Tiểu vương quốc giàu có vùng Vịnh này - một trong những nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, đang tìm cách ký kết các hợp đồng dài hạn với các quốc gia châu Âu, dù rằng phần lớn các quốc gia này luôn từ chối cơ hội trên, bất chấp đang điên cuồng tìm kiếm các giải pháp thay thế hydrocarbon của Nga.
“Điều duy nhất đã cứu nhân loại và châu Âu trong năm nay, là một mùa đông ấm áp và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.”- Trích lời ông Saad Al-Kaabi - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar, trong một cuộc họp diễn đàn ở Doha.
Sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, người châu Âu bắt đầu lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt vì châu Âu thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Moscow, và giá cả cũng đã tăng cao trên thị trường thế giới.
Ông Saad Al-Kaabi nói: “Nếu nền kinh tế bắt đầu cất cánh vào năm 2024 nhờ có một mùa đông bình thường, tôi nghĩ châu Âu sẽ lâm vào cảnh tồi tệ nhất. Nếu họ không nhận ra điều này, nếu họ không có một kế hoạch phù hợp, nếu họ không hạ bệ các công ty dầu khí và nếu họ không ngồi lại để đàm phán với các công ty khai thác, thì người châu Âu sẽ phải đối mặt với một thực tế do chính họ tự áp đặt”.
Hiện nay, Qatar đang phát triển cụm mỏ khí đốt khổng lồ tên North Field – khu vực có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất trên toàn thế giới. Qatar đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 126 triệu tấn/năm trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2027.
Ông Kaabi cho biết, tất cả sản lượng từ các mỏ North Field East và North Field South có thể sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu của những thỏa thuận dài hạn vào cuối năm nay.
Ông nói: “Chúng tôi có thể sẽ không có dư khí đốt từ NFE và NFS kể từ cuối năm nay, khi xét về yêu cầu của các hợp đồng dài hạn”.
“Không có người mua”
Vào cuối năm 2022, Qatar đã công bố ký kết một thỏa thuận lớn về việc cung cấp LNG cho Đức trong vòng 15 năm, sau nhiều vòng đàm phán khó khăn với những nước châu Âu muốn tránh ký kết thỏa thuận dài hạn với tiểu vương quốc này, không như những nước châu Á.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, cũng cho biết châu Âu đã được “cứu nhờ có một món quà mà Chúa ban tặng” vào mùa đông năm 2022. Cũng theo ông, an ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa vì “những chính sách dài hạn vội vàng”, tập trung vào việc hạn chế tiêu thụ hydrocarbon vì môi trường.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út nói thêm: “An ninh năng lượng đang bị cản trở. Chúng ta thiếu năng lực vì các nước không chịu đầu tư vào dầu khí. Chúng ta cứ nói về hydrogen lam, xanh lục, tím, hồng, nhưng rốt cuộc, ai mua? Giá bao nhiêu? Chúng ta không chịu nói về dầu mỏ hay khí đốt. Chúng ta đi nói về cái gọi là nhiên liệu xanh và sạch nhất của tương lai. Vậy mà vẫn không có ai mua chúng”.
Các quốc gia vùng Vịnh đang thúc đẩy chính sách khử carbon, nhưng vẫn thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư nhiều hơn vào khí đốt và dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - quốc gia đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP 28), cũng đang kêu gọi thúc đẩy các chính sách thu giữ CO2 do ngành công nghiệp hydrocarbon thải ra, thay vì dựa vào năng lượng xanh.