Thứ bảy, 02/11/2019, 15:40 PM
  • Click để copy

Nhà máy nước mặt sông Đuống giá nước cao gấp 2 lần, mỗi ngày Hà Nội bù lỗ cả tỷ đồng?

Với việc nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống có giá bán cao gần gấp đôi so với giá nước sạch sông Đà, dư luận lo ngại việc TP Hà Nội phải bỏ tiền bù lỗ "trợ giá" hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đang có giá bán nước cao gấp đôi so với sông Đà.
Nhà máy nước mặt sông Đuống đang có giá bán nước cao gấp đôi so với sông Đà.

Dư luận đang quan tâm đến vụ việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đường ống của Trung Quốc và có giá bán cao gần gấp đôi nước sạch Sông Đà.

Đáng chú ý, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. 

Tìm hiểu được biết, hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP ban hành năm 2013. Thời điểm đó, Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.

Theo đó, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3.

Việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch được nhiều người cho rằng do xuất phát từ áp lực bù lỗ lớn đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp?

vi-sao-nha-may-nuoc-mat-song-duong-su-dung-ong-trung-quoc-tung-bi-phan-doi-kich-liet
Mỗi ngày Hà Nội sẽ phải bù hàng tỷ đồng để trợ giá cho Nhà máy nước mặt sông Đuống?

Theo tờ Dân Trí,  trong văn bản 3310 của UBND TP Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.

So sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chỉ bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch sông Đuống.

Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đi vào khai thác.
Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đi vào khai thác.

Việc giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp 2 lần giá bán của nhà máy nước sông Đà khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng, Hà Nội sẽ phải bù giá bao nhiêu?

Với giá mua buôn cao, Nhà máy nước sông Đuống đi vào vận hành đã vô hình chung tạo áp lực tài chính lớn cho Hà Nội khi giá bán lẻ nước sinh hoạt đang thấp hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng Hà Nội sẽ bị “thâm hụt” ngân sách lớn từ việc bù lỗ này.

Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000 m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Bởi giá mua buôn của nhà máy nước sống Đuống là 10.264 đồng/m3 trong khi giá nước sạch tối thiểu hiện nay bán lẻ chỉ 5.973 đồng/m3.

Như vậy, mỗi năm Hà Nội có thể phải bù lỗ cả ngàn tỷ nếu nhà máy Sông Đuống được vận hành tối đa công suất và giá bán lẻ nước không tăng?

Trước đó, trao đổi với PV về việc giá nước, Đại diện Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho hay: Theo quy định giá thành sản xuất nước áp dụng trên địa bàn TP và các khu vực lân cận do UBND Hà Nội quy định, phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, được tính đúng, tính đủ theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và PTNT) và được các cơ quan chức năng thẩm định trình phê duyệt theo quy định.

Giá nước bán cho các đối tượng dân cư và các đối tượng sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội được thành phố quy định tại Quyết định số 38/QĐ-UBND và QĐ số 39/QĐ-UBND năm 2013.

"Việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các Nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngđ, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó CPGPMB là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, Sử dụng nguồn vốn vay thương mại).

Do đó dự án Sông Đuống có quy mô đầu tư lớn, khấu hao và lãi vay lớn hơn và cho chất lượng nước tốt nhất ổn định và an toàn, khi đó chi phí giá nước sạch được tính đúng, tính đủ sẽ cao hơn so với nước nhà máy Sông Đà", đại diện chủ đầu tư nước mặt Sông Đuống chia sẻ.