Điểm lại những phát ngôn làm 'nóng' tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội

Thứ năm, 19/11/2020, 09:02 AM

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, rất nhiều các phát biểu, tranh luận của các ĐBQH được cử tri cả nước quan tâm.

Nữ Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) gây ấn tượng mạnh với cử tri bằng những màn chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Nữ Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) gây ấn tượng mạnh với cử tri bằng những màn chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Nữ đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp với những chất vấn mạnh mẽ

Nữ đại biểu quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) gây ấn tượng mạnh với nhiều cử tri cả nước bởi những màn chất vấn "truy hỏi" các Bộ trưởng xung quanh vấn đề liên quan trực tiếp đến địa phương và được cử tri cả nước quan tâm.

Trong các phiên thảo luận và chất vấn, nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai đã liên tục có những câu hỏi, phát ngôn ấn tượng, chất vấn đến 3 Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Làm gì có chuyện rừng tự nhiên tăng: Trong phiên thảo luận 5/11 sau khi nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về tổng diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, tăng lên là 1,3 triệu ha so với 30 năm trước, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp đã tranh luận và bày tỏ: "Con số Bộ trưởng đưa ra là vô lý và "có gì đó thực sự là sai sai"".

"Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?", nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói.

Pin mặt trời hết hạn đưa lên cung Trăng hay để nướng bò một nắng: Sau những phát biểu của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại Quốc hội, ĐBQH Ksor H'Bơ Khăp cho rằng, hiện cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.

"Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan pin năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào? Đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao?", nữ ĐBQH Gia Lai đề cập.

Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không? - Đây là câu hỏi được bà Ksor H'Bơ Khắp "chất vấn" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong phiên chất vấn chiều 6/11.

Theo đó, bà Ksor H’Bơ Khăp nhớ lại phần giải trình của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước Quốc hội cho rằng, bão lũ, sạt ở miền Trung những ngày qua do trời mưa, địa chất bị đứt gãy…

“Nghĩa là thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu đoàn Gia Lai đề nghị Bộ trưởng giải thích, “ông trời, mẹ thiên nhiên” và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng TN&MT với nội dung rừng rất quan trọng "quan trọng còn hơn cả trời" thì nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục đứng lên tranh luận, bà nói: "

“Câu hỏi của tôi, Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không? Câu hỏi có hoặc không chứ không có”, nữ đại biểu nêu.

ĐBQH Sùng Thìn Cò (Đoàn Hà Giang)

Muốn mua thịt lợn rẻ thì lên tivi mà mua: Phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội diễn ra chiều 5/11, ĐBQH Sùng Thìn Cò (Đoàn Hà Giang) đã có những ý kiến về lĩnh vực giá cả nông sản, Chăn nuôi và Thú y.

Vị ĐBQH tỉnh Hà Giang đề cập đến câu chuyện đã được báo chí phản ánh từ tháng 4/2002, với chủ đề "giá thịt heo, giá thịt lợn rẻ chỉ có trên tivi" khác xa so với thực tế.

Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Sùng Thìn Cò đề cập: "Khi chưa có Dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn ngon có giá khoảng 60-70.000/kg, tuy nhiên khi có dịch và sau dịch giá thịt lợn tăng lên với giá từ 200.000-220.000đồng/kg thịt lợn ngon".

Theo ông Cò, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt tăng cường tái phát triển đàn lợn, nhập khẩu thịt lợn để cân đối nhu cầu tiêu thụ, giảm giá thịt lợn xuống nhưng đến nay giá thịt lợn giảm rất chậm, ở vùng cao giá thịt lợn dao động vào khoảng 160.000-180.000 đồng/kg, còn ở Hà Nội và một số vùng lân cận giá khoảng 140.000-160.000 đồng/kg.

"Xin lỗi các đồng chí ĐBQH, khi ra chợ tôi hỏi những bà buôn thịt lợn thì nhận được câu trả lời rằng muốn mua thịt lợn rẻ thì lên tivi mà mua. Cho nên vấn đề này chúng ta phải suy nghĩ", ĐBQH Sùng Thìn Cò nói.

Xin lỗi Bộ trưởng lực lượng Công an quá đông: Cho ý kiến về Dự thảo Luật xây dựng lực lượng an ninh trật tự cơ sở, ĐBQH Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cũng có nhiều phát biểu hết sức ấn tượng.

