Đào tạo ngành Thương mại Điện tử tại các trường Đại học: Cần đẩy mạnh để đón đầu xu hướng

Thứ sáu, 09/09/2022, 11:02 AM

Việc đẩy mạnh đào tạo ngành Thương mại Điện tử tại các trường Đại học được xem là xu hướng đón đầu phù hợp tình hình phát triển.

Theo Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, trong năm 2021, lĩnh vực mới mẻ này đã được nhiều đơn vị định hình cho việc giảng dạy. Điều này càng từng bước góp phần đón đầu xu hướng nhân lực trẻ từ ghế giảng đường.

Cụ thể, số trường đào tạo ngành Thương mại Điện tử trình độ đại học liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường. Trong đó, gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành Thương mại Điện tử bên cạnh các ngành liên quan.

Cùng với chương trình đào tạo Thương mại Điện tử càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Infomation Technology and Telecomunication – ICT). Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa Kinh tế - Thương mại giảng dạy ngành này với đội ngũ giảng viên đông và chất lượng.

dao-tao-nganh-thuong-mai-dien-tu-tai-cac-truong-dai-hoc-can-day-manh-de-don-dau-xu-huong

Đánh giá về sự cần thiết của việc đào tạo ngành Thương mại Điện tử, TS. Lê Hoành Sử - Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần liên kết phối hợp với đội ngũ chuyên gia của các doanh nghiệp lớn, gần nhất là VECOM để đưa các kiến thức, kinh nghiệm thực tế này vào các chương trình đào tạo nhằm gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc liên kết đào tạo với các trường quốc tế có uy tín và đạt kiểm định vềchất lượng cũng là điều mà TS. Lê Hoành Sử kiến nghị cho việc hội nhập quốc tế để sinh viên có thể làm việc trong môi trường toàn cầu.

Được biết, việc phát triển đào tạo lĩnh vực Thương mại Điện tử trong các trường Đại học cũng phù hợp với kế hoạch tổng thể phát triển ngành này sau khi được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, đề án nêu bật phát triển Thương mại Điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra hai mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, ngoài ít nhất 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử, con số một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng cũng góp phần cho những kỳ vọng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.