Thứ tư, 06/12/2017, 11:36 AM
  • Click để copy

Đọ sức mạnh pháo binh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

Các loại pháo binh cấp chiến thuật của hai nước Triều Tiên, Hàn Quốc đã khá nổi tiếng trên khắp thế giới với đại diện là Koksan 170 mm từ phía Bắc và K9 155 mm về phía Nam.

 

122mm M1985
Pháo tự hành Chuchepo M1977 trong một cuộc duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng. 

Những loại pháo này có tầm bắn xa, sức hủy diệt lớn, tuy nhiên nó lại có giá thành đắt đỏ và khó triển khai đại trà. “Ngựa cày” pháo binh chính của hai nước vẫn phải dựa vào lực lượng cấp sư đoàn với đại diện đáng lưu tâm nhất là pháo tự hành 122 mm Chuchepo của Triều Tiên và EVO-105 của Hàn Quốc.

Sức mạnh thô ráp đến từ Triều Tiên

Pháo tự hành 122 mm Chuchepo của Triều Tiên được chia ra thành nhiều biến thể, được Mỹ và đồng minh đặt mã hiệu theo năm họ phát hiện ra sự tồn tại của chúng. Các loại pháo M1977, M1981, M1991, với M là chữ viết tắt của từ “Model” – mẫu này thực chất đã được biên chế và phục vụ trong quân đội Triều Tiên từ trước khoảng thời gian đó rất lâu. Những loại pháo này có thể coi là xương sống của pháo binh cấp sư đoàn Triều Tiên, với số lượng lớn và xuất hiện liên tục trong mọi cuộc tập trận pháo binh của nước này.

Tất cả các loại pháo tự hành này của Triều Tiên đều có chung một đặc điểm chính: Đó là sử dụng lựu pháo nòng dài có cỡ nòng 122 mm làm vũ khí chính. Với loại M1977, nòng pháo hoán cải từ pháo kéo D30 của Liên Xô làm vũ khí chính.

Đây là loại lựu pháo sản xuất từ những năm 1960 để trang bị cho quân đội Liên Xô và các nước đồng minh. Nó đã được chứng tỏ sức mạnh trên rất nhiều chiến trường từ Đông Nam Á cho đến Trung Đông, Bắc Phi.

Loại pháo này có tầm bắn tối đa 15,4 km đối với đạn thông thường và có thể tới 21,9 km với đạn hỗ trợ động cơ tên lửa tăng tầm. Tuy nhiên, trên những khẩu pháo tự hành của Triều Tiên này vẫn chưa thấy sự xuất hiện của máy nạp đạn tự động hay các thiết bị điện tử, vì thế nó vẫn cần một kíp pháo thủ rất đông và chỉ đạt được tốc độ bắn tối đa 7-8 phát/ phút.

M1981
Pháo M1981 khai hỏa trong một cuộc tập trận phòng thủ bờ biển tại thành phố Nguyên Sơn. 

Các mẫu M1981 và M1991 tuy cũng sử dụng pháo 122 mm nhưng khẩu pháo này được hoán cải từ dã pháo D74, với tầm bắn xa hơn D30, có thể tới 24 km. Tốc độ bắn của hai mẫu pháo này cũng không thể cải thiện nhiều vì vẫn vận hành bằng bàn tay con người, chỉ đạt ở mức 8-9 phát/ phút cấp tập hoặc 4 phát/ phút khi bắn duy trì.

M1991 Chuchepo
Pháo M1991 xuất hiện trong duyệt binh và trên đường phố Triều Tiên. 

Tất cả các mẫu pháo Chuchepo này đều được đặt trên khung gầm xe bọc thép nội địa, có cải tiến để phù hợp với hoạt động chiến đấu của pháo binh. Cấu hình này cho phép pháo binh Triều Tiên có độ cơ động cao, có thể theo sát bước hành tiến của các đơn vị tăng thiết giáp cũng như dễ dàng di chuyển trận địa để tránh phản pháo. Các mẫu M1977 và M1981 được chế tạo trên thân xe thiết giáp nội địa VT-323 (còn được gọi là M1973 Tân Phổ).

Đây là loại xe thiết giáp được Triều Tiên sản xuất theo giấy phép của thiết giáp Type-63, Trung Quốc với số lượng hiện tại hơn 3000 chiếc. Đây là loại thiết giáp đa dụng được Triều Tiên sử dụng cho rất nhiều mục đích như chở quân, làm khung gầm cho các loại vũ khí chống tăng, phòng không và pháo tự hành. VT-323 có khối lượng khoảng 15 tấn, tốc độ tối đa 65 km/h và dự trữ hành trình tới 500 km.

M19812
Một khẩu pháo M1977được vũ trang thêm 4 tên lửa phòng không. 

Pháo M1977 và M1981 có thiết kế vẫn còn đơn giản, với tháp pháo hở có độ bảo vệ kém, trong khi pháo M1991 đã có thiết kế tháp pháo kín, tương tự như pháo tự hành 2S1 của Liên Xô. Thân xe của M1991 được chế tạo dài hơn cũng là dấu hiệu của việc họ có thể lắp đặt nhiều thiết bị hỗ trợ hơn trên loại pháo này, khác với những mẫu pháo trước, gần như đơn thuần chỉ là đặt một khẩu pháo kéo lên xe.

