Không được quay clip, chụp ảnh CSGT người dân sẽ giám sát bằng cách nào?
Luật sư cho rằng, có 4 hình thức người dân được quyền giám sát mà bỏ qua hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm của người dân là trái với quy định của Hiến pháp.

Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo lần 2 "Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" gồm 3 chương 13 điều (thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009).
Nội dung nổi bật được dư luận quan trâm trong Dự thảo thông tư này là "Những việc phải công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" và "Quyền giám sát của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ Công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".
Theo dự thảo những việc phải công khai trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được quy định tại Điều 5, gồm: Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; Công tác đăng ký, cấp biển số xe; Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; Công tác giải quyết tai nạn giao thông.
Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, Bộ Công an đề xuất: Cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính. Cảnh sát làm nhiệm vụ cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn, đối tượng và hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Còn theo quy định hiện hành tại Thông tư 54/2009-BCA, Cảnh sát chỉ phải công khai tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bộ Công an giữ nguyên quy định Cảnh sát khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ công an nhân dân).
Tương tự về công tác đăng ký, cấp biển số, Bộ Công an đề xuất phải công khai tên, địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch làm việc, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe...
Nội dung được quan tâm nhất là quyền giám sát của người dân. Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát Công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ.
Việc giám sát được thực hiện qua hình thức thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân...
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng: So với quy định tại Thông tư 54, dự thảo này không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".
Trước dự thảo này, nhiều người thắc mắc rằng: Nếu dự thảo được thông qua thì người dân có được quay clip, chụp ảnh để giám sát CSGT làm nhiệm vụ hay không? Việc quay clip ghi hình có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Như vây, trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân.
"Cán bộ tiếp công dân hay lực lượng cảnh sát là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là tượng trưng cho sự "công khai, dân chủ, công bằng, văn minh"; là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước.

Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư. Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.
Như vậy việc Điều 11 của Dự thảo quy định 04 hình thức người dân được quyền giám sát mà bỏ qua hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình của người dân là trái với quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác", luật sư Diệp Năng Bình sau khi nghiên cứu Dự thảo chia sẻ.
Theo đánh giá của luật sư Bình, việc người dân giám sát hoạt động của cảnh sát nói riêng hay của các lực lượng chức năng khác là rất tốt và pháp luật không cấm. Thời gian qua không ít vụ việc tiêu cực đã được người dân quay phim, chụp ảnh tố cáo đến cơ quan chức năng từ đó việc tiêu cực đã được chấn chỉnh.
"Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người dân có quyền giám sát đối với hoạt động thi hành công vụ của các lực lượng chức nhưng không được gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Nếu có hành động cản trở người thi hành công vụ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại điều 330 tại Bộ luật Hình sự.
Ngược lại nếu những đoạn phim, hình ảnh do công dân quay được thể hiện cán bộ tiếp công dân hay lực lượng CSGT có hành vi sai trái, không đúng với các quy định pháp luật thì người dân có quyền sử dụng làm bằng chứng tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Việc tố cáo các sai phạm, tiêu cực không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của người dân.
Luật không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh nhưng cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp...
"Tôi cho rằng việc người dân giám sát hoạt động của cảnh sát nói riêng hay của các lực lượng chức năng khác là rất tốt và pháp luật không cấm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người dân có quyền giám sát đối với hoạt động thi hành công vụ của các lực lượng chức nhưng không được gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Người có hành động cản trở người thi hành công vụ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại điều 330 tại Bộ luật Hình sự.
Còn những đoạn phim, hình ảnh do công dân quay được thể hiện cán bộ tiếp công dân hay lực lượng CSGT có hành vi sai trái, không đúng với các quy định pháp luật thì người dân có quyền sử dụng làm bằng chứng tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Việc tố cáo các sai phạm, tiêu cực không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của người dân. Luật không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh nhưng cấm phát tán bừa bãi.
"Quay phim, chụp ảnh" là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc có thể bị xử lý hình sự.
Quy trình sử dụng các đoạn phim, hình ảnh đó sẽ căn cứ theo trình tự tố tụng tại tòa án hoặc khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục hành chính. Nếu việc sử dụng được xem là đem lại công bằng - dân chủ cho người dân, giữ vững kỷ cương - pháp chế nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, khi đó hình ảnh đã được sử dụng hợp pháp.
