Bộ TN&MT vừa ban hành Văn bản số 4379/BTNMT-TNN về việc công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021.
Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 nhằm cung cấp một cách nhìn tổng quan về hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước, công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam cho giai đoạn 2016-2021. Đây là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.
Theo đó, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 bao gồm 5 Chương: Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Hiện trạng tài nguyên nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Quản lý tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện quy định Luật Tài nguyên nước, Bộ đã chỉ đạo và giao Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng Báo cáo tài nguyên nước quốc gia để cung cấp một cách tổng quan hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021. Trong quá trình xây dựng, Cơ quan soạn thảo đã tổng hợp các thông tin, số liệu (về khai thác, sử dụng nước; tình hình quản lý;...) do các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh cung cấp, các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để xây dựng Báo cáo này.
Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26/ 12/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như sông Cầu (Thái Nguyên), sông Thị Vải (Đồng Nai), sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương).
Theo dự thảo Quy hoạch, đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%...
Giới chuyên gia nhận định, để góp phần cải thiện chất lượng nước và sử dụng nguồn nước bền vững hơn, Việt Nam cần xây dựng Luật Tài nguyên nước theo hướng quy hoạch tổng thể, hiện đại, rõ trách nhiệm hơn.
Khẳng định tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác nhân từ việc khai thác bừa bãi, sử dụng quá mức dẫn tới nguồn nước đang “quá ít” và “quá bẩn,” nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần nay, cần tạo được hành lang pháp lý đồng bộ, mang tầm dài hạn để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm do khai thác quá mức, sự phát triển thuỷ điện quá tải ở nhiều nơi, cùng với đó là các tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định nước là nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, an toàn, đảm bảo vệ sinh, hiệu quả để thúc đẩy phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; không đánh đổi an sinh xã hội và môi trường sống, an ninh nguồn nước để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng cũng khẳng định, trong thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc và các đối tác quốc tế khác để quản lý, phát triển, bảo vệ và sử dụng bền vững và hiệu quả, cùng có lợi tài nguyên nước từ các dòng sông.