Dưa hành - Lợi cho sức khỏe

Chủ nhật, 26/01/2020, 06:30 AM

Ngày nay dù nhiều món ăn ngon, đồ ẩm thực xa xỉ nhưng vẫn không ai quên bánh chưng và món dưa hành truyền thống. Nhân Tết Canh tý chúng ta nói chuyện về kỹ thuật việc muối dưa hành để biết được lợi ích và cách phòng tránh gây ung thư.

Dưa hành - Lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Dưa hành - Lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Dưa muối là một món ăn ngon và có lợi cho sức khỏe

Theo các chuyên gia, khi dùng dưa và hành ngâm muối để chế biến thành món ăn thì các loại rau (cải bắp, cải đắng, cà rốt, rau cần…) cũng như hành củ khi sẽ lên men sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi. Chúng phá vỡ cellulose khó tiêu trong thực phẩm và một số công thức đường phức, giúp các dưỡng chất được hấp thu dễ dàng hơn. Đặc biệt khi sử dụng các thực phẩm này sẽ giúp tăng lượng vi sinh vật tốt cho đường ruột.

Tác dụng nữa của món dưa hành là giúp mọi người giảm cảm giác ngán, kích thích tiêu hóa và giúp ngon miệng hơn. Nhất là khi thường xuyên phải liên hoan ăn nhiều thịt, cá hoặc hải sản khó tiêu.

Ngoài ra việc bảo quản dưa hành cũng rất đơn giản, nếu sử dụng một lượng muối hợp lý sẽ giúp bảo quản khá lâu và an toàn cho sức khỏe.

Điều này đã được rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên dưa phải đảm bảo: Được muối từ rau củ quả sạch (tốt nhất là từ rau củ hữu cơ) và muối trong bình thủy tinh trong. Khi muối đúng cách, dưa sẽ có màu vàng tươi, có độ giòn, vị chua, có mùi thơm đặc trưng. 

Những lợi khuẩn trong dưa muối giúp cho rau củ lên men, chống hư hỏng dưa và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Dưa muối còn là món ăn giàu chất xơ, giúp chống táo bón, làm sạch đại tràng, giúp đào thải các chất độc hại tích lại ruột qua đường tiêu hóa, điều này giúp làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, mỗi tuần chỉ ăn 2 – 3 bữa dưa muối với lượng khoảng 60 – 70g là tốt nhất. Ăn nhiều dưa muối sẽ đưa lượng muối vào cơ thể nhiều tạo gánh nặng cho thận, tim mạch. Những người bị tăng huyết áp, bệnh thận, viêm loét dạ dày, phụ nữ có thai cần hạn chế ăn dưa muối. 

Một số lưu ý khi ăn dưa hành

Dưa hành khi ngâm cùng muối sẽ lên men và sinh hơi, vì vậy có một số đối tượng nên hạn chế hoặc kiêng ăn món này:

- Người bị đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản: hạn chế đồ chua cay trong đó có dưa hành, kim chi

- Người mắc bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh thận: do dưa hành thường dùng lượng muối khá lớn, trong khi bệnh nhân tim mạch cần ăn giảm muối

- Phụ nữ mang thai: Do cơ địa phụ nữ mang thai nhạy cảm nên hạn chế sử dụng đồ sống, thực phẩm nên men, hạn chế đồ sinh hơi dễ gây đầy bụng.

Trường hợp nào dưa muối có thể gây ung thư?

Trong quá trình muối dưa, ngoài hệ vi khuẩn lactic còn xuất hiện các nhóm vi khuẩn khác biến nitrat có trong các loại rau củ thành nitrit. Điều này xảy ra khi dưa muối chưa “chín”, rau củ vẫn chưa có độ chua và rất hăng (dưa muối xổi), nhưng sau 2 – 3 ngày khi dưa chua (pH từ 3,5 – 4) lượng nitrit giảm hẳn và không còn nữa. Khi ăn dưa muối chưa kỹ là lúc dưa có lượng nitrit cao nhất, chất này vào trong dạ dày sẽ cùng với các acid amin từ thịt, cá, tôm, mắm… tạo thành hợp chất nitrosamine, hợp chất này đã được khoa học chứng minh có tác hại gây ra ung thư.

