Ngân hàng Trung Quốc bác cáo buộc của Mỹ, nói nhân dân tệ ở mức ‘phù hợp’

Chủ nhật, 20/10/2019, 08:27 AM

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết hôm 19/10 rằng đồng nhân dân tệ đang ở mức “phù hợp” dù hôm 5/8 đã đột ngột giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, quá mốc 7 tệ đổi 1 USD.

ngan-hang-trung-quoc-bac-cao-buoc-cua-my-noi-nhan-dan-te-o-muc-phu-hop
Hồi đầu tháng 8, nhân dân tệ đột ngột giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, quá mốc 7 tệ đổi 1 USD.

Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố với ban chỉ đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Bắc Kinh "thất vọng sâu sắc" về việc IMF không thể điều chỉnh cơ cấu cổ phần của mình để nhận ra ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác.

Ông Yi cũng chỉ trích việc Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi đồng nhân dân tệ đột ngột giảm xuống dưới mức thấp nhất kể từ năm 2008, xuống tới mức dưới 7 tệ đổi được 1 USD.

Tuyên bố của ông Yi nói rằng sự mất giá của đồng nhân dân tệ kể từ đầu tháng 8/2019 đã được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường, bao gồm cả sự biến động được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại leo thang. Yi nói thêm rằng "có sự chấp nhận ngày càng tăng của thị trường đối với biến động tỷ giá hối đoái hai chiều " bằng đồng nhân dân tệ.

"Đánh giá cả từ các quy tắc cơ bản về kinh tế và từ cung và cầu thị trường cho thấy tỷ giá nhân dân tệ đang ở mức độ thích hợp", ông Yi nói.

Tuy nhiên, Washington cho rằng Bắc Kinh hạ giá nhân dân tệ để đối phó thuế nhập khẩu của Mỹ, đem lại lợi thế cho hàng xuất khẩu.

Dường như nhằm ám chỉ đến lập trường thương mại "America First" (Nước Mỹ trên hết) của chính quyền Trump, Yi nói: "Làn sóng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia đã làm suy yếu niềm tin lẫn nhau, làm giảm sự sẵn sàng hợp tác của họ trên cơ sở đa phương”.

Tuyên bố của ông Yi không đề cập đến thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" Mỹ - Trung, nhưng cảnh báo về những vấn đề mà căng thẳng thương mại đã gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

"Dấu hiệu của sự gián đoạn đã xuất hiện trong thương mại toàn cầu và trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị", ông nói. "Căng thẳng thương mại đã làm giảm niềm tin thị trường, có thể khuếch đại biến động thị trường tài chính và giảm tăng trưởng kinh tế”.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 6% trong quý kết thúc vào tháng 9/2019. Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng quý yếu nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992 và giảm từ mức 6,2% của quý trước, theo thống kê chính phủ được công bố hôm 18/10.

Mức này cũng thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,1% mà các nhà phân tích dự báo khi được thăm dò bởi Refinitiv -  nhà cung cấp toàn cầu về dữ liệu và cơ sở hạ tầng trên thị trường tài chính.