Bản án nào cho bác sĩ Hoàng Công Lương?
Theo dự kiến đúng 14h chiều nay (5/6), HĐXX Tòa án nhân dân TP Hòa Bình sẽ tuyên án đối với bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong. Trước đó, qua 12 ngày xét xử, phiên tòa đã để lại nhiều dấu ấn.

Từ ngày 15/5 – 30/5, Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình mở phiên tòa công khai xét xử sự cố chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Ba bị cáo trong phiên xét xử gồm Hoàng Công Lương (SN 1986, đơn nguyên Thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình ), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ phòng Vật tư, BVĐK tỉnh Hòa Bình). Cả 2 cùng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người".
Qua 12 ngày xét xử phiên tòa để lại rất nhiều vấn đề đáng chú ý. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 5/6 tới đây.
Sự vắng mặt suốt phiên tòa của cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương và sự “mất tích” dần đều của nhân chứng, người liên quan.
Mặc dù được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng ông Trương Qúy Dương - cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không có mặt trong suốt phiên tòa. Theo tìm hiểu của chúng tôi từ trước phiên xét xử một tháng (3/4-PV), ông này đã xuất cảnh sang đất nước Ca-na-đa để chăm sóc cháu ngoại.
Người được ông Dương ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa là ông Đỗ Quốc Quyền. Thế nhưng sau ngày đầu tiên có mặt tại phiên tòa, người ủy quyền của ông Dương lại bất ngờ có đơn xin vắng mặt với lý do bất cẩn bị ngộ độc thức ăn gây bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, không thể đến phiên tòa.
Tiếp theo là sự vắng mặt “dần đều” hết sức kỳ lạ của hàng loạt nhân chứng, người liên quan trong tuần đầu phiên xử mà chúng tôi đã phản ánh.
Đó là việc vắng mặt của ông Trần Văn Thắng (Trưởng Phòng vật tư y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình); ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa HSTC Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; ông Đinh Tiến Công – Điều dưỡng trưởng khoa HSTC; hai đồng nghiệp là bác sĩ cùng làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo với bác sĩ Lương là bác sĩ Huyền và bác sĩ Ninh. Sự vắng mặt hàng loạt này khiến luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bác sĩ Lương phải thốt lên: “Nếu họ không đến thì chúng tôi không biết hỏi ai, không thể tiếp tục xét xử…”.
Trong tuần thứ hai phiên tòa một số người này đã “khỏi bệnh” và có những lời khai hết sức bất ngờ.
Bác sĩ Lương liên tiếp sử dụng quyền im lặng vì không tin VKS
Trong ngày xét xử thứ hai (16/5), diễn biến phiên tòa hết sức bất ngờ với việc bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương liên tiếp sử dụng quyền im lặng trước khi Viện kiểm sát đề nghị xét hỏi. Bác sĩ Lương nói: "Trước khi phiên xử bắt đầu, thông qua báo chí, bị cáo đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện kiểm sát quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi Viện kiểm sát hỏi hai bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội".
Dừng lời một lúc, bác sĩ Lương nhắc lại: "Bị cáo xin được giữ quyền im lặng với những câu hỏi Viện kiểm sát dành cho bị cáo. Bị cáo không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội vì vậy bị cáo giữ quyền im lặng".

Chết người mới lập biên bản bàn giao máy móc
Cũng trong phiên xét xử thứ 2 ngày 16/5, HĐXX đã cho 2 bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện) và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) đối chất về biên bản bàn giao thiết bị hệ thống lọc nước RO ghi ngày 28/5/2017 có chữ ký của cả hai người.
Bị cáo Quốc tỏ ra bất ngờ và khẳng định không ký bất cứ biên bản bàn giao thiết bị nào vào ngày đó. Đến lượt mình, bị cáo Sơn thừa nhận chữ ký dưới biên bản là của mình, chữ ký của phía đơn vị sửa chữa đúng là của Quốc, có điều biên bản này không được lập và ký đúng ngày 28/5/2017, mà là sau khi sự cố chết người xảy ra…
Thay đổi bất ngờ chỉ sau một đêm của HĐXX
Mở đầu phiên xét xử ngày 17/5, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) xin phép được hỏi chuyên gia Bùi Nghĩa Thịnh (là bác sĩ hồi sức cấp cứu, có tham gia chạy thận tại Bệnh viện Thủ Đức).
Tuy nhiên, HĐXX đã từ chối không cho phép luật sư Chiến hỏi bác sĩ Thịnh vì cho rằng xem xét hồ sơ vụ án thấy không cần thiết. Mặc dù, trước đó chiều 16/5 bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh đã được chấp nhận tâm thế trả lời các vấn đề về chuyên môn. Như vậy sau một đêm, phiên tòa đã có sự thay đổi, khiến người dân khá bất ngờ…
Theo luật sư Chiến, sự có mặt của bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh là để làm rõ các vấn đề chuyên môn có liên quan đến vụ án cũng như mở ra “cánh cửa” tìm công lý cho Hoàng Công Lương.
Nếu thay 4 màng lọc sẽ không chết người?
Cũng tại phiên xét xử sáng 17/5 trả lời câu hỏi của luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), bị cáo Bùi Mạnh Quốc – nguyên Giám đốc Công ty xử lý nước Trầm Anh cho biết đã từng đề nghị với bệnh viện thay cả 4 màng lọc RO trong hệ thống lọc nước nhưng không được đồng ý. Bệnh viện chỉ chấp nhận cho thay 2 màng lọc, tẩy rửa 2 màng còn lại.
Khi luật sư Thiệp hỏi "Nếu thay cả 4 màng lọc, bị cáo sẽ không phải dùng axit để tẩy rửa, như vậy sẽ không có ai chết?", Quốc trả lời là đúng.
“Nếu thay cả 4 màng lọc, giá sẽ tăng lên khoảng 10-12 triệu đồng”, Quốc nói và sau đó đồng ý với câu hỏi của luật sư Thiệp rằng “nếu không tiết kiệm 12 triệu đồng sẽ không có ai chết tức là chỉ 1,5 triệu đồng/người?"
Tỷ lệ ăn chia 1/9 và câu hỏi đơn nguyên thận nhân tạo có thành lập đúng luật?
Tại phiên tòa chiều 17/5, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn: “Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.
Luật sư tiếp tục công bố thông tin có trong hồ sơ: “Số tiền bên Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/1 ca chạy thận”. Ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỷ lệ phần trăm như thế nào ông không nắm được.
Phiên tòa ngày 18/5, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị được hỏi ông Đỗ Đình Vận xung quanh việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo.
Do không quản lý lĩnh vực này và thời điểm năm 2010 chưa làm lãnh đạo nên ông Vận nhờ Luật sư Nguyễn Danh Huế thay mặt Bệnh viện trả lời. Ông Huế thừa nhận giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế cấp cho bệnh viện trước đó bị thiếu phần lọc máu liên quan đến thận.
“Đến năm 2016 mới thay đổi giấy phép thì trong 6 năm đó bệnh viện hoạt động lọc máu dưới sự chỉ đạo của ai hay được cấp giấy phép nào khác không?”, Luật sư Phúc đặt câu hỏi. Luật sư Huế cho biết tất cả hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo được chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Giám đốc Trương Quý Dương. “Chắc chắn giấy phép này chưa đủ thì bệnh viện mới làm công văn xin Sở Y tế Hòa Bình cấp giấy phép hoạt động bổ sung thêm phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung chức năng lọc máu”, ông Huế nói.
Nghe vậy, Luật sư Phúc nói: “Như vậy từ 2010 bệnh viện đã thực hiện lọc máu nhưng đến 2016 mới được cấp phép?”, ông Huế trả lời: “Đúng vậy…”.
Công bố nạn nhân thứ 9 tử vong
Ngày thứ 4 phiên xét xử (18/5), LS Nguyễn Hoàng Trung (đại diện cho gia đình các nạn nhân) cho biết đã có thêm một nạn nhân tử vong, nâng tổng số người chết lên con số 9. "Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận là 9 người . Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia định nạn nhân thứ 9 và đã được HĐXX chấp thuận", luật sư Trung nói.
Đinh Tiến Công thừa nhận ghi thêm vào biên bản giao ban
Trở lại phiên xét xử chiều 21/5, sau khi vắng mặt ở các phiên xử trước, điều dưỡng Trưởng khoa HSTC Đinh Tiến Công đã đến tòa để trả lời xét hỏi.
Ông Công cho biết mình là thư ký ghi biên bản cuộc họp bình xét viên chức cuối năm 2015. Ông Công thừa nhận biên bản này đã bị thay đổi, chính ông đã ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương sau khi xảy ra sự cố chạy thận làm nhiều người tử vong.
Sau lời khai này, những người dự tòa đã vỗ tay rào rào, có người nói với lên: "Như vậy thì bác sĩ Lương vô tội rồi…".
