Thứ sáu, 07/09/2018, 15:11 PM
  • Click để copy

PGS Trần Xuân Nhĩ: 'Nhiều người từng nhờ xin học chương trình của giáo sư Hồ Ngọc Đại'

PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, từng có nhiều người nhờ ông xin cho con cái vào Trường Thực nghiệm để học chương trình Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

pgs-tran-xuan-nhi-nhieu-nguoi-tung-nho-xin-hoc-chuong-trinh-cua-giao-su-ho-ngoc-dai
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thì không nên ném đá những nhà khoa học đam mê.

Những ngày qua, câu chuyện về việc học và dạy theo sách công nghệ giáo dục (cải cách Tiếng Việt) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gây ra cuộc tranh cãi lớn trong dư luận. Ý kiến lo lắng, phản đối rất nhiều song ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng không hề ít. Tranh cãi vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để cung cấp cho bạn đọc góc nhìn khách quan, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá, Giáo sư Hồ Ngọc Đại là một người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, muốn mang những cái mới vào giáo dục để giúp học sinh học tốt hơn.

Trong trí nhớ của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, thời còn công tác ông được rất nhiều người nhờ vả xin vào học tại Trường Thực Nghiệm để học chương trình công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

"Lúc bấy giờ Giáo sư Hồ Ngọc Đại (cha đẻ của mô hình Công nghệ giáo dục) còn công tác, vì là áp dụng Công nghệ giáo dục vào giảng dạy nên gọi là trường Thực Nghiệm. Lúc ấy, chỉ Thực Nghiệm ở trường đó và có nhiều người muốn vào học và cũng nhờ tôi xin cho vào đó học", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, chương trình Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại được trường Thực Nghiệm ở Hà Nội đưa vào giảng dạy từ hàng chục năm nay và có không ít những người từ đây thành đạt, làm rạng danh cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, tiêu biểu như: Giáo sư Ngô Bảo Châu... "Vì vậy, có thể thấy việc học và dạy theo Công nghệ giáo dục đã cho hiệu quả", ông Nhĩ nói.

pgs-tran-xuan-nhi-nhieu-nguoi-tung-nho-xin-hoc-chuong-trinh-cua-giao-su-ho-ngoc-dai
Vụ việc các phụ huynh xô đổ cổng Trường Thực Nghiệm để mua đơn cho con vào lớp 1 hồi năm 2012, gây xôn xao.

Không đưa ra đánh giá cụ thể về chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sau những clip "trẻ con đọc ô vuông, hình tam giác vanh vách nhưng không biết đánh vần" được lan truyền trên mạng xã hội, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Bất kỳ nghiên cứu khoa học nào ra đời đều sẽ có những ưu, nhược điểm và cần khắc phục".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không hề giống với nghiên cứu cải cách chữ tiếng Việt của PGS Bùi Hiền và việc dân mạng đánh đồng hai nghiên cứu này là một là không đúng.

"Một cái là đề xuất cải cách hoàn toàn chữ viết còn một cái là Công nghệ giáo dục nhằm cải cách phương pháp dạy và học hướng đến cho học sinh phát âm, đánh vần nhanh, chính xác hơn", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, theo đề xuất cải cách hoàn toàn chữ viết của PGS Bùi Hiền thì thay đổi hoàn toàn chữ viết và nếu áp dụng theo đề xuất này thì toàn dân mù chữ. Hoặc đề xuất gộp chữ C, K, Q đánh vần là C thì không hợp lý. "Theo tôi cái gì đã là tinh túy, đã là phổ biến, thông dụng thì không nên đề xuất thay đổi. Ví dụ: Tổ Quốc thay thành Tổ Cuốc thì tôi nghĩ trái khoáy lắm", ông Nhĩ nói thêm.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng chia sẻ, việc một cuốn sách giáo khoa hay một nghiên cứu giáo dục được đưa vào giảng dạy đều sẽ có một hội đồng của Bộ GD&ĐT đảm nhiệm ."Do đó trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT cũng như cơ quan chức năng còn cá nhân các chuyên gia, giáo sư chỉ là những người đam mê, mong muốn góp sức lực phát triển ngành giáo dục nước nhà vì vậy dư luận không nên ném đá", Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kết luận.