Thắm mãi những hình ảnh 'người lái đò' hết mình trong công tác vận động hiến máu

Thứ hai, 20/11/2017, 09:55 AM

Họ đều là giáo viên, là những người hàng ngày miệt mài với con chữ, truyền đạt cho học trò những tri thức nhưng không hề thờ ơ với các hoạt động cộng đồng. Với họ, việc hiến máu cứu người như là hành động tô đẹp thêm cho “nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”.

Được hiến tặng một đơn vị máu là điều hạnh phúc

Trong nhiều năm qua, các sinh viên trường Đại học Ngoại thương luôn cảm thấy ấn tượng với hình ảnh cô giáo PGS.TS Đào Thị Thu Giang - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường - người luôn ân cần, niềm nở chào đón các sinh viên đến tham dự ngày hội hiến máu tình nguyện do trường tổ chức.

PGS.TS Dao Thi Thu Giang
Cô Đào Thị Thu Giang - người truyền lửa trong những hoạt động hiến máu.

Không chỉ động viên tinh thần các sinh viên của mình, cô luôn là một trong những người hiến máu đầu tiên. “Hạnh phúc luôn là đích đến trong cuộc đời mỗi con người, mỗi người chọn cho mình một con đường để đến với hạnh phúc. Với tôi, được hiến tặng một đơn vị máu cho người bệnh, được cùng sinh viên của mình tham gia hoạt động ý nghĩa này cũng là một điều vô cùng hạnh phúc”, PGS.TS Đào Thị Thu Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô giáo Đào Thị Thu Giang còn liên tục vận động, tuyên truyền nhiều thầy cô giáo khác trong trường cùng tham gia hiến máu. “Hình ảnh PGS.TS Đào Thị Thu Giang, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng và rất nhiều thầy cô giáo khác cùng tham gia hiến máu trong các chương trình hiến máu tại trường đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng chúng em. Chính hình ảnh các thầy cô tham gia hiến máu đã truyền cảm hứng, khích lệ tinh thần các bạn sinh viên, nhờ đó mỗi chương trình hiến máu đã có hàng nghìn người tham gia, đã thực sự là một “Ngày hạnh phúc” đối với cả thầy và trò trường ĐH Ngoại thương” - Bạn Nguyễn Thu Thùy – Nguyên Chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.

Cô giáo với hơn 20 năm hiến máu cứu người

Hiến máu lần đầu tiên từ những năm 1995 khi còn là sinh viên, cho đến nay cô giáo Lê Thị Ngọc Thắm – Giáo viên Ngữ văn trường THCS thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đã có hơn 20 năm đồng hành cùng phong trào hiến máu và trực tiếp hiến máu trên 50 lần.

Với cô giáo Lê Thị Ngọc Thắm thì hiến máu là một việc làm đơn giản đối với người hiến nhưng mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống còn của người bệnh cần truyền máu. “Nhiều năm trước, tôi được chứng kiến sự nguy kịch của một đồng nghiệp của mình khi thiếu máu để truyền, rồi sau đó cũng được chứng kiến nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ được truyền máu kịp thời. Tôi càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc hiến máu và tự nhủ mình phải luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt để tiếp tục hiến máu sau này”, cô giáo Lê Thị Ngọc Thắm chia sẻ.

CO giao Le Thi Ngoc Tham
Cô giáo Lê Thị Ngọc Thắm đã hơn 50 lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, có lẽ chính hình ảnh cô giáo Lê Thị Ngọc Thắm với hơn 20 năm đồng hành cùng phong trào hiến máu, hơn 50 lần tham gia hiến máu tình nguyện sẽ là hình ảnh đẹp nhất về tình yêu thương con người, về sự nhân ái, sẻ chia biết sống vì mọi người mà cô giáo Thắm muốn truyền tải đến các thế hệ học trò của mình.

'Thầy giáo già' hơn 10 năm vận động hiến máu

Trong nhiều năm trở lại đây phong trào hiến máu tình nguyện tại phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, TP Hà Nội) ngày càng phát triển và luôn là một trong những phường có kết quả tốt nhất của quận Long Biên, trung bình mỗi năm cán bộ và nhân dân phường hiến tặng gần 300 đơn vị máu cho người bệnh.

Để có được kết quả như vậy là nhờ có sự đóng góp rất to lớn của thầy giáo Dương Văn Biển – Cựu giảng viên trường ĐH Dược Hà Nội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Ngọc Lâm. Khi nghỉ hưu, thầy giáo Dương Văn Biển được nhân dân tin yêu, chính quyền tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường trong suốt hơn 10 năm qua.

“Trong các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thì hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động quan trọng nhất, chỉ tiêu vận động hiến máu liên quan đến việc giúp cứu mạng sống của biết bao bệnh nhân nên tôi càng đặc biệt coi trọng…”, Thầy Dương Văn Biển chia sẻ.

Thay giao Duong Van Bien
Thầy giáo Dương Văn Biển (bên phải) hơn 10 năm đảm nhiệm công tác vận động hiến máu tại địa phương.

Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua, mỗi người dân đã quen với việc thầy giáo Dương Văn Biển và các hội viên Chữ thập đỏ đến từng khu phố, từng nhà dân trong phường để tuyên truyền cho mọi người biết và hiểu về hiến máu. Để nhiều người có cơ hội được hiến máu, đều đặn mỗi năm phường Ngọc Lâm tổ chức hiến máu hai lần.

Thầy Biển hiểu rất nhiều người dân kinh doanh buôn bán tại khu phố Ngọc Lâm – Khu phố sầm uất nhất phường rất nhiệt tình với phong trào nhưng khó thu xếp thời gian để lên UBND phường hiến máu, do vậy từ năm 2012 đến nay, thầy Biến đã phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu TW triển khai mô hình “Tuyến phố hiến máu”, tổ chức hiến máu ngay tại Vườn hoa Ngọc Lâm để tạo điều kiện cho rất nhiều người được tham gia hoạt động nhân văn này. Hình ảnh người thầy giáo với mái đầu bạc luôn nhiệt tình với phong trào hiến máu đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với mỗi cán bộ và người dân phường Ngọc Lâm.

Trên đây chỉ là ba câu chuyện của ba thầy giáo, cô giáo, mỗi người một vị trí khác nhau, có thể là một giáo viên cấp THCS, có thể là một PGS.TS lãnh đạo trường đại học nổi tiếng, có thể là một giảng viên đã nghỉ hưu…nhưng họ đều có điểm chung là luôn tâm huyết, trách nhiệm với phong trào hiến máu tình nguyện.

Tấm gương ba thầy cô cùng hàng ngàn các thầy giáo, cô giáo khác trong khắp cả nước từ địa đầu Móng Cái đến Đất Mũi Cà Mau đã, đang và sẽ luôn ủng hộ phong trào hiến máu, tích cực tham gia hiến máu, vận động hiến máu cứu người sẽ mãi là những hình ảnh đẹp nhất, mang lại nhiều cảm xúc nhất đến các học trò của mình bài học về sự sẻ chia, lòng nhân ái, yêu thương con người.

 

Ở Hà Nội có một lớp học về đêm, 150 'nhà giáo' cho đi kiến thức, nhận lại tình yêu thương

Qua 4 năm duy trì mô hình dạy học từ thiện của 150 "nhà giáo tương lai" đã giúp nhiều thế hệ trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn làm chủ kiến thức trong học tập.