Trong phiên tòa, không chỉ bị cáo Hoàng Công Lương phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra (CQĐT) mà một loạt nhân chứng là những điều dưỡng viên tại đơn nguyên thận có mặt tại tòa đều phủ nhận lời khai của họ tại CQĐT về việc phân công nhiệm vụ quản lý đơn nguyên Thận nhân tạo đối với Hoàng Công Lương. Những người này đều khai trước tòa không chứng kiến việc này và cam kết lời khai tại tòa là đúng sự thật.
Nhân chứng đồng loạt “bẻ” lời khai, mớm cung?
Bên cạnh việc phủ nhận lời khai tại CQĐT, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết thêm, từng được điều tra viên cho xem lời khai của trưởng khoa. Anh sau đó đã nhìn theo và viết lại y nguyên. Vì thế lời khai của Lương và ông Khiếu giống từng chữ và dấu câu được các luật sư ví là “lời khai sinh đôi”.
Ngoài Lương thì điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cũng nói đã được điều tra viên cho xem cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 bằng bản ảnh, để từ đó nữ điều dưỡng viên này khai bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Tuy nhiên, khi trả lời luật sư về lời khai của Lương, điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho hay, quá trình hỏi cung hoàn toàn đúng trình tự pháp luật và khách quan. Việc "lời khai sinh đôi", giống nhau chỉ là ngẫu nhiên…
Công bố lời khai của cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương
Trong ngày xét xử 22/5, HĐXX công bố lời khai của cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương, cụ thể là ông khai nhận có phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương. Nghe xong lời khai bác sĩ Lương đứng dậy phủ nhận toàn bộ nội dung này.
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị mức án 30 đến 36 tháng tù treo
Phiên tòa xét xử ngày 23/5, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương 30 đến 36 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, mức án của vị đại diện VKS công bố trước phiên toà là hoàn toàn không phù hợp với sự khách quan của vụ án, cũng như không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Luật sư chỉ ra lỗi đánh máy của Bộ y tế, tòa quay lại phần xét hỏi
Một tình tiết đặc biệt quan trọng trong vụ án được dư luận quan tâm đó là tại phiên xét xử ngày 28/5, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, trong văn bản Bộ Y tế trả lời Viện Kiểm sát tỉnh Hòa Bình có một lỗi nghiêm trọng góp phần định tội cho 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn.
Vị nữ luật sư nhận định, sau khi có thông tin về bộ câu hỏi cơ quan điều tra gửi, Bộ Y tế tự ý sửa một số câu hỏi, thêm yếu tố liên quan đến xét nghiệm AAMI vào câu hỏi. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan điều tra dựa vào đó để cho rằng, nếu 3 bị can trên không tiến hành hoặc không chờ kết quả AAMI mà cho chạy thận là có tội.
Vị nữ luật sư đưa ra dẫn chứng cụ thể, sau sự cố xảy ra, cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình đã gửi công văn đến Bộ Y tế gồm 6 câu hỏi, Bộ Y tế sau đó phúc đáp bằng công văn số 4342. Trong đó, có câu hỏi thứ 4 có nội dung: "Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?"
Tuy nhiên, trong công văn số 4342, sau khi đối chiếu luật sư phát hiện thấy xuất hiện thuật ngữ "AAMI" ở phần câu hỏi, tức là công văn này đã tự ý biên tập, chỉnh sửa so với câu hỏi gốc của CQĐT. Cụ thể, câu hỏi đã được chỉnh sửa thể hiện trong công văn số 4342 của Bộ Y tế là: "Có nhất thiết phải xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nước phù hợp với tiêu chuẩn AAMI hay không?"
Trong buổi họp báo vừa diễn ra hôm 4/6, đại diện Bộ Y tế một lần nữa khẳng định không có sự “mâu thuẫn” mà chỉ là trả lời khác nhau căn cứ vào hợp đồng sửa chữa của bệnh viện…

VKS đề nghị trả hồ sơ, luật sư đề nghị tuyên Hoàng Công Lương vô tội
Trả lời thẩm vấn trước toà ngày 29/5, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Nội dung hai công văn không khác nhau và cũng không mâu thuẫn mà chỉ do cách trả lời khác nhau”. Bản chất của xét nghiệm AAMI ở Việt Nam là tự nguyện. Tuy nhiên, trong công văn trả lời Công an Hoà Bình, ông đã dựa vào điều khoản trong hợp đồng sửa chữa thiết bị ngày 28/5/2017 giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn để hoàn thiện nội dung.
Vì hợp đồng có ghi phải xét nghiệm AAMI nên ông phúc đáp lại rằng “nhất thiết” phải xét nghiệm AAMI. Theo ông Quang, "nhất thiết" được hiểu là dựa vào điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên; nếu có thoả thuận thì bắt buộc phải xét nghiệm, còn không thì bỏ qua.
