Ngày 20/4, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế liên quan đến công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào mặt Nam Kinh thành Huế.

Theo công văn, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế, quá trình quản lý giám sát, thi công hạng mục bờ kè hộ thành hào thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế”, để đánh giá, xác định cụ thể các nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo đoạn bờ kè đang triển khai (từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài).

chu-tich-tinh-len-tieng-vu-tu-bo-bo-ke-cua-kinh-thanh-hue
Sau tu bổ, bờ kè xây bằng đá granite, vữa xi măng.

Trên cơ sở đó xác định, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Ông Thọ cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rà soát, tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu kỹ các giải pháp thực hiện các đoạn bờ kè tiếp theo, đảm bảo tính khoa học, đúng quy trình, quy định của pháp luật về xây dựng và bảo tồn di sản văn hóa; tiếp thu các ý kiến thẩm định về thiết kế dự án của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các nội dung trên trước khi triển khai các công việc tiếp theo.

chu-tich-tinh-len-tieng-vu-tu-bo-bo-ke-cua-kinh-thanh-hue
Nhìn bằng mắt thường có thể thấy rõ vữa.

Như đã thông tin, trước đó, đơn vị thi công là Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) đã dùng xe xúc phá dỡ toàn bộ bờ kè nguyên gốc, rồi xây mới bờ kè bằng đá granite, vữa xi măng, ống nhựa để thoát nước, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới.

Trong khi đó, theo hồ sơ dự án, phương án tu bổ là "Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ".

chu-tich-tinh-len-tieng-vu-tu-bo-bo-ke-cua-kinh-thanh-hue
Trông như mới sau tu bổ.

Ngoài ra, trong cuộc họp lấy ý kiến của các thành viên trong Hội đồng khoa học, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng Tham vấn (Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đưa ra kết luận: "Đơn vị tư vấn thiết kế cần khảo sát, đánh giá và xác định các đoạn kè đá nguyên gốc đang trong thực trạng ổn định để có phương án bảo tồn nguyên trạng; Phải tận dụng toàn bộ đá cũ đưa ra mặt ngoài và mặt trên, chỉ được sử dụng đá mới khi đá gan gà cũ không đảm bảo số lượng và chất lượng".

 

Tu bổ bờ kè hộ thành hào kinh thành Huế như mới: Tạm dừng thi công để kiểm tra

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tạm dừng thi công việc tu bổ bờ kè hộ thành hào của Kinh thành Huế để kiểm tra cụ thể hơn, nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi các hộ dân thuộc diện di dời khỏi Kinh thành Huế

Qua thăm thực tế, Phó Thủ tướng rất vui mừng khi bà con đã đồng tình ủng hộ đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế".

 

Chi hơn 4 nghìn tỷ đồng để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế với tổng mức đầu tư tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng.

 

Người dân được hưởng ưu đãi gì khi rời khỏi di tích Kinh thành Huế?

Theo khung chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các hộ dân di dời khỏi khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế trong đợt này được hưởng nhiều ưu đãi.