Thứ hai, 18/11/2019, 15:49 PM
  • Click để copy

Người dân ‘dài cổ’ chờ di dời khỏi trường học

Hơn 10 năm qua, các hộ dân có nhà, đất trong khuôn viên trường THPT Gia Hội (Thừa Thiên Huế) vẫn chưa được di dời, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

nguoi-dan-dai-co-cho-di-doi-khoi-truong-hoc
Ngôi nhà của gia đình ông Khư nằm cạnh bức tường rào của trường.

Theo tìm hiểu, khu đất 4 hộ dân đang trong diện di dời vốn trước đây là khu tập thể của trường THPT Gia Hội phân cho các cán bộ của trường, trong đó, có 3 hộ được bố trí vào ở nhà thuộc sở hữu nhà nước (như bà Loan), còn 1 hộ là ông Khư sử dụng đất và xây nhà ở.

Các hộ dân sống trong khuôn viên trường này cho hay, việc di dời, giải tỏa tái định cư đã có chủ trương của tỉnh từ năm 2008 với 4 hộ. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ trương chỉ nằm trên giấy tờ, đo kiểm..., trong khi đó, ai cũng muốn đến nơi ở mới để thuận lợi cho cuộc sống, vừa giúp cho trường học có quỹ đất để xây thêm các hạng mục.

Nhà ông Lương Thanh Khư (SN 1945) là một trong những hộ dân thuộc diện di dời. Ông Khư chia sẻ, gia đình ông ở đây từ năm 1969, hiện đã dần xuống cấp. Gia đình chỉ mong di dời càng sớm càng tốt.

Ông Khư nói: “Đến nay, cũng đã hơn chục năm rồi, cơ quan chức năng chỉ đến đo đạc và mời họp mấy lần, nhưng lần nào cũng không ra gì vì trục trặc giá đền bù. Giá đưa ra thấp nên đa số các hộ không đồng ý. Bây giờ, cũng không mong mỏi gì cao sang nữa, chỉ muốn tỉnh cho một mảnh đất nào đó tái định cư, rồi đền bù tài sản là ngôi nhà cho gia đình tôi là được rồi. Với lại, giờ muốn xây thêm gì cũng khó, vì xây sẽ cấm hoặc xây mà không đền bù, chỉ dám sửa chữa nhẹ”.

Theo ông Khư, lúc trước, gia đình ông có nuôi heo. Tuy nhiên, sau này vì sợ ô nhiễm đến trường học, ảnh hưởng các học sinh nên không nuôi nữa. Do đó, kinh tế cũng giảm sút.

nguoi-dan-dai-co-cho-di-doi-khoi-truong-hoc
Bà Loan muốn đi không được, mà ở cũng không xong.

Cạnh nhà ông Lương Thanh Khư, nhà bà Nguyễn Thị Hồng Loan (SN 1951) cũng trong tình cảnh tương tự.

Tại căn nhà của bà Loan, trời mưa thấm khiến nhà dột nhiều vị trí. Bà Loan muốn đi không được, mà ở cũng không xong.

Bà Loan nói: “Tôi ở một mình thôi, rất khổ. Trời mưa thì nhà dột, mưa to thì ngập vì đất ở đây thấp. Con tôi muốn xây thêm mà không ai cho, vì đây là nhà tập thể do nhà nước xây cho. Bây giờ chỉ mong có chỗ ở mới càng sớm càng tốt. Lâu lâu các em học sinh cười đùa to cũng nhức đầu nữa”.

Theo ghi nhận, các ngôi nhà bên trong khuôn viên trường này đã bị xuống cấp nặng. Bức tường rào của ngôi trường bao quanh các nhà, xung quanh nhếch nhác. Nhiều nhà hư hỏng một số bộ phận như tường, cột bê tông, mái che. Trong khi đó, tiếng học sinh nô đùa và tiếng thầy giáo giảng bài vẫn cứ vang vỏng bên tai.

Vào đầu năm học mới vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra tại trường THPT Gia Hội, yêu cầu các ban ngành có liên quan sớm di dời, tái định cư cho các hộ dân và có phương án bàn giao mặt bằng, xây dựng đầy đủ các thiết chế cơ bản phục vụ việc dạy và học cho trường...

Trao đổi về vấn đề này, thầy Lê Triều Sơn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Gia Hội chia sẻ, dù đã là trường đạt chuẩn Quốc gia, nhưng hiện nhà trường vẫn đang thiếu diện tích để xây dựng các hạng mục, trong khi ngay tại khuôn viên trường lại tồn tại 4 hộ dân đang sinh sống… dẫn đến những bất cập.

nguoi-dan-dai-co-cho-di-doi-khoi-truong-hoc
Những căn nhà đang xuống cấp do chậm di dời.

Thầy Sơn nói: “Chủ trương di dời đã đưa ra hơn 10 năm và ai cũng muốn đi, tránh lo âu. Nhà trường mong muốn Sở GD&ĐT sớm tham mưu cho chính quyền các cấp để di dời, tạo cho người dân có chỗ ở mới. Khi đó, nhà trường cũng có quỹ đất đễ xây dựng các khu vui chơi rèn luyện kĩ năng cho các em, hoặc xây thêm các phòng học mới phục vụ cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu và các hoạt động ngoài giờ. Thiết nghĩ, hiện tại đang có đề án di dời dân cư ở Kinh thành Huế nên cũng có thể đưa các hộ ở đây vào đề án đó tạo sự tiện lợi”.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh. Hiện, công tác giải phóng mặt bằng, di dân ở các hộ trong khuôn viên trường THPT Gia Hội đã có phương án. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên chưa thể thực hiện được.

“Sau khi có kinh phí và đền bù, giải tỏa xong cho các hộ dân nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài, Sở sẽ sắp xếp lại khuôn viên trường THPT Gia Hội cũng như tham mưu tỉnh có dự án đầu tư xây mới hoàn toàn cho trường này, trên nền đất cũ”, ông Tân nói.