Cuộc khủng hoảng y tế Mỹ trong dịch Covid-19: Khi hết thuốc, máy thở cũng vô dụng

Thứ tư, 08/04/2020, 14:00 PM

Trong dịch Covid-19, nước Mỹ không chỉ thiếu máy thở, mà còn cả các loại thuốc chuyên dùng cho bệnh nhân phải thở máy.

Trong suốt tháng 3 và tháng 4 năm 2020, còi báo động cấp cứu và còi ủ xe cứu thương đã không ngừng vang lên trên khắp thành phố New York, Mỹ. Tính đến ngày 06/04/2020, số ca tử vong vì Covid-19 đã vượt quá con số 4.100 (tuy nhiên các chuyên gia về y tế công cộng cho rằng con số này vẫn chưa phải là thống kê đầy đủ).

Là một trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở Mỹ, thành phố New York đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm thêm máy thở - thiết bị thiết yếu để cung cấp oxy vào phổi của những bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, khó thở. Số ca nhiễm Covid-19 nói chung, và số bệnh nhân cần sử dụng máy thở nói riêng đã tăng đột biến trong những ngày qua. Hôm 04/04/2020, trong một cuộc họp báo, Thống đốc tiểu bang New York - ông Andrew Cuomo - cho biết: Chính quyền bang New York đề đề nghị chính quyền liên bang cung cấp 17.000 máy thở, nhưng đã bị từ chối.

Qui mô của thảm họa y tế này không dừng lại ở đây: New York là thành phố đầu tiên ở Mỹ hết máy thở, nhưng vẫn còn nhiều thành phố khác cũng sẽ theo sau trong danh sách này. Thống đốc tiểu bang New Jersey - Phil Murphy - cũng đã đăng tải trên mạng xã hội Tweet: “Máy thở là ưu tiên số một của chúng ta hiện nay. Tôi sẽ cố gắng không ngừng để mang về những thiết bị cần thiết để cứu sống mọi sinh mạng có thể cứu”. Còn John Bel Edwards - Thống đốc tiểu bang Louisiana cũng dự đoán rằng tiểu bang của ông sẽ dùng hết máy thở vào ngày 06/04/2020.

Nhưng mặt khác, bên cạnh các máy thở, thì để cứu sống những bệnh nhân Covid-19, cũng cần có nguồn cung cấp dồi dào các loại thuốc phục vụ bệnh nhân dùng máy thở (đó là các loại thuốc gây mê, gây tê, chống co giật v.v… dùng cho bệnh nhân phải chạy máy thở, để tránh gây ra đau đớn cho họ). Các chuyên gia y tế cho rằng sự thiếu hụt các loại thuốc này sẽ khiến tình hình dịch bệnh tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

“Khi nói về máy thở là phải nói về thuốc cho bệnh nhân dùng máy thở”, Esther Choo - phó giáo sư về cấp cứu y tế tại Đại học Sức khỏe và Khoa học Oregon nói. Esther Choo cho biết hiện các bệnh viện đã hết các loại thuốc như fentanyl, Versed (midazolam), propofol, và thậm chí là cả những thuốc phong bế cơ thần kinh (chống co giật) - loại thuốc dùng hàng ngày mà cô gọi là “bánh mì và bơ” của ngành cấp cứu. Đây đều là những loại thuốc cần thiết cho bệnh nhân phải thở máy. Sẽ không thể sử dụng máy thở cho bệnh nhân, nếu như thiếu các loại thuốc này.

Tại sao lại cần thuốc cho bệnh nhân chạy máy thở?

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, khi bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân sẽ khiến cho phổi của họ chứa đầy chất lỏng. Vào thời điểm này, máy thở là phương tiện tối cần thiết để giữ lại sinh mạng cho người bệnh. Nhân viên y tế sẽ thực hiện một thủ thuật gọi là “đặt nội khí quản” (intubation), đưa một ống thở vào sâu trong phổi, để máy thở có thể cung cấp oxy cho bệnh nhân, khi mà quá trình tự hô hấp của bệnh nhân không còn đủ cung cấp oxy cho cơ thể nữa.

“Hãy tưởng tượng khi ai đó cố gắng đẩy một ống nhựa vào cổ họng bạn. Một phản xạ rất con người sẽ khiến cơ thể chúng ta phản ứng lại với điều đó” - phó giáo sư Esther Choo mô tả. “Vì vậy, chúng tôi phải gây mê sâu với bệnh nhân”, cô nói. Sau khi đặt nội khí quản, bệnh nhân phải được dùng thuốc an thần. Đối với bệnh nhân Covid-19, thời gian dùng máy thở - cũng đồng thời là thời gian dùng thuốc - có thể kéo dài trong vài tuần. Nếu không được dùng thuốc, bệnh nhân sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn.

