LHQ công bố hệ thống cảnh báo phát thải khí mêtan

Chủ nhật, 13/11/2022, 20:51 PM

Hôm thứ Sáu, Liên Hợp Quốc đã công bố một hệ thống phát hiện và cảnh báo từ không gian để ngăn chặn sự phát thải khí mêtan, một loại khí có khả năng gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

 

 

“Hệ thống Ứng phó và Cảnh báo khí mêtan” (MARS) được Chương trình Môi trường của LHQ công bố nhân dịp hội nghị lớn về khí hậu ở Ai Cập.

Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết, hệ thống này sẽ là “hệ thống công cộng và toàn cầu đầu tiên có khả năng liên kết liền mạch việc phát hiện khí mêtan với quá trình thông báo”.

Nói một cách cụ thể, các vệ tinh sẽ có thể xác định được sự rò rỉ lớn của loại khí này và các chính phủ cũng như các doanh nghiệp sẽ được cảnh báo ngay lập tức để họ có thể hành động nhanh chóng. Họ cũng sẽ được cho lời khuyên về cách giải quyết vấn đề.

Khí mêtan (CH4) có khả năng thu bức xạ mặt trời mạnh gấp 25 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm và các nhà khoa học ước tính rằng nó là nguyên nhân gây ra ít nhất một phần tư hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày nay.

Nhưng thời gian tồn tại của nó trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2 - 12 năm so với hàng thế kỷ - vì vậy việc giảm lượng khí thải mêtan có thể mang lại kết quả nhanh chóng.

Khoảng một nửa lượng phát thải khí mêtan có liên quan đến hoạt động của con người, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí và nông nghiệp.

Năm vừa qua, tại COP26 ở Glasgow, các quốc gia đã tự nguyện cam kết giảm phát thải loại khí này ít nhất 30% vào năm 2030, tức là sẽ tránh được việc nóng lên 0,2°C vào cuối năm 2050.

Fatih Birol, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: “Tính minh bạch là một phần quan trọng của giải pháp để giải quyết vấn đề mêtan và hệ thống mới này sẽ giúp các nhà sản xuất phát hiện rò rỉ và ngăn chặn chúng ngay lập tức nếu việc rò rỉ xảy ra”.

Các tổ chức phi chính phủ cũng đang mong đợi một tuyên bố chung của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ trong COP27 để khởi động sáng kiến giảm phát thải khí mêtan từ các nước xuất nhập khẩu dầu khí lớn.

Theo tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động Khí hậu, đây sẽ là một cam kết đưa ra “các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo và xác minh mạnh mẽ” nhưng không có nghĩa vụ pháp lý.

Một nguồn tin châu Âu xác nhận rằng 27 quốc gia sẽ sớm ký cam kết này, trong đó dự đoán rằng cả các nhà sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ “nỗ lực gấp đôi để loại bỏ khí thải liên quan đến hoạt động khoan và vận chuyển dầu khí của họ”.