“Cha chung” đã có người khóc

“Cha chung không ai khóc”, câu thành ngữ quen thuộc này chỉ sự thờ ơ, vô trách nhiệm đối với công việc chung. Nó xuất phát từ tâm lý “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “ôm rơm rặm bụng” từ thời làm ăn manh mún, tự cấp tự túc. Tiếc rằng, tư tưởng cố hữu này vẫn còn bám riết đời sống hôm nay.

Dự án Công viên hồ Phùng Khoang triển khai hơn 8 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành

Một trong những biểu hiện thờ ơ trước việc chung của cộng đồng là tình trạng lãng phí của công. Ai cũng thấy, nhưng rồi lại nghĩ rằng đó không việc của mình. “Của đau con xót”, nhưng là xót chung, thế là năm này sang tháng khác bao nhiêu của cải, vật chất bị tiêu hao, hư hỏng. Biết là lãng phí nhưng không biết phải gỡ từ đâu.

Chuẩn bị bước sang năm mới 2025, mấy tháng nay, từ Diễn đàn Quốc hội, công sở đến khắp phố phường, làng xã, đâu đâu cũng bàn chuyện tiết kiệm, chống lãng phí. Không chỉ bàn mà còn tìm cách sửa sai. Đó là một dấu hiệu tốt, vì nếu không thì không thể khá lên được. Đất nước muốn phồn vinh hạnh phúc nhất định phải làm ra nhiều của cải, đi đôi với tính toán căn cơ, chi tiêu hợp lý để tái sản xuất.

Có rất nhiều dẫn chứng về sự ném tiền, thậm chí ném rất nhiều tiền qua cửa sổ trong những năm qua. Có người ví tham nhũng như những hạt ngô thì lãng phí giống như cái lõi ngô. Ta có thể thấy rõ mươi năm trở lại đây hàng chục nghìn tỷ đồng được đổ vào đầu tư cho điện sạch, nhưng những "cánh đồng điện gió” tua tủa cánh quạt khổng lồ nằm phơi sương phơi nắng. Những “cánh đồng” trải khắp từ vùng biển Sóc Trăng đến Bến Tre, Tiền Giang ở miền Tây, ngược lên Đắc Nông, Gia Lai ở Tây Nguyên và “chạy” ra miền Trung, nhiều nhất là Bình Thuận với lợi thế nắng nóng, ít mưa, bờ biển dài gần 200 km.

Không chỉ có công trình điện gió “trùm mền” mà khắp cả nước đâu đâu cũng thấy những dự án, công trình không... nhúc nhích. Những công trình được đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng hàng chục năm không thể đưa vào hoạt động gây hậu quả lớn trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai. Bệnh viện, công viên, nhà chung cư cho sinh viên mọc lên ở nhiều đô thị đã hư hại, xuống cấp, có người gọi là những “nghĩa địa chôn tiền”. Thật là đau xót!

Tình trạng đáng báo động nêu trên không chỉ gây lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước, mà còn mất niềm tin của người dân.

Nguyên nhân dẫn đến lãng phí, nhiều lắm! Đã có nhiều hội thảo từ cấp to đến cấp nhỏ, bàn tái bàn hồi, vẫn chưa thể tháo gỡ. Vì thế, dịp này Quốc hội, Chính phủ xem xét đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống là rất cần thiết và phải được tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới, ở mọi cấp, mọi ngành.

Rất mừng là Hà Nội đã nhanh chóng triển khai. Thành phố đã đi đầu trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo chống lãng phí. Lãnh đạo Thủ đô nói một cách khiêm tốn: Thể hiện một “góc nhìn mới” về việc phòng chống lãng phí. Góc nhìn ấy là, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ yếu kém sai phạm và khắc phục ngay, công trình nào làm được thì làm dứt điểm, không được phép chậm trễ nữa vì đã lây nhây hàng chục năm rồi.

Quyết tâm này là có cơ sở, vì không phải là chuyện “cha chung” nữa. Ban chỉ đạo có tới 22 thành viên do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Như vậy là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, không để tình trạng đánh trống bỏ dùi. Ai không làm được phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố và trước pháp luật.

Ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo, Hà Nội đã nêu ra bốn nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể cần rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đương nhiên, khi nói “rà soát” phải khách quan, cẩn trọng, đúng luật nhưng đừng kiếm cớ “hành” doanh nghiệp, đừng để lãnh đạo chỉ nói một câu cửa miệng phải “rà soát” mà khiến cho dự án chậm thêm vài tháng. Mục tiêu của Ban chỉ đạo rất rõ ràng: Tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.

Nói là làm, ngay trong ngày đầu công bố quyết định thành lập, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (diện tích gần 12 ha). Dự án này khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành trong năm 2017, nhưng đến nay đã 8 năm vẫn là “khu rừng cỏ”. Quyết tâm của Hà Nội là giải quyết dứt điểm tồn tại, tổ chức triển khai thi công, đưa Công viên vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Từ Hà Nội - thành phố sáng tạo - cách làm quyết liệt, bài bản đang lan tỏa ra cả nước. Chống lãng phí, tham nhũng như chống giặc ngoại xâm. Chuyện rất quan trọng và cấp bách trong lúc này.

Bạn đang xem bài viết “Cha chung” đã có người khóc tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.