Tài chính thế giới chao đảo vì dịch viêm phổi do virus Corona

Thứ ba, 28/01/2020, 07:29 AM

Số người chết vì viêm phổi gia tăng và dịch lan rộng, giới phân tích dự báo các thị trường tài chính sẽ tiếp tục đi xuống.

Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm hơn 1%, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 1,84% - Ảnh: AFP

Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm hơn 1%, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 1,84% - Ảnh: AFP

Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong, vốn đã bị chèn ép bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, là thị trường giảm mạnh nhất trong tuần qua với biên độ 3,8%. Theo sau là CSI 300 của Trung Quốc giảm 3,5%. Các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, những quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán, cũng chìm trong sắc đỏ.

Tại Mỹ, các chỉ số chủ chốt đều giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Sáu sau khi các quan chức y tế báo cáo về trường hợp nhiễm virus corona thứ hai.

Lo ngại về khả năng dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế đã khiến phố Wall chịu ảnh hưởng tiêu cực, chỉ số công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite cùng ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong năm 2020. Dow Jones và S&P 500 giảm ít nhất 1%, còn Nasdaq Composite mất 0,8%. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi trên thị trường, trong phiên cuối tuần đã tăng lên trên 15, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019.

Cổ phiếu các hãng hàng không và các nhà sản xuất hàng xa xỉ chịu áp lực mạnh. Cổ phiếu của Air France và British Airways giảm xấp xỉ 6% trong tuần qua, trong khi Burberry, Richemont và LVMH - các nhà sản xuất hàng xa xỉ phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng tại Trung Quốc - giảm hơn 4%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các doanh nghiệp châu Á sản xuất găng tay cao su và các thiết bị y tế đều giao dịch tích cực.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế chậm hơn trước khi dịch bệnh bùng phát và đồng nhân dân tệ có thể chịu nhiều áp lực hơn nếu sự bùng phát của virus này tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh, đi lại và chi tiêu của người tiêu dùng. 

Trên thị trường tiền tệ, lo ngại về virus corona đã hỗ trợ đồng yên, đồng tiền được coi là nơi trú ẩn an toàn vì Nhật Bản là nước chủ nợ ròng có bảo đảm. 

Đồng yen Nhật đã mạnh lên 0,5%, lên mức 108,73 yen đổi 1 USD, đây là tỉ giá cao nhất trong hơn 2 tuần qua. 

Đồng euro đứng ở mức 1,1033 euro đổi một USD, giảm sâu nhất trong vòng 8 tuần qua từ mức 1,1019 euro đổi 1 USD của ngày 24/1. 

Đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 0,3% xuống còn 6,9625 NDT đổi 1 USD. Đây là tỉ giá thấp nhất của đồng tiền này kể từ tháng 8/2019. 

Coronavirus cũng có tác động tới thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh minh họa

Coronavirus cũng có tác động tới thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh minh họa

Tâm lý lo lắng về những ảnh hưởng đến nền kinh tế do virus corona cũng gây áp lực với giá dầu và giá cả các hàng hoá khác, trừ thị trường vàng. 

Hợp đồng tương lai đối với dầu thô ngọt nhẹ ở Mỹ West Texas Intermediate (WTI) giảm hơn 3%, xuống mức thấp nhất trong 3,5 tháng qua, còn 52,15 USD/thùng trong các giao dịch sớm.

Giá trái phiếu kho bạc Mỹ, một kênh đầu tư an toàn tăng lên, đẩy lợi suất giảm xuống. Lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 tháng qua là 1,627% trong giao dịch sớm ở châu Á.

Theo hãng thông tấn nhà nước SPA, trong một tuyên bố ngày 27/1, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết tác động của dịch bệnh do corona đối với nhu cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới là "rất hạn chế".

Theo ông, yếu tố tâm lý có những tác động nhất định tới thị trường toàn cầu nói chung, trong đó có thị trường năng lượng. Tuy nhiên, điều này không kéo dài và ông viện dẫn dịch bệnh Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 đã không thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman tuyên bố các cơ quan chức năng nước này sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và sẽ cùng với các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đưa ra các điều chỉnh sản lượng phù hợp trong trường hợp cần thiết.

Saudi Arabia hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và Trung Quốc là khách hàng lớn của nước này.

Cùng với Trung Quốc, các quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất ở châu Á - bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc - đều phụ thuộc vào Trung Đông, vì khu vực này cung cấp gần 50% tổng nhu cầu dầu thô của họ. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ - các quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới với nhu cầu dầu tăng nhanh nhất.

Bài liên quan