Báo cáo với nhan đề “Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam” vừa được ADB công bố cho rằng: Mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực khởi nghiệp là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.
Một ví dụ về sự hỗ trợ của Chính phủ là Đề án 844, với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có 100 doanh nghiệp sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2.000 tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD). Mục tiêu này được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và hai đề án mới có tên gọi “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Bà Aimee Hampel-Milagrosa, chuyên gia kinh tế của ADB, một trong những tác giả chính của báo cáo nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực mới của tăng trưởng cho quốc gia. Để tạo thuận lợi cho quá trình này, Chính phủ đã bắt đầu tập hợp những yếu tố chủ chốt, ví dụ như các ưu đãi khuyến khích về chính sách và tài chính để tạo ra và xây dựng thế hệ "kỳ lân" khởi nghiệp tiếp theo của Việt Nam.”
Theo ADB, năm 2021, tại Việt Nam, 5 lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục (17,2%); công nghệ y tế (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Hiện các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đang phối hợp với chính quyền các tỉnh và các bộ ngành trung ương để thành lập các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức các sự kiện khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ.