Sống kham khổ bên nước lũ

Thứ sáu, 13/11/2020, 14:33 PM

Những đôi chân, cánh tay của bà con “rốn lũ” dường như đã mệt mỏi, đau nhức sau thời gian hơn 1 tháng trời phải chèo ghe thuyền, lội bì bõm trong “biển nước”…

Nước lũ lênh láng nhà dân. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Nước lũ lênh láng nhà dân. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Bão lũ dồn dập, mưa to liên tục ở Thừa Thiên Huế đã khiến nhiều nơi có nước lụt đợt trước chưa kịp rút đã phải nhận tiếp hậu quả ở đợt sau. 4 - 5 đợt nối đuôi nhau như vậy khiến nhiều thôn, xóm của “rốn lũ” huyện Quảng Điền ngâm mình trong nước hơn 1 tháng trời.

Giờ đây, bốn bề ở vùng trũng huyện Quảng Điền là màu nước bạc của nước lũ đổ về vào tối 11/11. Nước lũ ở hạ du con sông Bồ tăng chầm chậm theo tiếng chảy ào ào. Để rồi, nước lũ nhanh chóng ôm trọn “rốn lũ” của mảnh đất tỉnh Thừa Thiên Huế vào lòng. Chỉ tay vào ngấn nước còn in hằn trên bức tường của ngôi nhà, ông Lê Cư (ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) giọng trầm buồn nói: “Nước lũ nó vô rồi lại ra liên tục như vậy. Đợt lũ vào ngày 9/10 khiến nhà tôi ngập sâu trong nước, nước vào tôi hơn 1 mét, cao ngang cửa sổ, bức vách tường nhà bị sụp đổ… Còn lũ đợt này, nước ngập khoảng nửa mét”.

Bốn bề là nước. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Bốn bề là nước. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Bên trong ngôi nhà ẩm thấp và chật hẹp của ông Cư, xe máy, giường, tủ áo quần, chén bát… nằm ngỗn ngang khắp nơi, chỉ còn không gian đủ để người trong gia đình đi lại. Những bữa cơm sớm dường như đã trở thành thói quen của người dân vùng lũ nơi đây. Phía trên là bàn ăn với những món ăn đơn giản ngày lũ, dưới gầm bàn là nước lũ đang bủa vây. Lúc chúng tôi đến nhà vào chập tối, những thành viên trong gia đình ông Cư đang quây quần bên nhau, cùng nhau ăn cơm sau một ngày lội bì bõm trong nước lũ.

Không chỉ ngôi nhà của ông Cư, nhiều nhà ở thôn Xuân Tùy - “rốn lũ” của xã Quảng Phú - cũng đã bị nước lũ “tấn công”, ồ ạt chảy vào nhà. Nước lũ nhanh chóng đi vào từng ngõ ngách trong ngôi nhà, khiến người dân phải quần quật kê đồ đạc lên cao. Chiếc bếp ga và bình ga luôn là vật dụng được người dân đưa lên cao để nấu ăn trong những ngày lũ lụt.

Những ánh mắt trong mùa lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Những ánh mắt trong mùa lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Chưa bao giờ người dân ở vùng lũ đã và đang sống kham khổ cùng với lũ lụt lâu đến như thời điểm này. Những bàn chân bị lở ghẻ đau đớn, bữa ăn mỳ tôm, đêm sống trong bóng tối hay hình ảnh các mẹ các dì đem áo quần ra trước ngõ để giặt giũ… đã trở thành quen thuộc đối với người dân.

Nhìn ra dòng nước lũ, bà Hoàng Thị Tía (ở thôn Xuân Tùy) tâm sự: “Trong đợt lũ đầu tiên vào tháng 10, nước lũ vào nhà hơn 1 mét, rồi ngâm nhiều ngày. Lúc đó, điện thì bị mất, nước cũng mất. Tôi phải ăn mỳ tôm sống. Cuộc sống ở vùng lũ thật khó khăn…”.

Sinh hoạt dưới nước lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Sinh hoạt dưới nước lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

37 ngày nước lụt hiện diện trên vùng đất thôn Xuân Tùy, người dân nơi đây chưa thấy ngày nào nước lụt rút hết trên các mặt đường trong làng. Đỉnh điểm, có lúc nước rút còn tầm dưới 10cm ở vài khu vực, còn lúc cao nhất cũng phải trên 2,3 mét, gần 100% ngôi nhà của 189 hộ dân nơi đây đều ngâm trong nước, chỉ cách mức nước lũ lịch sử năm 1999 tầm 20cm.

Nước lũ dâng cao, ghe thuyền trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vùng lũ trong thời gian qua. Những chiếc ghe có mặt trên mảnh đất này như chiếc phao cứu sinh của người dân rốn lũ.

Giặt giũ trong mùa lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Giặt giũ trong mùa lũ. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Những ngày này, ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Nhiều vùng bị ngập lụt, chia cắt. Dù đến ngày 13/11, nước lũ đang rút chậm, nhưng nhiều thôn ở các xã Quảng An, Quảng Thành… vẫn còn bị chia cắt, ngập trong thứ nước màu vàng đục.

Nói về tình hình ngập lũ ở địa phương, ông Trần Quốc Thắng - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - cho hay, cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn khi bị ngập lụt trong nhiều ngày qua. Cũng theo ông Thắng, xung quanh các xã như Quảng Phước, Quảng Thành… ngập trong nước lũ nên người dân chưa thể làm ăn cũng như sinh hoạt trở lại bình thường.

Mỗi ngày trôi qua, người dân chốn hạ du con sông Bồ tiếp tục đối diện với nước lụt. Họ chưa thể biết đáp án của câu hỏi “khi nào nước lụt mới rút hết đây?”.

CLIP nước ngập nhà dân:

Bài liên quan