Thực thi quyền giám sát của người dân đối với các nhân viên công vụ là cần thiết để chống sự lạm quyền của nhân viên công vụ.Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dân có thể lạm dụng quyền giám sát của mình để cản trở hoạt động nghiệp vụ, cũng như xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân của nhân viên công vụ.
Thực tế, không ít người dân sau khi ghi hình cảnh sát giao thông tác nghiệp đã hồn nhiên đưa vào những lời lẽ bình luận ác ý, thô lỗ và đưa lên mạng xã hội. Hình ảnh nhiều khi được biên tập, chế biến nhằm mục đích bôi nhọ quá trình tác nghiệp của nhân viên công vụ. Tuy nhiên, theo tôi mọi thứ vấn đề không phải nằm ở người dân mà nằm ở lực lượng chức năng, đây mới là vấn đề mấu chốt.
Nếu nghiệp vụ của các anh giỏi, tuân theo pháp luật, không lót tay thì không việc gì phải sợ ai ghi âm, ghi hình mình cả. Khi gặp những đối tượng có hành vi gây rối trong khi thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng, trước hết phải bình tĩnh, giữ đúng tư thế, tác phong, điều lệnh công an nhân dân, tránh để các đối tượng lợi dụng, kích động.
Cần phải giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là đã vi phạm pháp pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi đó. Trong những trường hợp cần thiết có thể cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi. Nếu cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm thì khống chế đưa về trụ sở UBND hoặc công an phường gần nhất để giải quyết", luật sư Bình phân tích thêm.
Cùng nhìn nhận về dự thảo, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Thông tư mới của Bộ Công an sẽ không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".
Luật sư Thơm lo lắng khi cho rằng nếu điều này được thông qua thì công dân sẽ mất đi quyền giám sát hoạt động của cảnh sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ bằng hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Theo luật sư, cơ quan chức năng nên xem xét lại đề xuất quyền giám sát của người dân. Đồng thời, cần hướng dẫn người dân giám sát nhưng không được gây ảnh hưởng, cản trở tới việc thực thi nhiệm của của cảnh sát để đảm bảo minh bạch, khách quan.
Theo Đại tá Trần Sơn - cựu Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT: So với thông tư ban hành cách đây 10 năm thì dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm mới, cụ thể hơn về hình thức công khai các hoạt động trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, chiến sĩ Công an. Ngược lại, dự thảo không có nhiều điểm mới về quyền, hình thức giám sát của người dân.
“Thông tư trước đây nêu rõ những hình thức giám sát của dân như qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ Công an hoặc qua quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông. Còn trong dự thảo mới chỉ nêu chung chung”, Đại tá Sơn phân tích.
Cũng theo Đại tá Trần Sơn: Trong hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì CSGT là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với người dân, đây cũng là bộ mặt của lực lượng Công an nên càng công khai minh bạch bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.
Từ đó ông Sơn cho rằng, Bộ Công an nên nghiên cứu để đưa vào dự thảo những quy định rõ hơn về cách thức, hình thức giám sát, như người dân có thể quay phim, chụp hình ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ, bởi theo ông nếu quy định không cụ thể, rõ ràng sẽ gây ra những cách hiểu, thực thi khác nhau ở các địa phương.
Theo đánh giá của ông Sơn, lâu nay chúng ta cũng thấy từ các video clip, hình ảnh vi phạm do người dân phản ánh trên mạng xã hội hay trên báo chí mà CSGT đã tiến hành xác minh, xử lý người vi phạm. Do đó, với tinh thần công khai, minh bạch thì việc cho quay phim, chụp hình, ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ là cần thiết.
Truy tố ông lão dâm ô bé gái 7 tuổi rồi bị đánh bầm mắt ở TP HCMPhát hiện ông An đang dâm ô với bé gái 7 tuổi, người dân bao vây đánh người đàn ông này bầm tím mắt. |
Mâu thuẫn chuyện tiền bạc, một người bị chém đứt loìa cổ ở Bình PhướcMâu thuẫn về chuyện tiền bạc, Mỹ đã dùng hung khí chém đứt lìa cổ anh Tú khiến nạn nhân chết tại chỗ. |
Gian lận thi cử ở Hà Giang: 107 thí sinh được nâng điểm vì tình cảm, không phải lợi ích vật chất?Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, phụ huynh các thí sinh được nâng điểm và các bị can đều một mực khẳng định không đưa - nhận tiền, không vì bất cứ lợi ích vật chất nào. |