Vì vậy, thật đáng báo động khi các bệnh viện đang thiếu những loại thuốc cho bệnh nhân dùng máy thở. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng (Defense Production Act) để bắt đầu sản xuất thêm 40.000 máy thở như tiểu bang New York đã yêu cầu, nhưng những máy thở này sẽ không có ý nghĩa nếu như thiếu các loại thuốc đi cùng với chúng.

Nếu thiếu các loại thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân, sẽ không thể sử dụng máy thở cho những ca Covid-19 nguy kịch

Nếu thiếu các loại thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân, sẽ không thể sử dụng máy thở cho những ca Covid-19 nguy kịch

Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ (American Hospital Association - AHA) ước tính gần một triệu người Mỹ sẽ cần dùng máy thở trong đại dịch Covid-19. Cho đến nay, khoảng từ 5-11% số bệnh nhân Covid-19 ở Hoa Kỳ cần được chăm sóc đặc biệt. Mặc dù số liệu về tỉ lệ bệnh nhân người Mỹ cần sử dụng máy thở vẫn chưa được công khai, nhưng theo một nghiên cứu về dịch Covid-19 ở Trung Quốc, thì khoảng 17% số bệnh nhân trong diện chăm sóc đặc biệt sẽ phải dùng đến máy thở.

Ông Dan Kistner - Phó Chủ tịch tập đoàn Vizient, đơn vị đàm phán hợp đồng mua thuốc cho hơn một nửa số bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Mỹ - cho hay: “Trên toàn quốc đang chứng kiến nhu cầu chưa từng có về dược phẩm. Trong quá khứ chúng tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu (về các loại thuốc này) như hiện nay”. Để mô tả về tầm quan trọng của các loại thuốc này, ông Dan Kistner ví von: Máy thở thiếu thuốc hỗ trợ, cũng giống như xe hơi không có xăng. Đơn giản là chúng sẽ không thể hoạt động được.

Tình trạng thiếu thuốc đã phổ biến trước đại dịch Covid-19

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) có trách nhiệm đảm bảo Hoa Kỳ có nguồn cung cấp thuốc đầy đủ, nhưng trên thực tế thì thực hiện điều này rất khó khăn, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

“Thật không may, các bệnh viện và hệ thống y tế đã quá quen thuộc với tình trạng thiếu thuốc” - ông Dan Kistner cảm thán. Giải thích thêm về nhận định của mình, ông Dan Kistner cho biết: Ít nhất là trong một thập kỉ vừa qua, tình trạng thiếu thuốc đã diễn ra một cách phổ biến ở các bệnh viện, ở một mức độ rất nghiêm trọng. “Vấn đề lớn nhất là hiện nay không ai biết chính xác một loại thuốc được sản xuất ở đâu, và số lượng thuốc được sản xuất ra mỗi ngày là bao nhiêu”. Vì những thông tin này được coi là một bí mật thương mại, nên ngay cả FDA cũng không nắm rõ về sản lượng của một sản phẩm thuốc cụ thể, hoặc các loại nguyên liệu thô của sản phẩm đó, được sản xuất ra mỗi ngày.

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations - CFR) - một nhóm chuyên gia cố vấn phi lợi nhuận chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ, có trụ sở chính tại New York - thì ước tính hiện có khoảng 80% các hoạt chất dược phẩm (Active Pharmaceutical Ingredients - API) được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc xác định tỉ lệ chính xác là bất khả thi, vì hiện nay không có một cơ sở dữ liệu về đăng ký API đáng tin cậy.

Sự thiếu minh bạch này, cùng với các vấn đề kiểm soát chất lượng và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, đã dẫn đến sự thiếu hụt thường xuyên các sản phẩm thuốc, kể cả những loại thuốc thiết yếu như fentanyl và hydromorphone - đó là ý kiến của bà Erin Fox, phụ trách thông tin và theo dõi nguồn cung cấp dược phẩm cho bốn bệnh viện thuộc Đại học Chăm sóc sức khỏe Utah. Cũng theo bà Erin Fox, nhiều loại thuốc generic (thuốc gốc) quan trọng chỉ được sản xuất bởi một vài công ty, vì thế nên khi một nguồn cung cấp gặp sự cố, hay phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa nhà máy, thì sẽ rất khó để tìm kiếm nguồn thuốc thay thế. (Thuốc generic - thuốc gốc - là loại thuốc có dược lực tương đương với biệt dược - branded drug. Vì lợi ích chung cho sức khỏe toàn nhân loại, nên chủ sở hữu biệt dược chỉ được độc quyền khai thác trong một thời gian nhất định. Sau khi bản quyền sáng chế với biệt dược đã hết hạn, thuốc gốc sẽ được sản xuất với giá rẻ hơn so với biệt dược).

