‘Cuộc chiến’ treo cờ Trung Quốc hay Đài Loan trong khu phố Tàu ở Mỹ ngày Tết

Thứ tư, 29/01/2020, 07:00 AM

Cuối tuần này, hàng ngàn người sẽ đến khu phố Tàu ở Manhattan ở thành phố New York để ăn mừng Tết Nguyên đán. Vào dịp này, cuộc tranh luận về việc treo cờ Trung Quốc hay cờ Đài Loan lại tiếp diễn, BBC cho hay.

 

 

Cờ Đài Loan, Trung Quốc, cờ Mỹ tại khu phố Tàu ở New York.

Hầu như mỗi ngày, Fang Yanhua, 76 tuổi, chủ tịch một hiệp hội người Mỹ gốc Hoa Suyuan Association (SA) có thói quen chơi mạt chượt tại văn phòng của hiệp hội ở khu phố Tàu.

Khu phố Tàu lịch sử hiếm khi có thay đổi lớn. Một thay đổi dường như nhỏ, được thực hiện bởi SA, đã gây ra tranh luận sôi nổi và sâu sắc trong cộng đồng.

Vào tháng 8/2018, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, hiệp hội đã treo quốc kì Trung Quốc, thay cho lá cờ của Đài Loan.

"Tôi là người Trung Quốc, vì vậy tôi ủng hộ Trung Quốc", ông Fang nói với BBC.

Đài Loan được thành lập vào năm 1912 và được lãnh đạo bởi Quốc dân đảng. Năm 1949, sau khi Đảng Cộng sản đánh bại Quốc dân đảng trong cuộc nội chiến đã thành lập ra Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt thủ đô ở Bắc Kinh. Hai bên có hai cờ khác nhau dù Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.

Ở Trung Quốc đại lục, cờ Đài Loan thường chỉ được thấy trong các viện bảo tàng và phim truyền hình lịch sử, hoặc như một dấu hiệu của nỗi nhớ về "Trung Quốc cũ". Tại Đài Loan, quốc kì Trung Quốc bị nhiều người coi là biểu tượng không mong muốn về mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Trong các sự kiện quốc tế, Đài Loan bị cấm sử dụng tên, biểu tượng và cờ của mình. Năm 2015, trong một sự kiện ở Washington kỷ niệm kết thúc Thế chiến II ở châu Á, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai đã hủy tham dự vào phút cuối, do một vòng hoa tại sự kiện hiển thị biểu tượng Đài Loan.

 

 

Hai lá cờ này kiếm khi xuất hiện cùng nhau, trừ một vài khu phố Tàu ở nước ngoài.

Trong một con hẻm hẹp gần Hiệp hội Suyuan, Hiệp hội Từ thiện hợp nhất Trung Quốc (CCBA), hiệp hội người Mỹ gốc Hoa lâu đời nhất và lớn nhất được thành lập năm 1883, vẫn treo cờ Đài Loan.

"Tôi không đồng ý chuyển sang treo cờ Trung Quốc. Họ (Hiệp hội Suyuan) chỉ đơn giản theo đuổi một tầm nhìn chính trị khác với chúng tôi", Eric Ng, Chủ tịch CCBA, nói với BBC.

Chủ tịch của CCBA từng được gọi là "Thị trưởng khu phố Tàu", nhưng ông Ng có thể đang mất dần ảnh hưởng của mình.

Hầu hết nhóm người Mỹ gốc Hoa mới thành lập treo cờ Trung Quốc và trên khắp các khu phố người Hoa ở nước Mỹ, cờ Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều hiệp hội lâu đời ở thành phố New York, Los Angeles và San Francisco thay đổi.

Ông Ng cho rằng hiện tượng này là do dòng người nhập cư lớn từ Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây, những người ủng hộ chính trị Bắc Kinh và hiện giữ các vị trí lãnh đạo trong các hiệp hội nhập cư khác nhau.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng dẫn đến thay đổi này. “Trung Quốc giờ đã mạnh hơn", ông Fang nói.

Hiệp hội của ông đã xem xét chuyển cờ từ nhiều năm trước, lấy cảm hứng từ vị thế chính trị và kinh tế phát triển mạnh của Trung Quốc trên thế giới.

Khi Hiệp hội Suyuan chấp nhận cờ mới, những người biểu tình chống Bắc Kinh đã tập trung phản đối tại đường phố. Ông Fang, hiện là công dân Mỹ, nói rằng ông tôn trọng quyền biểu tình và bất đồng chính kiến như trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên, ông Kuang Junlin, 72 tuổi, đồng chủ tịch Hiệp hội Suyuan, khẳng định việc chuyển cờ hoàn toàn không phải là vì chính trị.

"Chúng tôi chỉ muốn bày tỏ tình yêu của chúng tôi đối với quê hương. Chúng tôi ủng hộ một Trung Quốc thống nhất và sẽ không chấp nhận độc lập của Đài Loan", Junlin Kuang nói

Trong khi đó, Remus Li-Kuo Chen, một nhà ngoại giao cao cấp của Đài Bắc, nói với truyền thông rằng việc chuyển cờ làm nổi bật các nỗ lực của Trung Quốc đại lục nhằm giảm thiểu không gian quốc tế của Đài Loan.

Hầu như tất cả các hiệp hội người Mỹ gốc Hoa chuyển cờ đã đưa ra quyết định bằng cách bỏ phiếu trực tiếp giữa các thành viên.

"Chúng tôi tuân theo quy tắc của Mỹ, vì chúng tôi đang sống ở Mỹ," ông Fang nói.

Ông thích ra quyết định theo cách dân chủ vì "hiệp hội thuộc về tất cả chúng ta". Chỉ 100 trong số 700 thành viên của Hiệp hội Suyuan đã bỏ phiếu về thay đổi cờ, nhưng trong số những người bỏ phiếu, hơn 95% ủng hộ thay đổi.

“Hai lá cờ đang bay cạnh nhau, phản ánh sự tự do nhận diện ở Mỹ", bà Nancy Yao Maasbach, Chủ tịch Bảo tàng Trung Quốc tại Mỹ, nói với BBC.