Tổng mức đầu tư cho tuyến đường cao tốc Nam Định - Thái Bình là hơn 19.784 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay. Trong đó, vốn nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm thu xếp là hơn 10.447 tỷ đồng (52,81%). Vốn Nhà nước là 9.337 tỷ đồng (47,19%); bao gồm vốn ngân sách Trung ương 6.200 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp thực hiện dự án) phê duyệt quyết định đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco.
Dự án được đầu tư dài 60,9km (qua Nam Định dài 27,6km, qua Thái Bình dài 33,3km). Điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển (xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Trên tuyến có 23 cầu, 4 cầu vượt ngang tại các nút giao liên thông, 2 trạm dừng nghỉ (1 tại địa bàn huyện Trực Ninh - Nam Định, 1 tại địa bàn huyện Kiến Xương-Thái Bình). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, 4 làn xe, nền rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Dự án được áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền, tổng khối lượng khoảng 5,2 triệu m3.
Thời gian thu phí hoàn vốn là 25 năm 4 tháng. Tỉnh Thái Bình sẽ đấu thầu dự án rộng rãi trong nước, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý IV/2024, khởi công năm 2025, hoàn thành cơ bản vào năm 2027, đưa vào vận hành khai thác từ năm 2028.
Trước đó, vào ngày 25/12/2023, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và các tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng.
Việc đầu tư tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đồng thời giúp giảm chi phí logistics và đảm bảo an toàn giao thông.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối với các tuyến đường lớn như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới và các trục phát triển kinh tế khác như đường trục kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến Nam Định - Lạc Quần, tuyến Thái Bình - Cồn Vành.
Dự án cũng giúp kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ.