Hải Dương Địa Chất 8 quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Thứ tư, 15/04/2020, 06:17 AM

Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 đang khiến cả thế giới lao đao và chính đất nước khốn khó, Trung Quốc vẫn không ngừng gây sự ở Biển Đông.

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc

Ngày 14/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thông tin cho biết:

"Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông".

Trước đó, Reuters dẫn dữ liệu từ Marine Traffic, website theo dõi hành trình tàu biển, cho biết con tàu Trung Quốc hôm 14/4 xuất hiện ở khu vực cách bờ biển Việt Nam khoảng 158 km. Hộ tống nó là một tàu hải cảnh.

Hồi tháng 7/2019, Trung Quốc từng bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt vì động thái tương tự. Sau 3 tháng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, con tàu rời đi hôm 24/1.

Trong suốt thời gian con tàu Trung Quốc ngang nhiên hiện diện, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên án các hành vi xâm phạm trắng trợn của nhóm tàu Hải Dương 8, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này khỏi vùng biển của Việt Nam.

"Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Vụ điều tàu khảo sát lần này nằm trong một chuỗi các hành động hung hăng của Trung Quốc vài tháng nay, giữa bối cảnh toàn cầu đang dồn sự tập trung vào việc chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).

Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam và giết chết ít nhất một ngư dân. Trước đó vào ngày 23/3, Tân Hoa xã cũng công bố việc Trung Quốc xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó nữa vào ngày 16/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý cũng khiến dư luận sục sôi khi thừa cơ hội ủng hộ Ý chống dịch để đăng tải bức tranh vẽ "đường lưỡi bò" ở Biển Đông, bất kể tuyên bố "đường lưỡi bò" này đã bị một tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ năm 2016.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.

Anh cùng Pháp và Đức cũng đưa ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết các bất đồng trong khu vực này thông qua đàm phán.

Bài liên quan