EVO-105 của Hàn Quốc, khi sức mạnh điện tử áp đảo sức mạnh cơ bắp  

Nếu so về tầm bắn và sức mạnh hỏa lực, rõ ràng EVO-105 của Hàn Quốc không có cửa để so với các loại pháo binh Triều Tiên đã đề cập ở trên. Loại pháo tự hành này được chế tạo bằng cách gắn lựu pháo nòng ngắn M101 cỡ nòng 105 mm của Mỹ lên xe tải 5 tấn KM500.

Nếu xét về thông số kỹ thuật thuần túy, rõ ràng M101 không có cửa so với các cỡ pháo 122 mm của Triều Tiên. Loại pháo này được Mỹ chế tạo từ năm 1941, cỡ nòng 105 mm, nhỏ hơn đồng nghĩa với sức công phá của mỗi quả đạn sẽ nhỏ hơn đáng kể.

Thêm vào đó, tầm bắn của M101 chỉ đạt từ 8,5 – 11 km, hoàn toàn bị áp đảo bởi tầm bắn của tất cả các phiên bản của Chuchepo. Dù là pháo cỡ nòng nhỏ hơn, nhưng tốc độ bắn của M101 cũng không ưu thế hơn Chuchepo là mấy, loại pháo này chỉ đạt tốc độ bắn tối đa 10 phát/ phút cấp tập hoặc 3 phát/ phút với bắn duy trì.

2017062808160438155
Nếu chỉ so sánh đơn thuần về tầm bắn và sức mạnh hỏa lực thì EVO-105 thua xa so với Chuchepo. 

Tất nhiên, nếu người Hàn Quốc chỉ đặt một khẩu pháo từ Thế chiến II lên xe tải thì rõ ràng nó không có cửa khi so sánh với pháo tự hành Triều Tiên. Tuy vậy, trên thực tế, sức mạnh của EVO-105 lại không phải nằm ở khẩu pháo mà lại  ở hệ thống cơ khí và điện tử kết hợp nhuần nhuyễn trên xe, vốn là thế mạnh của một cường quốc công nghệ như họ.

11
Màn hình cảm ứng của máy tính điều khiển hỏa lực trên pháo EVO-105.

Đầu tiên phải kể đến là bệ pháo của EVO-105 là hệ thống thủy lực máy được điều khiển hoàn toàn tự động. Khi nạp thông số bắn, máy tính sẽ điều khiển bệ pháo này hướng pháo đến đúng tầm và hướng mục tiêu mà các binh sĩ vận hành sẽ không cần phải điều khiển gì.

Khả năng vận hành tự động này cho phép EVO-105 có thể làm được một kỹ thuật mà thường chỉ thấy ở các khẩu pháo tự hành hiện đại hàng đầu thế giới: Bắn chế độ MRSI – tức nhiều phát đạn bắn ở các góc khác nhau sẽ rơi vào mục tiêu cùng một lúc, tăng tối đa khả năng sát thương và tránh bị phản pháo. Tất nhiên, pháo thủ cũng có thể chiếm quyền điều khiển của máy tính để điều khiển pháo bắn trực xạ khi cần thiết bằng một cần điều khiển nhỏ một cách dễ dàng.

12
Dự tính trong những năm tới, pháo binh Hàn Quốc sẽ được vũ trang 800 khẩu pháo EVO-105 này. 

Trên pháo tự hành EVO-105 cũng là cả một hệ thống điện tử, đảm nhận tất cả các công việc từ trinh sát, liên lạc, kết nối chiến trường, định vị vệ tinh, định vị cơ khí và máy tính điều khiển đạn đạo. Các khối điện tử này cho phép pháo có thể tự động hướng về mục tiêu ngay khi có dữ liệu tọa độ từ trung tâm chỉ huy chuyển đến.

Hệ thống định vị nhiều cơ chế cho phép nó vẫn có thể chiến đấu hoàn hảo ngay cả khi bị mất sóng liên lạc với vệ tinh hay một phần thiết bị điện tử bị hỏng. Thân xe KM-500 cũng cho phép pháo đạt độ cơ động rất cao, với tốc độ tới hơn 100 km/h trên đường nhựa.

Nhờ việc áp dụng các khí tài điện tử trên, EVO-105 chỉ mất 60 giây từ lúc bắt đầu triển khai đến lúc khai hỏa phát đầu tiên và mất 30 giây để thu hồi khỏi trận địa với độ chính xác mỗi phát bắn gần như tuyệt đối. Dù vẫn chưa có máy nạp đạn, nhưng toàn bộ kíp chiến đấu của khẩu pháo này cũng chỉ có 5 người, tiết kiệm hơn gấp đôi so với  khẩu đội pháo kéo 11 người truyền thống. Những ưu thế này trong một cuộc chiến hạn chế thừa đủ để EVO-105 có thể đối đầu thẳng thừng với pháo binh cùng cấp của Triều Tiên.

 

Bắc Cực Tinh: Sức mạnh thực thụ của lực lượng tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Trong vụ thử tên lửa Hỏa Tinh-15 ngày 29/11 vừa qua, Triều Tiên đã cho thế giới phải sững sờ về tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn có thể lên tới 13.000 km của mình. Tuy nhiên, nếu xét trên cơ hội sử dụng thực chiến, Hỏa Tinh lại không phải là loại tên lửa hữu dụng nhất của nước này mà danh hiệu này phải thuộc về tên lửa Bắc Cực Tinh, hay theo phiên âm tiếng Triều Tiên là Pukguksong.