Ông đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng không, khi mà hiện nay lực lượng Công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng Công an xã không chuyên trách. Ông cho rằng cần phát huy tốt vai trò của lực lượng này và tin tưởng vào hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, xã phường, thôn bản, tin tưởng nhân dân.

"Không có việc gì mà dân không nắm được, dân không biết. Chúng ta không biết tại vì chúng ta không tốt, chúng ta không làm tốt công tác dân vận, nắm tình hình.

Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?", ông Cò phát biểu.

Thiếu tướng Cò cũng hỏi nếu xác định lực lượng này là rất quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ, trong khi hiện nay đang đưa lực lượng chính quy xuống xã. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu cân nhắc đối với dự luật này.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Là Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) có nhiều chất vấn, phát ngôn đóng góp vào các dự luật được đưa ra xem xét và được cử tri rất quan tâm.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào ngày 6/11, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề cập: "Báo cáo Bộ trưởng, hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là Công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán. Tôi đã thảo luận ở tổ và đề nghị Bộ trưởng sẽ thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành Công an".

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, trường hợp như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu "nếu có chỉ là trường hợp hết sức cá biệt".

Bộ trưởng Công an đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và các đại biểu, cử tri, nhân dân nếu phát hiện ra công an có tiêu cực trao đổi với Bộ Công an để xác minh, xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.

Tách luật như tách mẹ với con: Trong phát biểu vào chiều 16/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những cơ sở để tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Chính phủ nêu trong báo cáo trình ra Quốc hội, là "không thuyết phục".

"Báo cáo của Chính phủ cho rằng, hành vi của người tham gia giao thông là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm, khái niệm đảm bảo an toàn giao thông. Như vậy, ở đây có hành vi con người mà chúng ta lại tách ra như thế không khác gì "tách con ra khỏi mẹ" mà "cắt gan lại đi ghép thận", vì thế là không ổn", ông Nhưỡng nêu.

Chuyển Cảnh sát giao thông về Bộ GTVT: Cũng đề cập đến việc tách luật ông Nhưỡng cho rằng, "nếu tách Luật Giao thông, đề nghị chuyển lực lượng CSGT về Bộ GTVT".

Tiếp đó, phát biểu ở phiên họp sáng 17/11 về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ông Nhưỡng lo ngại sau này, nếu lực lượng bán chuyên ra đời công an xã sẽ "lười biếng".

Đặc biệt, ông Nhưỡng cũng lo ngại tình trạng phình bộ máy. Ông nói: "đã phình ở cơ sở rồi nay lại tiếp tục phình. Chúng ta thấy phình cả động mạch, phình cả tĩnh mạch thế này thì tính sao?".

Để Công an cấp bằng lái xe thì bằng máy bay, lái tàu để cho ai?

Đưa ý kiến về việc tách luật giao thông và chuyển bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, lập luận: Hiện có 5 lĩnh vực giao thông gồm giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ, giờ Chính phủ đề nghị tách luật GTĐB thì sau này có tách 4 luật kia hay không? Hay cùng cách lập luận, chúng ta có tách luật Khám chữa bệnh thành 2 là luật Cơ sở vật chất khám bệnh và luật Đảm bảo an toàn khám bệnh hay không?

ĐBQH tỉnh Quảng Trị chỉ ra, chúng ta đang xã hội hoá mấy trăm cơ sở đào tạo, hàng nghìn người đang làm công chức viên chức của ngành giao thông, khi chuyển sang Công an thì có tăng biên chế không, hàng nghìn người bên ngành giao thông đi đâu? Cả vấn đề hệ lụy, nếu không đánh giá tổng kết thì rất khó thuyết phục.

Ông cũng đặt vấn đề, nếu cấp bằng để cho Công an, thì cấp bằng lái máy bay, bằng lái tàu hoả, tàu thuỷ thì Bộ Công an có làm không?

"Có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn"

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thì cho rằng nên đề nghị Ủy ban Thường vụ QH lấy ý kiến ĐBQH xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp.

“Nếu với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật này thì tôi nghĩ có khi rồi chúng ta không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, còn các bộ khác làm không tốt. Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Kiên nói.

Bài liên quan