Vụ nước sạch Hà Nội có mùi khét: Ăn nước chứa Clo 'quá tay' có thể gây ung thư?

Chủ nhật, 13/10/2019, 07:52 AM

Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, nếu trong công tác khử trùng nước mà cho dư Clo so với quy định thì người dùng sẽ ngửi thấy mùi nồng nồng, khó chịu, hay còn gọi là nước javen (nước tẩy). Việc ngửi mùi Clo trong phòng kín quá lâu, hoặc ăn uống trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, có thể gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy các tế bào hồng cầu, thậm chí có thể gián tiếp tạo ra bệnh ung thư.

Dân Hà Nội hoang mang vì nước sạch có mùi khét. (Ảnh: IT).
Dân Hà Nội hoang mang vì nước sạch có mùi khét. (Ảnh: IT).

Chưa rõ nguyên nhân nước sạch có mùi khét

Tin tức mới nhất liên quan đến vụ việc nước sạch ở Hà Nội có mùi lạ, mùi két lẹt... khiến nhiều người dân hoang mang.

Theo thông tin ban đầu, địa bàn phát hiện nước sạch có mùi lạ là nhiều chung cư, KĐT thuộc phía Tây Nam Hà Nội như các khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Hà Đông, Thanh Xuân...

Đến thời điểm hiện tại các bên liên quan vẫn đang tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm và chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào để người dân phòng tránh. Mặc dù vậy, nhiều người dân vì bảo vệ sức khỏe đã phải mua nước sạch nơi khác về để sử dụng.

Nhiều người cũng phán đoán rằng, có thể nguyên nhân việc khiến nước sạch có mùi khét là vì lượng Clo trong nước quá mức độ. Điều này cũng được đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông trả lời trên báo chí.

Theo đó, vị này nói rằng: "Ngay sau khi nắm được thông tin nước sinh hoạt bán cho các hộ dân bốc mùi lạ. Công ty đã liên hệ với bên cung cấp nước là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) để tìm hiểu thì được thông tin lại, mùi "lạ" ở nước có thể do trong quá trình vận hành đơn vị đã sử dụng lượng Clo quá quy chuẩn. Tuy nhiên để xác định được nguyên nhân chính thức phải đợi kết quả kiểm tra của Trung tâm kiểm soát bệnh tật".

Clo quá nhiều có thể gây ung thư?

Thông tin trên khiến nhiều người dân lo lắng rằng nếu sử dụng loại nước có "thừa" quá nhiều Clo thì sẽ nguy hiểm thế nào?

Chia sẻ về việc này, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Clo là hóa chất ở dạng khí có màu vàng lục nhạt, nặng hơn không khí khoảng 2,5 lần, mùi hắc khó ngửi và là chất độc mạnh.

Clo có thể sử dụng để khử trùng hồ bơi, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; Tẩy trắng giấy, khử trùng, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, sơn... thuốc thử cho ngành công nghiệp hóa chất; Trong hóa hữu cơ Clo được sử dụng làm chất oxy hóa và chất thế hydro (chẳng hạn như trong sản xuất cao su tổng hợp).

Nhiều người dân tự test kiểm tra nước. (Ảnh: FB).
Nhiều người dân tự test kiểm tra nước. (Ảnh: FB).

Theo vị chuyên gia, Clo có ưu điểm hơn hẳn các chất khử trùng khác là để lại một lượng Clo thừa sau khử trùng có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà. Trong một số trường hợp, thiếu Clo trong hệ thống phân phối có thể gây ô nhiễm sau xử lý.

PGS-TS Trần Hồng Côn cho biết, đến bây giờ ở Việt Nam gần như 100% vẫn sử dụng Clo để khử trùng. Tuy nhiên, theo ông việc sử dụng clo khử trùng phải có liều lượng nhất định, nếu trong công tác khử trùng nước mà cho dư Clo so với quy định thì người dùng sẽ ngửi thấy mùi nồng nồng, khó chịu, đó chính là mùi clo dư, hay còn gọi là nước javen", 

Theo PGS. Côn, Clo có tính oxy hóa rất mạnh, mức độ cho phép ở ngưỡng ăn là 0,5-1,5mg/l, nếu như vượt qua ngưỡng cho phép của bộ y tế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tùy theo nồng độ, thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau... thậm chí gây ung thư.

Khi người dân ngửi mùi Co trong phòng kín quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Dấu hiệu là ho, khó thở, ngoài ra vì clo có tính oxy hóa mạnh nên có khả năng gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy các tế bào hồng cầu, thậm chí có thể gián tiếp tạo ra bệnh ung thư. Việc sử dụng nước ăn có chứa clo dư cũng nguy hiểm tương tự.

Chuyên gia khẳng định người dân có thể sử dụng cột than hoạt tính để khử Clo trước khi dùng tuy nhiên đây là biện pháp rất đắt đỏ, rất ít người ứng dụng được. Nhiều người chỉ nhau dùng máy lọc nước để khử Clo cũng không khả quan bởi Clo dư có thể phá hủy màng lọc nhanh chóng. Cách tốt nhất vẫn là chờ kết quả kiểm tra chính xác và nhờ vào cơ quan chức năng xử lý nước từ nguồn.

Chưa có bất kỳ cảnh báo nào cho người dân, khẳng định nước vẫn bình thường

Ngày 11/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì đoàn liên ngành đi kiểm tra và lấy mẫu nước tại 3 điểm: Bể chứa tăng áp (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), bể chứa trung gian tại xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội), Nhà máy nước mặt sông Đà của Công ty Viwasupco (Từ Sơn, Hòa Bình) và một số điểm trên hệ thống điểm cấp nước của đơn vị bán lẻ.

Trả lời báo chí đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả kiểm tra đã xác định sơ bộ công tác vận hành nhà máy, hệ thống truyền dẫn cấp nước tại thời điểm kiểm tra của Nhà máy nước sạch sông Đà thì đang vận hành cấp nước bình thường. Ngoài ra, hàm lượng Clo dư tại thời điểm kiểm tra có chỉ số từ 0,5-0,8mg/l, nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định nguồn nước sạch sông Đà có mùi Clo trong ngày 10/10 có thể là do hệ thống châm Clo tự động của nhà máy nước mặt sông Đà gặp sự cố và sự cố này trong thời gian ngắn sẽ trở lại bình thường.

Trong khi đó TS.BS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết: Ngay trong ngày 10/10, cơ quan này có nhận được thông tin nguồn nước sạch sông Đà có mùi lạ từ cộng đồng và Công ty Viwaco, và đã cử người phối hợp với Viwaco đi lấy mẫu nước ở đoạn cuối đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đà ở khu vực gần siêu thị Big C (222 Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) mang về phòng thí nghiệm phân tích.

"Đến ngày 11/10, chúng tôi được mời đi theo đoàn liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì, điểm kiểm tra lấy mẫu tại Nhà máy mặt sông Đà. Đồng thời đoàn còn lấy mẫu nước ở khu vực Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội và Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) để mang về phòng thí nghiệm phân tích. Dự kiến khoảng 10 ngày mới kết quả phân tích các mẫu nước, khi có kết quả chúng tôi sẽ gửi cho Sở Xây dựng Hà Nội để báo cáo", TS.BS Nguyễn Thị Kiều Anh nói.

Với câu hỏi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội có khuyến cáo gì cho người dân về việc sử dụng nguồn nước sạch sông Đà ở thời điểm hiện tại? TS.BS Nguyễn Thị Kiều Anh nói: "Chất lượng nước về mặt cảm quan như vậy thôi, còn phải chờ kết quả phân tích mới có thể kết luận".