Nợ phải trả của PVTrans hơn 5.000 tỷ đồng và khối tài sản 'đáng mơ' của Tổng giám đốc Phạm Việt Anh

Thứ năm, 05/03/2020, 13:20 PM

Vốn chủ sở hữu của Tổng công ty cổ phần vận tải Dầu khí-PVTrans hiện có hơn 5,6 ngàn tỷ đồng nhưng nợ phải trả đã lên con số 5,3 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản cá nhân "được cho" là của Tổng giám đốc Phạm Việt Anh khiến nhiều người phải “thèm thuồng”.

Ông Phạm Việt Anh sinh ngày 07/05/1971. Từ tháng 12/2010 đến nay, ông đảm nhận cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans).

Ông Phạm Việt Anh sinh ngày 07/05/1971. Từ tháng 12/2010 đến nay, ông đảm nhận cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans).

“Con nợ” hàng loạt ngân hàng

Vốn hóa của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) hiện ở con số 3,37 ngàn tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của PVT có giá hơn 12 ngàn đồng/cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính mới nhất của PVT, hiện doanh nghiệp này có tổng vốn chủ hữu là 5,68 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 2,8 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả đã lên con số hơn 5,3 ngàn tỷ đồng tăng hơn 320 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Nợ ngắn hạn của PVT là 2,3 ngàn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 800 tỷ đồng.

Nợ dài hạn của doanh nghiệp này là hơn 3 ngàn tỷ đồng, trong đó vay và nợ cho thuê tài chính 2,6 ngàn tỷ đồng.

PVT hiện đang là “con nợ” của một loạt ngân hàng thương mại.

Cụ thể, trong khoản vay ngắn hạn 812 tỷ đồng, PVT đang nợ của: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) là 127 tỷ đồng, Ngân hàng Citibank là 227 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là 111 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 85 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Sinhanbank Việt Nam là 119 tỷ đồng. Ngoài ra, PVT còn nợ rải rác hàng trăm tỷ đồng ở các ngân hàng: Agribank (16 tỷ đồng), VPBank (12 tỷ đồng), MBBank (16 tỷ đồng), Vietcombank (26 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (68 tỷ đồng)….

Trong khoản vay dài hạn 2,6 ngàn tỷ đồng, PVT nợ của: Pvcombank số tiền 455 tỷ đồng, Citibank là 202 tỷ đồng, PVN là 305 tỷ đồng, TPBank là 459 tỷ đồng, Agribank là 51 tỷ đồng, VPBank là gần 90 tỷ đồng, MBBank là 15 tỷ đồng, OCB là 544 tỷ đồng, Shinhanbank là gần 500 tỷ đồng…

Bỏ quên 3,5 tỷ đồng của Oceanbank

Quá trình mở rộng điều tra vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm chiếm đoạt tiền “lãi ngoài” của ngân hàng Oceanbank, ngày 24/10/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản 5188/C03-P15 gửi PVI, xác định PVTrans đã được các bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm chi tiền “chăm sóc khách hàng”.

Đến ngày 5/11/2019, tại văn phòng PVTrans, một số lãnh đạo của công ty đã lập biên bản về sự việc “giao nộp 3,5 tỷ đồng lãi ngoài của Ngân hàng Oceanbank cho cơ quan công an”.

Tuy nhiên, biên bản lại được lập với nội dung như sau: Sau khi rà soát về việc có ai bỏ quên, thất lạc khoản tiền 3,5 tỷ đồng tại Ban tài chính kế toán ngày 30/9/2019, chúng tôi báo cáo về kết quả xác minh nguồn gốc số tiền như yêu cầu của Công văn số 443 ngày 01/11/2019 của Tập đoàn kèm theo kiến nghị việc nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT. Kết quả rà soát cho thấy số tiền 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/09/2019 không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thuộc PVTrans.

Trong khi đó, thông qua các thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, trong giai đoạn 2011-2014 rất nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí giao dịch tiền gửi tại Oceanbank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền “chăm sóc khách hàng” và nhiều đơn vị đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT.

Trước đó, ngày 30/9/2019, tại Ban Tài chính Kế toán (TCKT) của PVTrans, các ông bà Nguyễn Linh Giang, Phó Tổng giám đốc PVTrans, ông Đỗ Đức Hùng, Trưởng Ban TCKT PVTrans, ông Lưu Trung Duy, Chủ tịch công đoàn PVTrans cùng nhau lập biên bản chứng kiến sự việc như sau: “Vừa qua, để sắp xếp lại chỗ làm việc của ban, khi kiểm tra két quỹ và đối chiếu với sổ sách, Ban TCKT phát hiện một túi giấy bọc kín có tiền ở trong. Các cán bộ có tên trên mở ra kiểm đếm được số tiền trong bọc là 3,5 tỷ đồng. Sau khi rà soát, xác định số tiền này không có trong sổ sách và kiểm tra với các cán bộ liên quan thì không ai rõ nguồn gốc tiền ở đâu và không biết ai nhận”.