Trường hợp dưa muối quá mặn, rau dưa dập úng, không đảm bảo kín khi muối sẽ tạo thành dưa khú có mùi ủng, màu thâm, nước dưa có váng, mốc đen và nhớt… cũng chứa nhiều chất độc hại có thể gây ung thư.

Dưa, cà muối xổi có thể gây bệnh ung thư: Món dưa xổi là món được ăn ngay trong ngày sau khi chế biến. Tuy nhiên, trong dưa muối thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Trong môi trường muối dưa, vi khuẩn sống khoảng 9 giờ. Các ký sinh trùng sống không quá 10 ngày. Vì vậy, nếu muối dưa trong thời gian nhất định sẽ hợp vệ sinh và an toàn. Nhưng nếu muối xổi, vi khuẩn có hại chưa chết sẽ là mầm họa gây bệnh như các bệnh về tiêu hóa (tiêu chảy, ly trực khuẩn tả, thương hàn). Vì vậy, bạn chỉ nên ăn dưa muối xổi khi bạn có trong tay nguyên liệu để muối dưa mà bạn tin chắc là sạch, là an toàn.

Ngoài ra còn là nguy cơ ung thư khi các nguyên liệu dùng muối dưa thường được bón bằng phân đạm ure - vẫn còn tồn tại lượng nitric đáng kể. Khi nitric ăn vào cơ thể gặp điều kiện thuận lợi như có sự tham gia của thịt, cá, cua, mắm… sẽ tạo thành hợp chất nitrosamine, mà nhiều nghiên cứu đã kết luận là chất có khả năng gây ung thư.

Nguy cơ khác gây ung thư từ dưa muối bao gồm: Dư lượng hóa chất độc hại từ rau củ quả và dụng cụ muối không đảm bảo vệ sinh. Vì lợi ích kinh tế hiện nay không ít nông dân sử dụng chất kích thích, chất bảo quản thực vật hay nhiều nông trại nằm gần khu công nghiệp - nơi có nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí. Điều này khiến cho nông sản có chứa dư lượng hóa chất độc hại, có thể gây ra bệnh ung thư. Dụng cụ muối dưa là chi tiết ít ai quan tâm, nhưng những chiếc bình, vại làm từ đất bị nhiễm kim loại nặng; những thùng nhựa không rõ thành phần nhựa hoặc thùng nhựa tận dụng từ thùng sơn cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cách muối dưa hành thơm ngon bảo quản lâu

Muối củ hành, củ kiệu

Nguyên liệu: Hành tươi 400g, muối, dấm ăn, nước lọc, đường, nước mắm, gia vị vừa đủ

Cách chế biến: Chọn những củ hành to vừa phải, bóc sạch vỏ cứng bên ngoài ngâm với nước vo gạo. Sau khoảng vài giờ vớt ra rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng 5 phút. Vớt ra rổ thưa để hành được ráo nước.

Chuẩn bị hỗn hợp ngâm hành gồm 1 bát nước mắm: 2/3 bát đường: 1 bát giấm: 2 bát nước lọc sạch trộn đều lên. Sau đó đun sôi hỗn hợp rồi để nguội.

Cho hành đã ráo nước vào 1 bình thủy tinh sạch và khô, thêm 1 vài quả ớt và vài lát giềng cho thơm. Cuối cùng đổ hỗn hợp nước ngâm đã nguội vào bình và đóng nắp kín. Đợi khoảng 3-5 ngày bạn đã có ngay món dưa hành thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Đây là cách ngâm chua củ hành để nhanh được ăn. Còn cách muối dưa hành truyền thống chỉ sử dụng muối để làm chua thì cần từ 20 đến 30 ngày để làm chua củ hành.

Xin chúc quý vị có một món ăn thú vị, vừa ngon vừa chống “ngấy” trong ngày Tết , vừa mang hương vị cổ truyền lại đảm bảo sức khỏe.