Thứ tư, 14/08/2019, 16:09 PM
  • Click để copy

Thừa Thiên Huế: Hơn 200 kiến nghị đã được xử lý sau khi báo chí lên tiếng

Sau khi báo chí lên tiếng, có khoảng 480 phản ánh, kiến nghị của người dân đã quá thời hạn xử lý nhưng vẫn chưa nhận được kết quả đã giảm xuống còn 280 phản ánh.

hon-200-kien-nghi-da-duoc-xu-ly-sau-khi-bao-chi-len-tieng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Liên quan đến việc hàng trăm phản ánh, kiến nghị dù đã quá hạn xử lý nhưng người dân vẫn chưa nhận được kết quả, ngày 14/8, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi báo chí thông tin về việc chậm xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, nhiều cơ quan, đơn vị đã vào cuộc xử lý.

Ông Sơn cho hay: “Có hơn 200 phản ánh đã được xử lý. Đây là một con số rất ấn tượng. Cảm ơn cơ quan báo chí đã đồng hành”.

Theo tìm hiểu, đến nay, đã có 2.473 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong số đó, các đơn vị đã xử lý 2.012 phản ánh (đạt 81,36%), đang xử lý 461 phản ánh (đạt 18,64%), quá hạn 280 (tỉ lệ 11,32%).

hon-200-kien-nghi-da-duoc-xu-ly-sau-khi-bao-chi-len-tieng
Bên trong Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Như đã thông tin, trong buổi cung cấp thông tin báo chí tuần thứ 31, thông tin từ Sở Thông tin & Truyền thông cho biết, có gần 1.500 phản ánh, kiến nghị có kết quả xử lý đã được biên tập và đăng tải lên hệ thống.

Bên cạnh đó, vẫn còn đến 480 phản ánh, kiến nghị đã được Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế phân phối đến các đơn vị đã quá thời hạn xử lý, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả xử lý từ các đơn vị.

Để giảm bớt tình trạng quá hạn xử lý các phản ánh, Trung tâm này đã tiến hành đốc thúc bằng các hình thức như tin nhắn SMS, gọi điện trực tiếp cho cán bộ và lãnh đạo đơn vị xử lý để đôn đốc quá trình xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.

Đối với những phản ánh đã có kết quả xử lý nhưng chưa dứt điểm, công dân/tổ chức gửi phản ánh có sự giám sát và phản hồi thông qua hệ thống tương tác bằng hình thức bình luận, trao đổi trên Cổng thông tin tương tác, Trung tâm đã tiến hành liên hệ và yêu cầu đơn vị xử lý vào theo dõi để tương tác với công dân/tổ chức, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống.

hon-200-kien-nghi-da-duoc-xu-ly-sau-khi-bao-chi-len-tieng
Rất nhiều phản ánh của người dân gửi về.

Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc xử lý kiến nghị trên kênh tương tác phản ánh hiện trường thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh.

Ông Thọ cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông thống kê cụ thể vụ việc phản ánh, rà soát để điều chỉnh quy định xử lý phản ánh; cơ chế vận hành của Trung tâm cần được làm rõ để đảm bảo cơ chế vận hành của công cụ này.

Sở Nội vụ khẩn trương đưa vào đánh giá điểm thi đua hàng quý và mức độ hài lòng đối với dịch vụ công ích thông qua việc xử lý ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về giải quyết kiến nghị của người dân.

hon-200-kien-nghi-da-duoc-xu-ly-sau-khi-bao-chi-len-tieng
Có 2.473 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến Trung tâm.

Đến nay, đã có 88 cơ quan, tổ chức tham gia vào hệ thống. Hầu hết các cơ quan, đơn vị tham gia đều có sự quan tâm xử lý các phản ánh của người dân, trả kết quả đúng hạn và có chất lượng rất tốt được người dân đánh giá hài lòng.

Được biết, phản ánh hiện trường là một trong 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc triển khai thành công giải pháp “phản ánh hiện trường” là cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh khác. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”. 

 

Thừa Thiên Huế ra mắt Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh

Trung tâm đã triển khai đồng thời hơn 9 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính…

 

Năm 2025, Việt Nam sẽ có đô thị thông minh đầu tiên

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.