Những đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam xác định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong bài viết với tiêu đề "Việt Nam đi ngược chiều với xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á", Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ thúc đẩy ngành sản xuất tăng tốc, giúp ngành bán lẻ và du lịch phục hồi phát triển.
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam được nâng lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Bà Jiak See Ng - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Tài Chính Deloitte châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Tôi có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển mới. Việt Nam có nền tảng vững chắc về chuỗi cung ứng. Việt Nam đang thu hút nhiều startup fintech bởi nguồn lực chất lượng cao và sáng tạo. Một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, sự minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp ở cả khối tư nhân và nhà nước".
Có thể thấy, lạm phát là một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của tất cả các nước. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu liên quan đến nhiên liệu và các dịch vụ vận tải. Còn người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng từ việc giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu.
Đánh giá của ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá: "Hiển nhiên là các nỗ lực bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự hiệu quả. Tác động của giá nhiên liệu tăng lên lạm phát ít hơn đáng kể so với các quốc gia khác".
Xuất khẩu - một trong những động lực phát triển kinh tế của Việt Nam được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu giảm tốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin tưởng nền tảng kinh tế vững chắc sẽ giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn chung của thế giới.
"Vào năm 2023 có thể chúng ta sẽ thấy nhu cầu tại châu Âu và Mỹ giảm một cách rõ rệt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có rất nhiều thị trường xuất khẩu khác, vì vậy tôi chắc rằng tình hình xuất khẩu sẽ không bị tác động tiêu cực", ông Preben Hjortlund,Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu tại Việt Nam (NordCham) nhận định.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt và đưa ra điều chỉnh kịp thời để ứng phó với các thách thức và hạn chế rủi ro.
Giám đốc WB Việt Nam - bà Carolyn Turk cũng cho rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn", Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.