Trái ngược với quan điểm của đại diện Bộ Y tế, đại diện VKS cho rằng hai công văn trả lời của Bộ Y tế về việc có cần thiết xét nghiệm AAMI hay không đang có nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó, nội dung các công văn này ảnh hưởng trực tiếp đến tội danh bị truy tố của các bị cáo và trách nhiệm của những người khác có liên quan. VKS thấy rằng, ông Quang không nắm được nội dung này.
Bên cạnh đó, theo đại diện VKS, ở toà xuất hiện chứng cứ mới là vi bằng về cuộc đối thoại giữa bác sĩ Hoàng Công Tình (phó khoa hồi sức tích cực) và điều dưỡng viên Đinh Tiến Công.
Về vấn đề này, đại diện VKS cũng nhận thấy có dấu hiệu của việc hợp thức hoá tài liệu về phân công nhiệm vụ cho bác sỹ Lương sau khi xảy ra sự cố y khoa khiến 9 người chết. Vì thế để xác định có hay không việc hợp thức hoá cần phải làm rõ. Từ những căn cứ nêu trên, VKS đề nghị HĐXX xem xét việc trả hồ sơ vụ án để làm rõ sự thật khách quan.
Trong khi đó, Tại phiên xử sáng 30/5, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã phản đối việc VKS đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo luật sư Biên, không có căn cứ để VKS đề nghị trả hồ sơ vì khi xem xét về trách nhiệm thì Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT) và điều tra viên (ĐTV) phải chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn điều tra.
Với trách nhiệm của Cơ quan truy tố thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm. Đối với Tòa án khi xét xử công khai, trách nhiệm thuộc HĐXX và nghị án theo đa số, không có trách nhiệm của Chánh án.
Nên trong phạm vi trách nhiệm này không có căn cứ để trả hồ sơ. Theo khoản 1 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi và luận tội, nếu VKS thấy không có đủ căn cứ thì phải rút Quyết định truy tố và đề nghị tuyên bố vô tội. “Không phải thấy sai rồi thì trả lại hồ sơ”, luật sư Hoàng Ngọc Biên nói.
Đề nghị khởi tố hình sự ông Trương Quý Dương
Trong phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã nhiều lần đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông Trương Qúy Dương - cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về việc hợp đồng sửa chữa với Cty Thiên Sơn và dấu hiệu thông thầu.
Bên cạnh đó, đề nghị HĐXX khởi tố hình sự ông Trương Quý Dương về hành vi lợi dụng chức quyền, làm giả giấy tờ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo các luật sư, nhiều tài liệu, chứng cứ đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án một cách khó hiểu, dẫn đến có thể lọt người lọt tội; trong khi đó quá trình hỏi cung đối với các bị cáo, nhân chứng có dấu hiệu mớm cung, thông cung rõ rệt.
Hoàng Công Lương mặc màu áo xanh suốt phiên tòa
Một điểm không thể bỏ qua trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa đó là việc bị cáo Hoàng Công Lương ngoại trừ ngày đầu, mặc áo màu hồng tím thì những ngày sau đó luôn diện trên mình một màu áo xanh (xanh ngọc) khiến nhiều người thắc mắc.
Lý giải về việc này, Hoàng Công Lương cho biết: Màu xanh là màu tượng trưng cho hòa bình và công lý. Thông qua màu áo của mình anh mong muốn truyền đi thông điệp về công lý, hòa bình và tin rằng công lý sẽ được thực thi tại phiên tòa.
Mong muốn của bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương cũng chính là mong muốn người nhà 9 nạn nhân chết “oan ức” trong một vụ sự cố y khoa lịch sử đã xảy ra cách đây 1 năm. Và rộng hơn đó cũng chính là mong muốn của cả xã hội.
Hy vọng với những gì đã diễn ra, dư luận đang chờ một bản án được HĐXX tuyên đúng người, đúng tội không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trước đó.
Bộ Y tế họp báo trước ngày Tòa tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương tránh thông tin một chiều không khách quanChiều 4/6, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo thông tin sơ bộ về phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong. |
Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị xét xử khách quan bác sĩ Hoàng Công LươngTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi TAND TP Hòa Bình về việc xét xử khách quan đối với bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương, không làm oan người vô tội. |
Vì sao VKS đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bác sĩ Hoàng Công Lương?Khi đối đáp với các luật sư trong phiên tòa xét xử bác Hoàng Công Lương chiều 29/5, đại diện VKSND TP Hòa Bình đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung do xuất hiện tình tiết mới. |