Đề nghị bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Có lo ngại giá xăng tăng?

Thứ ba, 13/08/2019, 19:18 PM

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay 6 loại quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ; xác định rõ lộ trình bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

de-nghi-bai-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-co-lo-ngai-gia-xang-tang
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay 6 loại quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ; xác định rõ lộ trình bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu... Ảnh minh họa

Chiều 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018”.

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải thông tin, báo cáo giám sát được xây dựng dựa trên 119 báo cáo từ các cơ quan, các quỹ, từ hoạt động giám sát tại các địa phương, từ các cuộc làm việc với 19 quỹ, 8 địa phương, các bộ, ngành chức năng.

Qua giám sát cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập và hoạt động của các Quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Cụ thể, nguồn tài chính hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với NSNN. Nguồn thu của một số quỹ tài chính ngoài ngân sách còn phụ thuộc vào NSNN hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của NSNN trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, chưa phù hợp với quy định tại Luật NSNN năm 2015.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra, một số Quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động, đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.

Từ các tồn tại được đánh giá như trên, Đoàn giám sát cho rằng, có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét, ban ban hành các Luật chuyên ngành đã quy định cho phép thành lập nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách (19 Luật) nhưng chưa đánh giá được hết những tác động trên nhiều mặt, đồng thời công tác giám sát việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa được quan tâm; cùng với trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong hai nhóm vấn đề, đó là: trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với các Quỹ sau: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số Quỹ sau: Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được trích 300 đồng/lít xăng dầu. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

Sự ra đời và vận hành của quỹ quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) luôn gây tranh cãi. Có ý kiến “cáo buộc” dù quỹ là đóng góp của người tiêu dùng, nhưng Bộ Tài chính lại không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này. Theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hằng quý của doanh nghiệp. Do việc quản lý không thể minh bạch hoàn toàn, mà quỹ BOG có thể dễ bị một nhóm lợi ích trục lợi…

Cũng lại có ý kiến cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Theo cách tính tại Thông tư 234, thí dụ tại ngày hôm nay, giá xăng chưa gồm tiền trích vào quỹ bình ổn, là 20.000 đồng/lít. Sau khi trích quỹ bình ổn, thí dụ, 5% giá xăng, giá bán lẻ xăng sẽ thành 21.000 đồng/lít. Như vậy, việc trích lập quỹ bình ổn thực ra là lấy thêm của người mua xăng dầu tới 1.000 đồng/lít, chứ không phải chỉ 300 đồng như quy định.

Giả sử sau một tháng, giá xăng dầu nhập khẩu tăng, đáng lẽ giá bán lẻ trong nước phải tăng lên đúng 5% (1.000 đồng/lít). Nhờ có quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Như vậy, không có nghĩa người mua xăng dầu được lợi 1.000 đồng/lít, vì thực chất họ đã ứng trước số đó một tháng trước, thông qua trích lập quỹ BOG. Thậm chí, ý kiến này còn cho rằng, quỹ BOG thật ra không có giá trị bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, vì một phần của nguồn lực xã hội bị tiêu tốn vô ích.

 

Trước thềm cổ phần hóa, nhìn lại ‘cú phốt’ Agribank

Agribank đã công bố thông tin về phát hành trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 7 năm, số lượng đăng ký chào bán là 5 triệu trái phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng (mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu).

 

Thẩm mỹ viện Sline không được phép phẫu thuật tạo hình vẫn quảng cáo tạo hình rốn?

Theo phạm vi hoạt động chuyên môn do Sở Y tế Hà Nội cấp: Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (gọi tắt là Thẩm mỹ viện Sline) địa chỉ 273 Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) không được thực hiện phẫu thuật tạo hình như: Nâng ngực, thu gọn thành bụng, lấy mỡ cơ thể… Thế nhưng trên trang Facebook cơ sở này vẫn quảng cáo tạo hình rốn.

 

Hoa tươi đắt hàng mùa Vu Lan

Một số loại hoa được coi là rước tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng… đắt hàng, giá tăng gấp đôi vì nhu cầu dâng cúng báo hiếu cha mẹ, gia tiên trong mùa Vu Lan.