Cũng theo nội dung biên bản, có thông tin phản ánh rằng số tiền này có thể là của ngân hàng trước đây khi làm việc với Ban TCKT có chính sách hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên đi tham quan nghỉ mát, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân viên. Nhưng vì tổng công ty không có chủ trương đi tham quan nên số tiền này không sử dụng và để nguyên.

Được biết, từ tháng 12/2010 đến nay ông Phạm Việt Anh đảm nhận cương vị Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans). Vì vậy, với khoản tiền 3,5 tỷ đồng Oceabank ít nhiều ông Phạm Việt Anh cũng biết rõ và có liên quan đến trách nhiệm.

Khối tài sản “đáng mơ” của Tổng giám đốc Phạm Việt Anh

Trái ngược với tình hình nợ nần của PVTrans, tài sản cá nhân “được cho” là của ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVTrans lên đến cả trăm tỷ đồng với nhiều căn biệt thự ở TP.HCM, Vũng Tàu… Ông Việt Anh cũng được nhiều tờ báo cho rằng, đã kê khai “không trung thực”, “giấu giếm” về tài sản cá nhân của mình với tổ chức.

Báo Xây dựng cho rằng, ông Phạm Việt Anh được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PVTrans từ năm 2010. Ông Phạm Việt Anh cũng là người đại diện phần vốn Nhà nước tại PVTrans. Nguồn tiền nào để gia đình Tổng Giám đốc PVTrans sở hữu khối tài sản nhiều trăm tỷ cũng đang là chủ đề mà dư luận quan tâm.

Còn Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư Pháp) thông tin, căn biệt thự số 49 Hưng Thái 2 - R2 đường Nội khu (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) được vợ chồng Tổng Giám đốc PVTrans mua năm 2015. Căn biệt thư này rộng tới 467m2 và đây là nơi ăn ở chính của ông Phạm Việt Anh.

Trong “Bản kê khai tài sản, thu nhập” các năm 2016, 2017, 2018 gửi tổ chức nơi ông Phạm Việt Anh công tác, ông Phạm Việt Anh khai mua căn biệt thự trên với giá 10 tỷ đồng. Thế nhưng tại Hợp đồng mua bán căn biệt thự này lại thể hiện việc ông Phạm Việt Anh mua căn biệt thự với giá 27,3 tỷ đồng (thời điểm 2015). Vì sao ông Phạm Việt Anh lại phải khai thụt số tiền mua căn biệt thự nêu trên?

Báo Pháp Luật Việt Nam cũng thông tin thêm, các bản kê khai tài sản, thu nhập, ông Phạm Việt Anh còn khai đang sở hữu căn biệt thự số 83 Hưng Thái 2, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh rộng 240m2. Giá thị trường căn biệt thự này hiện nay cũng trên 30 tỷ đồng.

Báo Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) thông tin, gia đình ông Phạm Việt Anh còn được biết đến là chủ sở hữu mảnh đất 480m2 tại phường An Phú (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh). Trên thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, mảnh đất tương tự như thửa đất mà gia đình ông Phạm Việt Anh sở hữu được rao bán với giá gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Phạm Việt Anh còn sở hữu một loạt bất động sản giá trị khác như: Căn nhà số 04 phố Kha Vạn Cân, thành phố Vũng Tàu rộng 132m2; căn nhà mặt phố số 35D, đường 30/4, thành phố Vũng Tàu; căn hộ chung cư cao cấp Grandview Phú Mỹ Hưng (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh)…

Trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại địa chỉ số 37E, phố Huyền Trân Công Chúa do UBND thành phố Vũng Tàu cấp cho gia đình ông Phạm Việt Anh thì căn nhà mặt phố này rộng trên 100m2 và cũng nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Vũng Tàu. Tuy nhiên, tại các bản kê khai tài sản, thu nhập trong nhiều năm ông Phạm Việt Anh đã “quên” không kê khai tài sản, báo cáo tổ chức theo quy định.

Báo Pháp luật Việt Nam cũng thông tin, từ năm 2016 đến năm 2018 bố mẹ đẻ ông Phạm Việt Anh đứng tên sở hữu nhiều biệt thự sang trọng như: Biệt thự số 10 đường G (khu Mỹ Phú 2 - S10 - 1), khu phố 6, phường Tân Phong, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 284m2; Căn biệt thự này cũng có giá trị trên 40 tỷ đồng. Biệt thự số 23 đường Mỹ Giang 2B, KP. Mỹ Giang 2, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh với giá trị hiện tại gần 20 tỷ đồng. Căn hộ số 5.10 Lô A, chung cư cao cấp 91 Nguyễn Hữu Cảnh (The Manor), phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh cũng do bố mẹ đẻ ông Phạm Việt Anh đứng tên...

Chúng tôi tin rằng, tài sản là hàng chục căn biệt thự, nhà phố, chung cư của ông Phạm Việt Anh và gia đình là hoàn toàn minh bạch, có thể là công sức, "mồ hôi" lao động trong suốt nhiều năm liền của ông và những người trong gia đình. Việc không khai báo tài sản với tổ chức như quy định, có thể ông đã "vô tình" quên!

Bài liên quan