Trước đây, Hospira là hãng dược phẩm sản xuất nhiều loại thuốc generic này. Trước khi bị Pfizer mua lại vào năm 2015, Hospira là nhà sản xuất dược phẩm dạng tiêm lớn nhất thế giới. Do hậu quả của việc sáp nhập, Pfizer thừa kế lại tất cả các vấn đề về kiểm soát và chất lượng của Hospira. Thậm chí ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hãng này đã gặp khó khăn về việc cung cấp đủ sản lượng thuốc cho thị trường.

Vào tháng 01/2020 - trước khi dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, nhiều bệnh viện có tỉ lệ lấp đầy khoảng 95% với các loại thuốc gây mê thông thường: Nghĩa là nếu đặt mua 100 lọ thì sẽ nhận được khoảng 95 lọ.

Theo bà Erin Fox: Ngay cả khi các dây chuyền trong nhà máy hoạt động tốt, thì các công ty dược phẩm cũng thường dự báo sản lượng trước đó nhiều năm, dựa trên số lượng sản phẩm đã bán trong quá khứ. Nếu đột nhiên nhu cầu thuốc gây mê tăng lên gấp 10 lần so với bình thường, thì không nhà sản xuất nào có sẵn thành phẩm hay nguyên liệu ở trong kho của mình.

Còn theo Dan Kistner, các loại thuốc đang thiếu hụt hiện nay đều là loại thuốc generic. Đây là những loại thuốc có sự cạnh tranh lớn trên thị trường, trong khi đó các công ty dược phẩm thường ưu tiên đầu tư cho các loại biệt dược gốc (branded drugs), vì đây là những loại thuốc được bảo vệ bởi bằng sáng chế, có giá bán cao và tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gia tăng đột biến về nhu cầu thuốc cho bệnh nhân dùng máy thở

Việc có thêm bao nhiêu bệnh nhân cần dùng máy thở - và nhu cầu thuốc đi kèm các máy thở đó - sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của các biện pháp giãn cách xã hội (social distancing) mà nước Mỹ đang thực hiện. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tập đoàn Vizient, thống kê theo thời gian thực các đơn đặt hàng của hơn 3.000 bệnh viện toàn nước Mỹ từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020, thì nhu cầu về thuốc gây tê và gây mê đã tăng lên hơn 51%. Phó Chủ tịch tập đoàn Dan Kistner cũng lưu ý rằng: Do tình hình khẩn cấp vì đại dịch Covid-19, mà các ca phẫu thuật tùy chọn có sử dụng thuốc gây mê đã bị hủy bỏ (để tiết kiệm các loại thuốc này). Vì vậy, nhu cầu thuốc thực sự sẽ tăng lên trên 50% khá nhiều.

Bệnh viện dã chiến do công binh Mỹ thiết lập tại Trung tâm Hội nghị Javits, New York

Bệnh viện dã chiến do công binh Mỹ thiết lập tại Trung tâm Hội nghị Javits, New York

Về phần mình, cô Erin Fox cho biết: Hệ thống bệnh viện mà cô phụ trách ở Utah khi bình thường sẽ có khoảng 80 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên hơn 200 bệnh nhân nặng mỗi ngày. Như vậy, số bệnh nhân đã tăng lên hơn gấp đôi. Nhưng hầu hết các nhà bán buôn dược phẩm lại thường hạn chế tích trữ thuốc. Mặt khác, hầu hết các loại thuốc cho bệnh nhân dùng máy thở lại thuộc diện bị quản lý bởi Cơ quan Quản lý ma túy (Drug Enforcement Administration - DEA) thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Vì vậy, DEA có quyền quyết định các bệnh viện sẽ được mua bao nhiêu. Không hề dễ dàng để đặt hàng thuốc nhiều gấp đôi - cô Fox nói.

Còn theo cô Jennifer Davis, Giám đốc mảng dược phẩm của Tập đoàn Y tế SCL ở Colorado, thì số lượng bệnh nhân cần dùng các loại thuốc này đã tăng gấp năm lần. Trong khi đó, cô Jennifer Davis cho biết Tập đoàn SCL chỉ nhận được chưa đến một nửa lượng thuốc đã đặt hàng.

Cách khắc phục sự thiếu hụt thuốc cho bệnh nhân dùng máy thở

Việc thiếu nguồn cung các loại thuốc thiết yếu này không phải là một vấn đề dễ giải quyết. Hầu hết các loại thuốc cần thiết cho bệnh nhân dùng máy thở đều được truyền vào cơ thể bệnh nhân thông qua đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch (intravenous - IV), khiến cho việc sản xuất thuốc khó khăn hơn so với thuốc uống. Sản phẩm thuốc cũng cần được đảm bảo môi trường vô trùng trong 21 ngày, để cách ly tránh ô nhiễm.

