Mỗi mùa một Festival nhằm thu hút du khách đến với Huế

Thứ sáu, 29/05/2020, 06:36 AM

Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, Festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Lễ hội đường phố thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Lễ hội đường phố thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Lâu nay, nhắc đến mảnh đất Cố đô Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến đền đài, lăng tẩm, cung điện…, bên cạnh đó, Festival Huế cũng là một điểm nhấn, góp phần xây dựng thương hiệu Huế đến với đông đảo du khách gần xa.

Theo tìm hiểu, trải qua 20 năm với 10 kỳ Festival Huế và 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, mô hình Festival đã được định hình, trở thành một Festival được chú ý trong hệ thống Festival trên thế giới. Những thành quả bước đầu là động lực quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Chú rối khổng lồ di chuyển trên đường phố trong dịp Festival Huế 2016. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Chú rối khổng lồ di chuyển trên đường phố trong dịp Festival Huế 2016. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Để làm được điều đó, cần tiếp tục kế thừa thành quả các kỳ Festival, khẳng định hướng đi phù hợp và làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội để bốn mùa Huế thực sự là thành phố Festival. Qua đó, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, vừa tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề án tổ chức Festival bốn mùa đang được xây dựng và hoàn thiện, dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lí để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh. Từ đó, phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa.

Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, Festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Festival nghề truyền thống Huế năm 2017. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Trên cơ sở kết nối, khai thác thế mạnh các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian diễn ra quanh năm trên địa bàn tỉnh, làm cho Huế thực sự trở thành một thành phố lễ hội với các hoạt động chuyên nghiệp, đa dạng, đa lĩnh vực trải suốt bốn mùa trong năm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách cũng như đời sống văn hóa của cư dân Huế và khai thác thế mạnh các di tích, điểm du lịch, các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Cụ thể, mùa xuân sẽ có Festival Dân gian Huế. Đây là giai đoạn có sẵn nhiều sinh hoạt lễ hội truyền thống nhất trong năm, một trong những điểm mạnh cần khai thác để phục vụ du khách tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương. Cao điểm của chuỗi hoạt động từ lễ hội đền Huyền Trân Công chúa ngày 9 tháng Giêng đến Tết Nguyên tiêu nhằm ngưỡng vọng tiền nhân. Các hoạt động trước Festival sẽ diễn ra từ lúc khai hội hoa xuân: Hội vật, hội đu tiên, hội đua thuyền… cùng với đó là chuỗi hoạt động ở trung tâm TP Huế các sân khấu dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống; không gian ẩm thực, trưng bày, triển lãm, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Festival nghề truyền thống Huế 2019 có rất nhiều chương trình hấp dẫn. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Festival nghề truyền thống Huế 2019 có rất nhiều chương trình hấp dẫn. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Mùa hạ sẽ có Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ). Nội dung chính vẫn lấy Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) làm trục chủ đạo. Du khách mùa này chủ yếu là khách nội địa, do đó việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật tổng hợp trong nước và thế giới (đối với Festival năm chẵn) và tôn vinh các làng nghề truyền thống (Festival năm lẻ) vẫn là yếu tố tạo nên sự khác biệt của điểm đến để thu hút du khách. Tức là vẫn duy trì tính chất của một Festival nghệ thuật quốc tế như lâu nay với các loại hình nghệ thuật kết hợp với các lễ hội đường phố, lễ hội áo dài, lễ hội cung đình và dạ tiệc Hoàng cung…

Lễ hội hoa lần đầu xuất hiện Festival Nghề truyền thống Huế năm 2019. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Lễ hội hoa lần đầu xuất hiện Festival Nghề truyền thống Huế năm 2019. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Mùa thu sẽ có Festival Ẩm thực quốc tế Huế. Lễ hội ẩm thực sẽ lấy lễ Quốc Khánh làm thời điểm tổ chức với chủ trương đẩy mạnh quảng bá Huế - Kinh đô ẩm thực. Không gian tổ chức sẽ được chia thành các loại hình và đối tượng khác nhau. Xen kẽ với đó là các hội thi về ẩm thực, chế biến món ăn và chương trình liên hoan các nhóm dân vũ, hip-hop…

Mùa đông sẽ có Festival Âm nhạc Huế, được tổ chức từ giữa tháng 12 đến Tết Dương lịch với cao điểm từ lễ Giáng sinh đến lễ chào đón năm mới nhằm tạo điểm nhấn. Festival Âm nhạc mùa đông hướng đến xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế định kỳ. Tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh có thể tổ chức các cuộc thi về âm nhạc mang tính quốc tế tại Huế.

Hoa hậu Ngọc Hân tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Hoa hậu Ngọc Hân tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Tùy vào từng mùa để ban tổ chức có thể điều phối và sắp xếp thời gian, không gian, địa điểm, chương trình, nội dung phù hợp nhất nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay: “Festival bốn mùa dự kiến tổ chức vào năm 2022. Tuy nhiên, ngay từ năm 2021 tỉnh sẽ chọn triển khai một vài mùa Festival nhằm thử nghiệm mô hình tổ chức, khả năng phối kết hợp, quản lí các hoạt động giữa các đơn vị để có điều chỉnh phù hợp, rút kinh nghiệm khi Festival chính thức diễn ra”.

Qua 20 năm tổ chức Festival, một điểm dễ nhận thấy là các kỳ Festival được tổ chức trong phạm vi thời gian rất ngắn, hầu như tất cả sự phong phú, những gì tinh túy về di sản văn hóa - nghệ thuật, nghệ thuật sống, sinh hoạt cộng đồng, đời sống tâm linh, ngành nghề truyền thống của cư dân bản địa từ cung đình, bác học đến dân gian, truyền thống, từ cổ điển đến đương đại đều cùng góp mặt, phô diễn với du khách thập phương. Điều này minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của văn hóa Huế, tạo sức hút tốt cho các kỳ Festival, khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu cho Festival Huế.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa được tổ chức đồng thời trong một thời gian ngắn của kỳ Festival gây không ít khó khăn, thậm chí quá tải trong công tác tổ chức, chưa thuận lợi cho việc thưởng ngoạn của công chúng. Trong khi đó, thời gian còn lại trong năm chưa có nhiều hoạt động thu hút du khách.

Thực tế này đòi hỏi cần có kế hoạch nghiên cứu, khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị riêng có, phân bổ hợp lý trải dài quanh năm, tạo không khí năng động cho thành phố, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.