Cho vay bất động sản 'khủng' khiến nợ xấu PVcomBank tăng nhanh?

Báo cáo tài chính quý 1/2024 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho thấy, cho vay bất động sản và xây dựng của nhà băng này tăng, tuy nhiên nợ xấu cũng tăng đặc biệt ở nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu gia tăng, trong khi cầu tín dụng còn thấp do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu. Ngành Ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu tăng cao, dẫn tới hệ lụy chất lượng nợ cho vay kém, có nghĩa chất lượng tài sản ngân hàng đi xuống.

Nợ có khả năng mất vốn của PVcomBank tăng

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024 của Ngân hàng PVcomBank, cho vay lĩnh vực xây dựng và bất động sản đều tăng mạnh, trong đó cho vay trong xây dựng tăng hơn 200 tỷ đồng, lên mức 2.560,261 tỷ đồng đồng. Tương tự cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản của nhà băng này tính đến quý 1/2024 đạt mức 19.839,720 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Việc đổ vốn cho vay nhiều vào lĩnh vực bất động sản của PVcomBank được xem ngược dòng, khi nhiều nhà băng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản, thay vào đó hướng đến cho vay ở nhiều lĩnh vực khác như hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, sản xuất, năng lượng tái tạo…

Báo cáo quý 1/2024 của PVcomBank cho thấy, cho vay theo ngành kinh tế khoản vay của PVcomBank với lĩnh vực chuyên môn, khoa học và công nghệ đã giảm hơn 100 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Ngược lại khoản vay cho thuê kho bãi tăng mạnh thêm hơn 300 tỷ đồng.

Nợ có khả năng mất vốn của PvcomBank tăng

Cùng với việc cho vay bất động sản tăng thì nợ xấu của PVcomBank trong quý 1/2024 cũng tăng mạnh lên gần 4%, trong đó, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nghi ngờ (+15,8%) và có khả năng mất vốn (+17,4%). Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2024, nợ cấu của PVcomBank ở mức 3.882,385 tỷ đồng. Đáng chú ý trong nợ xấu của PVcomBank, chủ yếu nằm ở nhóm 4 và nhóm 5. Theo đó, nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng từ 576,853 tỷ đồng hết năm 2023 tăng lên 668,072 tỷ đồng (tính đến 31/3/2024). Trong khi nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn còn tăng mạnh hơn, từ mức 2.433,477 tỷ đồng hết năm 2023 sau 3 tháng đầu năm 2024 lên mức 2.855,775 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2024, dự phòng rủi ro PVcomBank tăng lên mức 2.024,943 tỷ đồng, trước đó kết thúc năm 2023, dự phòng rủi ro của nhà băng này chỉ là 1.889,516 tỷ đồng.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% cuối năm 2023. Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 nhà băng đã tăng so với cuối năm rồi.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty chứng khoán ACBS cho biết, nợ xấu đang gia tăng và áp lực dự phòng lớn với các ngân hàng. Nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý I/2024. Xét về tổng thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II-III/2020 là giai đoạn dịch Covid-19. Nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ nhóm 2 lại đang tăng lên đáng kể, cho thấy là một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý II/2020, quý II/2021 và quý III/2021, quý I/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ LLR – dự phòng bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.Theo các chuyên gia, trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu.

Tổng hợp từ 28 ngân hàng, số dư dự phòng rủi ro đạt 194.939 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh ghi nhận vào cuối quý III/2023 (gần 196.000 tỷ đồng).

Lùm xùm thông tin dự án Tokyo Tower liên quan đến Công ty Nhật Nam, PVcomBank lên tiếng

Tháng 9/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng cảnh sát kinh tế) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam - về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 74 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, bước đầu xác định Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án. Trong đó có việc sử dụng thông tin, hình ảnh của dự án Tokyo Tower để huy động vốn.

Lùm xùm thông tin dự án Tokyo Tower liên quan đến Công ty Nhật Nam

Theo tìm hiểu được biết, dự án Tokyo Tower (tên cũ là Hanoi Landmark 51), được khởi công từ tháng 4/2015 với 51 tầng, 688 căn hộ, diện tích khu đất là 4.557,3 m2. Dự án do Công ty CP Sông Đà 1.01 và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor làm chủ đầu tư, còn PVcomBank là đơn vị tài trợ vốn và bảo lãnh.

Dự án Tokyo Tower đã được thế chấp, bảo đảm cho nghĩa vụ nợ của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 tại PVcomBank. Theo PvcomBank, Công ty Sông Đà 1.01 đã không thực hiện đúng cam kết với ngân hàng nên PvcomBank cho biết đã tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản còn lại của dự án Tokyo Tower.

Trước đó vào năm 2022, ông Tạ Văn Trung - người đại diện theo pháp luật của Sông Đà 1.01 và người liên quan đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhóm cổ đông của bà Vũ Thị Thúy, tổng giám đốc Công ty Nhật Nam. Mặc dù vậy PVcomBank lại khẳng định dự án Tokyo Tower không liên quan đến bất cứ hoạt động huy động vốn hay kinh doanh nào của bà Vũ Thị Thúy và Công ty Nhật Nam.

Vào cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định kiểm tra PVcomBank, mục đích nhằm đánh giá kết quả thực hiện kết luận thanh tra cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; qua đó xem xét đánh giá nội dung nào đã thực hiện, đang thực hiện và nội dung nào chưa thực hiện, làm rõ nguyên nhân và các khó khăn vướng mắc. Trên cơ sở đó TTCP tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bạn đang xem bài viết Cho vay bất động sản 'khủng' khiến nợ xấu PVcomBank tăng nhanh? tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.