Lỗ hổng trong danh xưng ‘trường quốc tế’, tâm lý sính ngoại đang hại thế hệ trẻ

Thứ tư, 07/08/2019, 11:23 AM

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, hiện chưa có quy định trong việc sử dụng danh xưng “trường quốc tế”, vì thế phụ huynh gửi con đến các trường được gọi là quốc tế đồng nghĩa việc chấp nhận bị đánh lừa, bị đánh lừa mà không biết.

lo-hong-danh-xung-truong-quoc-te-tam-ly-sinh-ngoai-dang-hai-the-he-tre
Trường quốc tế Gateway nhận trách nhiệm vụ bé trai lớp 1 tử vong trên ô tô đưa đón.

Xung quanh vụ việc bé trai lớp 1 bị tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội), dư luận đang nghi ngại chất lượng giảng dạy, chăm sóc học sinh của các trường quốc tế.

Giáo viên kém cỏi hay trường thiếu quy trình chuẩn?

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, sự việc xảy ra tại Trường quốc tế Gateway cho thấy lỗ hổng lớn về quản lý, chăm sóc học sinh.

“Giáo viên trên xe luôn luôn phải nắm sĩ số học sinh trong lớp, tôi cũng vậy, tôi dạy học cũng phải đếm sinh viên, đưa danh sách cho sinh viên ký vào sau đó đếm lại, chứ không điểm danh, tránh trường hợp điểm danh hộ. Quay trở lại, kiểm tra sĩ số luôn là thói quen của người giáo viên. Giáo viên không kiểm tra số lượng học sinh lên xe, xuống xe, không rà soát lại trên xe có học sinh không, học sinh có quên gì... giáo viên kém cỏi đến độ để quên em học sinh mà không biết”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khi vào lớp giáo viên không quan sát xem lớp học thiếu ai là điều tắc trách. Hiện nay các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm luôn có số điện thoại liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, điều đó thể hiện sự săn sóc, sợi dây liên lạc để nắm thông tin học sinh. Do đó, có thể thấy trường quốc tế Gateway có lỗ hổng lớn.

Sau vụ việc bé trai lớp 1 bị tử vong Trường quốc tế Gateway, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các địa phương cần kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng giảng dạy, chăm sóc của tất cả các trường có danh xưng quốc tế, danh xưng chất lượng cao.

lo-hong-danh-xung-truong-quoc-te-tam-ly-sinh-ngoai-dang-hai-the-he-tre
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, hiện chưa có quy định trong việc sử dụng danh xưng “trường quốc tế”, vì thế phụ huynh gửi con đến các trường được gọi là quốc tế đồng nghĩa việc chấp nhận bị đánh lừa, bị đánh lừa mà không biết. 

“Hiện nay danh xưng giáo dục không được quan tâm, không ai chịu trách nhiệm, nên các trường đưa lên tên gì cấp trên duyệt tên đó. Trừ tên gọi nhạy cảm. Chính vì thế đâu đâu cũng thấy trường quốc tế.

Có thể nói danh xưng “trường quốc tế” không được quản lý chặt chẽ. Cũng cần nhấn mạnh, chính tâm lý xã hội hướng ngoại, xem trong nước không tốt bằng nước ngoài, thích danh trường quốc tế, chương trình quốc tế hơn trong nước. Thấy có tên quốc tế là lao vào cho con học mà không biết chương trình học ra sao”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chỉ rõ.

Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, cả phụ huynh, nhà trường mang tâm lý hướng ngoại. “Nhiều người nghĩ cho con học trường quốc tế sang hơn mà không biết gửi con đến trường quốc tế là chấp nhận bị đánh lừa, bị đánh lừa mà không biết”, PGS Nguyễn Thiện Tống nói.

Thiếu quy định danh xưng ‘trường quốc tế’

Theo tìm hiểu của phóng viên, tên gọi “quốc tế” (international) là từ mà các trường “tự phong” cho mình, chứ không có một tổ chức quốc tế nào công nhận

Từ quốc tế ở đây lại càng không có nghĩa là chương trình giảng dạy và văn bằng của họ được mọi trường đại học trên thế giới thừa nhận (giá trị) và học sinh của họ được đương nhiên nhận vào học mà không cần qua thi cử dưới hình thức này hay hình thức khác.

Thật ra không có một chương trình trung học hay đại học nào được gọi là chương trình quốc tế. Từ quốc tế ở đây nên được hiểu là tất cả hay một số môn học được giảng dạy bằng Anh ngữ, chương trình có thể được mô phỏng theo chương trình của một trường nào đó ở Úc, Anh hay Mỹ, và có thể “chỉ dành cho học sinh người nước ngoài” hay “học sinh người nước ngoài có thể theo học”.

Tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến quản lý trường học yếu tố quốc tế, theo đó tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP cũng chỉ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 86/2018/NĐ-CP không quy định việc liên kết giáo dục hay mở cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ghi hay không ghi danh xưng “trường quốc tế”.

Theo đó, với liên kết giáo dục Nghị định 86 quy định tất các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục có quyền liên kết đào tạo

Thời hạn của liên kết giáo dục không quá 05 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm. Với liên kết giáo dục với cấp phổ thông sẽ do giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương quyết định.

Với quy định về việc mở trường, cơ sở giáo dục do nước ngoài đầu tư cũng không quy định cách gọi danh xưng “trường quốc tế”. Cụ thể, tại Điều 29 của Nghị định 86 quy định đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ghi chung chung: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;

Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Phân hiệu”, “Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố”.

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.

Về điều kiện vốn, dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).  Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Điều này có nghĩa nếu một tổ chức nước ngoài muốn mở trường tiểu học quốc tế với số lượng 500 em học sinh phải có khoản tiền đầu tư 25 tỷ đồng.

Ngoài ra các điều kiện về cơ sở vật chất như với mầm non: Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lóp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn; Đối với cơ sở giáo dục phổ thông thì diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn...

Như vậy rõ ràng lỗ hổng danh xưng giáo dục cùng sự ngộ nhận của phụ huynh các trường có chữ “quốc tế” tốt hơn đang làm lợi cho cơ sở giáo dục tư nhân.

 

Cô giáo điện cho phụ huynh báo 'không tìm thấy con đâu' ngay trong buổi học đầu tiên tại trường Gateway

Với học phí cao chót vót nhưng từng có lần cô giáo trường Gateway vội vã điện cho phụ huynh thông báo "không tìm thấy con đâu" ngay trong buổi học đầu tiên.

 

Chủ tịch Hà Nội truy trách nhiệm vụ bé trai lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm trong vụ bé trai lớp 1 bị tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường quốc tế Gateway.

 

Tình tiết mới vụ bé trai lớp 1 tử vong nghi do bị Trường quốc tế Gateway bỏ quên trên ô tô

Sau cái chết thương tâm của bé trai lớp 1 nghi do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường khiến dư luận bức xúc. Khuya 6/8, Trường quốc tế Gateway đã gửi thư đến các phụ huynh và xin lỗi gia đình cháu bé.