Hàng loạt câu hỏi trách nhiệm chính quyền trong vụ tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà

Thứ ba, 21/01/2020, 15:09 PM

Việc Công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ sau nửa năm đi vào hoạt động với nguyên nhân chưa có giấy phép xây dựng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Công viên nước Thanh Hà bất ngờ bị tháo dỡ vì chưa có giấy phép xây dựng. (Ảnh: Zing.vn).

Công viên nước Thanh Hà bất ngờ bị tháo dỡ vì chưa có giấy phép xây dựng. (Ảnh: Zing.vn).

Câu chuyện Công viên nước Thanh Hà là công viên được mệnh danh đẹp và hiện đại nhất Thủ đô vừa bị lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ do không có giấy phép xây dựng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với PV nhiều chuyên gia xây dựng, luật sư cùng các bạn đọc tỏ ra hết sức bất ngờ trước việc Công viên nước Thanh Hà xây dựng không có giấy phép.

Theo nhiều người, việc một số công trình nhỏ xây dựng sai giấy phép hoặc không có giấy phép thì có thể hiểu được phần nào. Tuy nhiên, một công trình lớn như Công viên nước Thanh Hà tồn tại và hoạt động rầm rộ đến hơn nửa năm mới phát hiện và tháo dỡ là khó chấp nhận.

Đặc biệt hơn, trong công trình không phép này đã từng xảy ra một số vụ việc đuối nước khiến 1 cháu bé tử vong. "Vậy câu hỏi đặt ra là chính quyền giám sát thế nào, đã ở đâu khi công trình đồ sộ này xây dựng mà không có giấy phép, để đến khi đi vào hoạt động mới phá dỡ?", một số luật sư đặt câu hỏi.

Chung ý kiến một số bạn đọc cho rằng trách nhiệm chính quyền trong vụ việc này cũng cần được làm rõ.

"Công viên to thế này, chắc chắn thi công đến cả năm trời với máy móc và nhân lực lớn chứ chẳng ít, không có giấy phép, sai phạm mà đến lúc làm xong, đi vào hoạt đông, gây chết người cơ quan chức năng mới sờ tới...", bạn đọc bức xúc.

Các hạng mục bê tông bị phá bỏ ở Công viên nước Thanh Hà. (Ảnh: Infonet).

Các hạng mục bê tông bị phá bỏ ở Công viên nước Thanh Hà. (Ảnh: Infonet).

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Từ quy định trên, luật sư Hoàng Tùng cho biết: Công viên nước Thanh Hà là một loại công trình dân dụng và không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của khoản 2 Điều 80 Luật Xây dựng năm 2014.

"Do đó, với việc Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 vẫn triển khai xây dựng khi không có giấy phép, thậm chí đi vào hoạt động và gây ra những thiệt hại về người liên tiếp trong thời gian qua thì trước hết sẽ phải xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, sau đó cần xem xét đến trách nhiệm trong việc quản lý của chính quyền", luật sư Tùng nhận định.

Theo quy định của pháp luật thì khi phát hiện ra công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép thì cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Trường hợp chủ công trình không tự nguyện tháo dỡ thì sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phép.

Đối với các công trình xây dựng trái phép đang thi công thì cần phải lập biên bản vi phạm hành chính, dừng thi công xây dựng. Hoàn thiện giấy phép xây dựng, trong trường hợp không được cấp phép xây dựng thì buộc phải tháo dỡ công trình.

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng.

Nhìn nhận về trách nhiệm của chính quyền địa phương, luật sư Hoàng Tùng nói: công trình xây dựng sai phạm nghiêm trọng như vậy mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không phát hiện ra sai phạm tại thời điểm xây dựng và không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời để công trình xây dựng, hoàn thiện là thiếu trách nhiệm.

"Các cơ quan chức năng như UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông và các phòng ban liên quan cũng phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm này", Luât sư Hoàng Tùng phân tích.

Theo luật sư, cần làm rõ trong vụ việc này có sự tiếp tay, cố tình buông lỏng của cán bộ, đơn vị quản lý hay không? Mức độ và hành vi cụ thể ra sao? Tùy vào vi phạm cụ thể thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản thì Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận huyện, Thành phố) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Trong trường hợp cán bộ được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bởi vậy trong vụ việc này sẽ phải xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra xây dựng và UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông tại thời điểm có hành vi vi phạm trật tự xây dựng để có những hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư, thực tế hiện nay có rất nhiều công trình xây dựng từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn được tiến hành thi công, xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục hồ sơ cần có theo quy định của luật. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả phức tạp trong công tác quản lý và đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.

Ngoài lỗi thuộc về phía chủ đầu tư thì còn có một phần lỗi về phía các cơ quan, ban ngành quản lý liên quan đến lĩnh vực này. Do đó nhà nước cần phải thắt chặt hơn công tác quản lý để đảm bảo pháp luật được thực thi đúng và nâng cao uy tín, đội ngũ cán bộ làm việc đối với người dân

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/hang-loat-cau-hoi-trach-nhiem-chinh-quyen-trong-vu-thao-do-cong-vien-nuoc-thanh-ha-149771.html