Vì vậy, theo Dan Kistner, nếu bắt đầu sản xuất thuốc ngay hôm nay, thì cũng sẽ cần tối thiểu năm tuần lễ để thuốc đến được tay bác sĩ trực máy thở trong phòng cấp cứu. Ông phân tích: “Không thể có chuyện bắt đầu sản xuất thuốc ngay ngày mai, và sẽ có thuốc vào cuối tuần. Sẽ không khó để tưởng tượng việc một đất nước đang sử dụng 6 triệu lọ thuốc gây mê mỗi tháng, bỗng nhiên cần từ 10 đến 12 triệu lọ mỗi tháng. Và khi không thể sản xuất thuốc một cách nhanh chóng, thì tốt nhất nên hành động ngay bây giờ”.

Trong khi các nhà sản xuất thuốc hành động, thì những nhân viên y tế cũng cần thích ứng với sự thiếu thốn các loại thuốc. “Các bệnh viện không chỉ nên có phương án A và B, mà còn cần cả phương án C, D, E, F, và G” - cô Erin Fox nói. Cô Jennifer Davis cũng đồng tình với quan điểm này: “Các bệnh nhân cần được điều trị bằng những phác đồ khác nhau, tùy thuộc vào các loại thuốc có trong kho. Các bác sĩ và dược sĩ có thể thay thế các loại thuốc khác, hoặc sử dụng ống cho ăn (feeding tube) để đưa thuốc qua đường miệng (thay cho tiêm hay truyền)”.

Nhưng cô Erin Fox thì lo lắng về các rủi ro: “Chúng tôi lo lắng về các lỗi y tế khi các nhân viên y tế phải sử dụng các loại thuốc mà họ không quen thuộc, đặc biệt là khi họ phải chăm sóc rất nhiều bệnh nhân cùng một lúc, trong hoàn cảnh khủng hoảng y tế thời dịch bệnh”.

Phó giáo sư Esther Choo đề xuất việc chính phủ liên bang cần thiết lập các hệ thống tập trung có thể theo dõi các bệnh nhân, và điều phối những nguồn cung cấp dược phẩm đến nơi cần thiết, đồng thời thông báo nhu cầu này đến cho các nhà sản xuất. “Cần sử dụng những thiết chế như Đạo luật Sản xuất quốc phòng để huy động ngành công nghiệp, thiết lập các thỏa thuận hợp tác công tư, và thúc đẩy việc sản xuất hàng loạt các loại thuốc này” – Esther Choo nói. Việc xét nghiệm diện rộng dịch Covid-19 cũng là một phần của chiến lược này - bằng cách biết những ai đã bị bệnh, chính quyền có thể điều tiết các loại thuốc quan trọng đến đúng tiểu bang cần thiết.

Cô Erin Fox thì thận trọng hơn: “Chúng ta cần phải suy nghĩ những cách thức để giữ gìn các sản phẩm thuốc”. Cô mỉa mai: “Tôi không biết liệu Tổng thống Donald Trump có thể khiến các công ty dược phẩm sản xuất ra nhiều thuốc hơn hay không, khi mà họ thậm chí còn không phải là các công ty dược phẩm Mỹ”

Cô Erin Fox cũng lưu ý rằng: Mặc dù FDA đã yêu cầu các công ty dược phẩm tăng cường cung cấp thuốc, nhưng có nhiều công ty không đủ khả năng để làm được điều này, bởi họ bị giới hạn về năng lực sản xuất của các nhà máy. Trong thời gian bình thường, một giải pháp có thể tính đến là nhập khẩu thuốc từ các quốc gia khác, nhưng trong một đại dịch toàn cầu như Covid-19, thì điều này là không thể. Ngay cả châu Âu cũng đang thiếu thốn các loại thuốc tương tự.

Phó giáo sư Esther Choo nêu ý kiến: Việc tăng cường các biện pháp theo dõi và điều trị tại gia đình cũng sẽ làm chậm lại sự gia tăng của số bệnh nhân nguy kịch phải nhập viện. Điều này giúp phân tán nhu cầu về thuốc theo thời gian, giúp các nhà sản xuất có thể kịp thời cung cấp thuốc cho bệnh viện.

Nhưng cho đến nay, những giải pháp này mới chỉ là những khả năng, còn vấn đề thì chưa được giải quyết. Cô Erin Fox cho biết: Nhiều khi bản thân bị mất ngủ, khi nghĩ đến việc nhiều bệnh viện có đủ các máy thở và nhân viên y tế, nhưng không thể vận hành chúng chỉ vì thiếu thuốc.

Bài liên quan